“Cánh đồng mẫu lớn” tại Bình Định: Chi phí giảm, năng suất hiệu quả vượt trội

Tỉnh Bình Định lần đầu tiên xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn” có diện tích 50 ha trồng lúa lai Nhị ưu 838 tại xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân) đã mang lại hiệu quả vượt trội so với cách làm nhỏ lẻ trước đây và tạo hiệu ứng tích cực đối với người dân.


 

Tham quan mô hình Cánh đồng mẫu lớn tại xã Ân Tường Tây. ảnh: Baobinhdinh.com.vn

 

Ông Trần Đình Tường, thôn Hà Tây, xã Ân Tường Tây cho biết: Năng suất lúa vụ thu năm nay của gia đình ông đạt trên 80 tạ/ha, trước đây chưa bao giờ đạt được. Trên diện tích 2.500m2, trước đây, ông sử dụng từ 120 - 130 kg phân bón các loại, trong khi đó, vụ này ông chỉ dùng 75 kg. Tuy vậy, lúa thì tốt hơn và năng suất cao hơn hẳn các vụ trước.


Hộ ông Tường là một trong 262 hộ nông dân xã Ân Tường Tây tham gia thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn. Mô hình này lần đầu tiên được thực hiện tại tỉnh Bình Định trên cánh đồng rộng 50 ha liền thửa. Các nông dân được hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch hại tổng hợp và đồng bộ.


Cuối vụ, năng suất bình quân trong phạm vi thực hiện “Cánh đồng mẫu lớn” đạt 75 tạ/ha, cao hơn 5 tạ/ha so với ruộng bên ngoài, nhiều hộ đạt năng suất trên 80 tạ/ha; các khoản chi phí đầu tư phân bón, vật tư nông nghiệp giảm 1,7 triệu đồng/ha, nhưng lợi nhuận tăng trên 4 triệu đồng/ha so với trước đây.


Ông Phạm Xuân An, ở thôn Hà Tây, cùng thực hiện mô hình Cánh đồng mẫu lớn cho hay: Không chỉ hiệu quả về kinh tế, giải pháp thực hiện đồng bộ trong canh tác lúa như Cánh đồng mẫu lớn còn giúp nông dân tiếp cận được tiến bộ khoa học, kỹ thuật, bảo vệ môi trường sống.


Theo nhiều nông dân trước đây, việc canh tác của nông dân thực hiện theo quán tính, không đồng bộ nên hiệu quả kinh tế thấp. Sau khi tham gia mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, hiệu quả kinh tế của những giải pháp canh tác tiến bộ được áp dụng là không cần bàn cãi, giống, phân bón, vật tư đều giảm, trong khi cả năng suất, chất lượng lúa và lợi nhuận đều tăng. Các hộ tham gia mô hình này đều có lợi nhuận đạt từ 30 - 40%.


Cũng tại chân ruộng của mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, vào vụ đông xuân, năng suất lúa sẽ cao hơn so với các vụ khác, thông thường trên 80 tạ/ha/vụ. Với các vụ hè thu hoặc vụ thu, năng suất thông thường đạt khoảng 70 tạ/ha. Theo tính toán của ngành nông nghiệp Bình Định, nếu thực hiện 2 vụ cho năng suất trên 15 tấn/ha sẽ hiệu quả hơn nhiều so với làm 3 vụ/năm, năng suất cả 3 vụ thường dưới 13 tấn/ha/năm.


Từ hiệu quả của “Cánh đồng mẫu lớn” tại xã Ân Tường Tây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Thị Thu Hà cho biết, chủ trương thực hiện mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” để tiến tới thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện cho canh tác quy mô lớn là điều bắt buột phải thực hiện. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT Bình Định chủ trì thực hiện đồng bộ tại toàn bộ 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Cánh đồng mẫu lớn ngay từ vụ đông xuân 2012 - 2013 tới. Các huyện đồng bằng thực hiện từ 3 đến 5 mô hình với quy mô 30 - 50 ha mỗi mô hình; các huyện miền núi tùy điều kiện có thể thực hiện quy mô 10 - 30 ha/mô hình và định hướng để nông dân đạt được lợi nhuận từ 40% trở lên.


Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định ông Hồ Ngọc Hùng cho biết: Qua mô hình này, đã giúp nông dân càng gần lại với các nhà khoa học, nhà quản lý và nhà kinh doanh. Sở sẽ phối hợp cùng từng địa phương, trên cơ sở điều kiện thực tế để xây dựng đồng bộ Cánh đồng mẫu lớn. Từ hiệu quả mang lại, người nông dân sẽ tự nguyện tham gia. Khi ấy việc áp dụng quy trình để đạt hiệu quả cao sẽ dễ dàng thực hiện được.


Ly Kha

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN