Những kỷ niệm của nhà báo nước ngoài cuối cùng phỏng vấn Bác Hồ

Chắc rất nhiều người khi nghĩ đến những người bạn Cuba thân thiết của nhân dân Việt Nam, đều nói đến nữ nhà báo Marta Rojas. Bà đã từng nhiều năm lặn lội trên đất nước Việt Nam trong thời gian chiến tranh, từ các tỉnh đồng bằng Bắc bộ cho tới những khu rừng bạt ngàn ở chiến trường miền Nam, và những bài báo của bà đã giúp cho nhân dân Cuba và Mỹ Latinh hiểu rõ thêm về cuộc đấu tranh chính nghĩa vì độc lập dân tộc của Việt Nam. Nhưng kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời làm báo của bà Marta Rojas chính là cuộc phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 7/1969, chỉ hai tháng trước khi Người mãi mãi đi xa. Đó cũng chính là cuộc phỏng vấn cuối cùng của một nhà báo nước ngoài với vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Nhà báo Marta Rojas và bức ảnh mà Bác Hồ ký tặng bà sau cuộc phỏng vấn vào tháng 7/1969. Ảnh: Hoài Nam


Chúng tôi đến gặp nhà báo Marta Rojas tại nhà riêng vào một ngày giữa tháng 8 với mong muốn được bà thuật lại kỷ niệm về những chuyến đi thực tế ở chiến trường Việt Nam, và đặc biệt là cuộc phỏng vấn lịch sử với Bác Hồ. Khi biết được ý định của chúng tôi, cảm xúc của bà Marta Rojas dường như dâng trào. Những hoài niệm về một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết ngay lập tức trở lại trong tâm trí của Marta Rojas. Với một trí nhớ tuyệt vời, một giọng kể ấm áp và đầy cuốn hút, câu chuyện của bà khiến chúng tôi cảm tưởng như tất cả vừa mới diễn ra hôm qua…

Marta Rojas và chị Phan Thị Quyên, vợ của anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi trong rừng Tây Ninh. Ảnh: tư liệu của bà Marta Rojas


Đó là vào năm 1965. Marta Rojas, một phóng viên trẻ của báo Revolucion (Cách mạng), nhận được chỉ thị trực tiếp của Tổng tư lệnh Fidel Castro với yêu cầu phải sớm sang Việt Nam để tìm hiểu và thông tin một cách sống động và chân thực nhất về cuộc chiến đấu anh dũng, quả cảm của nhân dân Việt Nam vì độc lập dân tộc. Ngay khi chuẩn bị lên đường, bà Marta Rojas đã ấp ủ ý định phải bằng mọi cách phỏng vấn được Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, do điều kiện lúc bấy giờ không cho phép nên bà đành phải gác lại “ước muốn cháy bỏng” đó với niềm tin sẽ có một ngày được gặp Bác Hồ. Năm đó bà Marta Rojas được đưa tới Campuchia và từ đó vượt rừng vào căn cứ địa của cách mạng miền Nam Việt Nam ở Tây Ninh. Trong thời gian ở cùng với các chiến sỹ cách mạng Việt Nam, bà đã viết hàng loạt bài báo để gửi về nước và nhờ đó nhân dân Cuba ở bên kia địa cầu càng hiểu thêm về cuộc kháng chiến trường kỳ đầy vất vả gian lao nhưng cũng vô cùng vẻ vang của nhân dân Việt Nam.

Nhà báo Marta Rojas (thứ tư từ phải sang) đang được các chiến sỹ quân giải phóng hướng dẫn cách lắp súng trong rừng Tây Ninh. Ảnh: tư liệu của bà Marta Rojas


Liên tiếp những năm sau đó bà Marta Rojas đều dành thời gian để đến với đất nước Việt Nam. Cũng vì tình yêu với đất nước hình chữ S mà bà đã tham gia tích cực vào các phong trào đoàn kết với Việt Nam và từng có mặt tại một số diễn đàn quốc tế với tư cách là một nhân chứng sống để tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ chống lại nhân dân Việt Nam. Và rồi tới năm 1969, trong một chuyến đi như bao chuyến đi khác mà bà thực hiện tới Việt Nam, Marta Rojas tiếp tục bày tỏ nguyện vọng được phỏng vấn Bác Hồ với các đồng chí lãnh đạo Việt Nam. Một ngày giữa tháng 7/1969 khi đang trọ tại khách sạn Thống Nhất, bà Marta Rojas bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại của Tổng Biên tập báo Nhân Dân Hoàng Tùng với lời nhắn: “Sáng mai đúng 6 giờ 30 tôi sẽ đón đồng chí vào gặp Bác Hồ”.

Bà Marta Rojas bồi hồi nhớ lại: “Sáng hôm đó khi cùng với đồng chí Hoàng Tùng và một đồng chí phiên dịch vừa bước vào khuôn viên Phủ Chủ tịch thì tôi đã thấy từ xa một cụ già tươi cười tiến lại gần và chủ động chào tôi bằng tiếng Tây Ban Nha “Buenos días, Marta” (Chào buổi sáng đồng chí Marta). Sau một thoáng bất ngờ tôi nhận ra đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu mà tôi luôn ước ao được gặp mặt. Đã được đọc và nghe nhiều về Bác Hồ nhưng được gặp trực tiếp tôi mới cảm nhận hết được sự giản dị, gần gũi và lịch thiệp trong con người vĩ đại đó. Lúc đó Bác cũng hỏi thăm tôi về sức khỏe của đồng chí Fidel Castro và nói rằng bác rất thích đọc các bài diễn thuyết của vị Tổng tư lệnh đáng kính của nhân dân Cuba”.

Bà Marta Rojas (đội khăn rằn), nhà báo Raul Valdez Vivo (ngồi bên cạnh) đang được các chiến sỹ Quân giải phóng đưa qua sông. Ảnh: tư liệu của bà Marta Rojas.


Bà Marta Rojas kể rằng trong gần 30 phút đầu tiên của cuộc gặp gỡ đó, dường như bà trở thành người “bị phỏng vấn” khi Bác hỏi thăm về chuyến đi vào miền Nam đầu tiên của bà năm 1965. Bác cũng muốn biết về những cảm nhận của một nhà báo nước ngoài khi được tận mắt chứng kiến cuộc sống và tinh thần chiến đấu của các chiến sỹ ở miền Nam. Bà Marta Rojas vô cùng xúc động khi nhắc lại câu nói của Bác Hồ sau khi nghe bà tường thuật lại những trải nghiệm của mình rằng: “Nỗi đau và sự chịu đựng của nhân dân miền Nam cũng chính là nỗi khổ tâm của tôi. Tình yêu tôi dành cho nhân dân ở miền Nam cũng giống như nhân dân ở miền Bắc. Tôi luôn dành cả cuộc đời vì hạnh phúc của nhân dân mình”.

Bác Hồ cũng đề nghị bà Marta Rojas kể lại chuyến đi mà bà vừa thực hiện trước đó ít ngày vào khu vực vĩ tuyến 17 và hỏi thăm về lá cờ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở phía Bắc sông Bến Hải. “Bác nói rằng ngay ở những thời điểm khốc liệt nhất, hứng chịu nhiều nhất các đợt ném bom của kẻ thù thì lá cờ đó cũng không bao giờ ngừng tung bay. Quân và dân Việt Nam ở vùng đất lửa đó đã làm tất cả để bảo vệ lá cờ. Đó là biểu tượng của một nước Việt Nam thống nhất. Những tấm gương đó đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi trong cuộc chiến đấu trường kỳ”, nhà báo Marta Rojas hồi tưởng lại và cho biết thêm lúc đó bà nhận thấy trong ánh mắt của Bác Hồ một niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng của nhân dân Việt Nam.

Bà Marta Rojas cũng chia sẻ với Bác về tình hình của Cuba, cũng như tình cảm mà lãnh đạo và nhân dân Cuba anh em dành cho đất nước Việt Nam anh hùng. Bác Hồ đã gửi lời thăm hỏi tới các đồng chí lãnh đạo và nhân dân Cuba và kết luận bằng câu nói ví von: “Việt Nam và Cuba là hai người anh em ở hai nửa địa cầu. Khi Cuba ngủ thì Việt Nam thức để canh gác và khi Việt Nam ngủ thì Cuba thức để bảo vệ”.

Nhà báo Marta Rojas cũng nhớ lại một chi tiết vô cùng thú vị trước khi chia tay với Bác: “Với ước ao được phỏng vấn Bác Hồ nên trước mỗi chuyến đi tôi đều chuẩn bị một món quà để nếu có dịp gặp Người tôi sẽ tặng làm kỷ niệm. Trước chuyến đi năm 1969 đó, khi tôi đang còn đang loay hoay suy nghĩ xem chuẩn bị đồ lưu niệm gì thì đồng chí Celia Sanchez (thư ký của Tổng tư lệnh Fidel Castro) nói với tôi rằng nên mang một chiếc gạt tàn vì Bác Hồ có thói quen hút thuốc. Và đó là món quà tôi đã mang sang Việt Nam. Khi kết thúc cuộc phỏng vấn tôi đã đưa chiếc gạt tàn tặng Người. Bác Hồ rất vui vẻ nhận món quà của tôi và nói rằng Người đã bỏ thuốc rồi tuy nhiên chiếc gạt tàn đó vẫn rất có tác dụng. Vừa nói Bác vừa với tay lên bàn làm việc lấy những chiếc ghim giấy đặt vào chiếc gạt tàn”.

Bà Marta Rojas thổ lộ, điều đọng lại lớn nhất trong tâm trí của bà sau cuộc gặp gỡ đó chính là sự giản dị, chân thành và gần gũi trong con người vĩ đại của Bác Hồ. Sau này bà cũng đã có nhiều dịp thăm lại Việt Nam và mỗi lần trở lại bà đều nhận thấy những sự “thay da đổi thịt” của mảnh đất Việt Nam anh hùng đúng với mong muốn “xây dựng đất nước mười lần tươi đẹp hơn” của Bác.

Hoài Nam (P/v TTXVN tại Cuba)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN