Mỹ từng dung túng nhiều tên phát xít Đức

Cuộc điều tra về chiến dịch săn lùng các phần tử phát xít Đức của chính phủ Mỹ lại cho thấy một thực tế hoàn toàn trái ngược: Sau Thế chiến II, các quan chức chính quyền và tình báo Mỹ đã che giấu, thậm chí “bắt tay” với nhiều tên phát xít khét tiếng.

Đi tìm sự thật

Luật sư Mark Richard.

Một bản báo cáo dày 600 trang mới được công bố đã cung cấp những thông tin mới liên quan đến hơn 20 tên phát xít khét tiếng nhất trong hơn 30 năm qua. Đó là cuộc truy đuổi Tiến sĩ Josef Mengele có biệt danh “Tử thần ở Auschwitz”, sai lầm của chính phủ trong việc xác định danh tính của tên giám sát trại tập trung Treblinka thường được gọi là “Ivan khủng khiếp”, hay cái chết của một cựu binh sĩ lực lượng Waffen SS ở New Jersey...

Tuy nhiên, tiết lộ động trời nhất chính là sự dính líu của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) với những tên phát xít lưu vong. Một số báo cáo trước đây của chính phủ Mỹ cũng đã thừa nhận việc CIA sử dụng các phần tử phát xít trong thời hậu chiến vào các mục đích tình báo. Và báo cáo này đã cho thấy rõ hơn mức độ can dự cũng như những mánh khóe mà CIA đã sử dụng để che giấu và sử dụng các phần tử phát xít.

Các điều tra viên của Cục Điều tra đặc biệt (OSI) thuộc Bộ Tư pháp Mỹ, cơ quan được thành lập năm 1979 để thực hiện nhiệm vụ trục xuất các phần tử phát xít ra khỏi nước Mỹ, đã phát hiện ra rằng chính phủ đã cố tình cho phép một số tên phát xít vào Mỹ, mặc dù đã biết rõ về quá khứ của chúng. OSI cho rằng: “Nước Mỹ, vốn tự hào là bến đỗ an toàn cho những người bị khủng bố, cũng đã trở thành nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ khủng bố”.

Hơn 300 tên phát xít đã bị trục xuất, bị tước quyền công dân hoặc bị cấm nhập cảnh vào Mỹ kể từ khi OSI ra đời. Nhưng trước đó, nhiều tên trong số này đã nhận được sự che chở và giúp đỡ tích cực của các quan chức chính quyền Mỹ và CIA.

Nhiều tài liệu lưu trữ mà OSI tìm được cho thấy, năm 1954, những người đứng đầu cơ quan tình báo của Mỹ đã sốt sắng tìm cách che giấu quá khứ đen tối cho Otto Von Bolschwing – cộng sự thân tín của Adolf Eichmann, kẻ tham gia hoạch định kế hoạch “quét sạch người Do Thái khỏi nước Đức” và sau này cũng làm việc cho CIA. Giới lãnh đạo CIA đưa ra 2 lựa chọn: hoặc phủ nhận bất cứ mối quan hệ nào của Otto Von Bolschwing với phát xít Đức, hoặc tạo ra hoàn cảnh giảm nhẹ tội cho Otto Von Bolschwing.

Nhưng cuối cùng, năm 1981, Otto Von Bolschwing đã bị trục xuất ra khỏi Mỹ, sau khi OSI nắm được bằng chứng rõ ràng về mối quan hệ của Otto Von Bolschwing với phát xít Đức.

Josef Mengele (ảnh chụp năm 1956) (trái) và Arthur Rudolph (ảnh chụp năm 1990) - hai tên phát xít Đức từng được Mỹ che giấu.


Tương tự như Otto Von Bolschwing, Arthur L. Rudolph - kẻ từng lãnh trách nhiệm vận hành nhà máy sản xuất vũ khí Mittelwerk cho phát xít Đức và khét tiếng tàn bạo đối với những lao động nô lệ ở nhà máy này - cũng được Mỹ chào đón. Với những kinh nghiệm về chế tạo tên lửa, Arthur L. Rudolph được đưa đến Mỹ năm 1945 trong khuôn khổ Chiến dịch Paperclip (chương trình chiêu mộ các nhà khoa học từng làm việc cho phát xít Đức). Arthur L. Rudolph sau này được Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tôn vinh là “cha đẻ” của tên lửa Saturn V. Năm 1949, nhân vật số 2 ở Bộ Tư pháp Mỹ đã yêu cầu các quan chức về người nhập cư đưa Arthur L. Rudolph, lúc này đang ở Mêhicô, trở lại Mỹ, với lý do: Việc không đưa được Arthur L. Rudolph trở lại Mỹ “sẽ làm tổn hại đến an ninh quốc gia của nước Mỹ”. Năm 1983, khi OSI đề nghị trục xuất Arthur L. Rudolph, một số quan chức tình báo đã kịch liệt phản đối. Tuy nhiên, OSI kiên quyết cho rằng, việc trục xuất một phần tử phát xít khét tiếng như Arthur L. Rudolph là bằng chứng chứng tỏ chính phủ Mỹ đã tôn trọng cam kết về truy tố các phần tử phát xít.

Với Tscherim Soobzokov – kẻ từng tham gia lực lượng Waffen SS, CIA và cả Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã giúp đỡ bằng cách xóa sạch những thông tin có liên quan đến quá khứ phát xít trong hồ sơ của hắn. Nhưng đến năm 1980, OSI đã tìm được tài liệu chứng tỏ Tscherim Soobzokov đã báo cáo với CIA về mối quan hệ của hắn với Waffen SS ngay sau khi hắn đặt chân đến Mỹ.

Cũng theo những tài liệu mà OSI tìm được, trong những năm 1986 - 1987, Tổng thống Ronald Reagan và Phó Tổng thống George H. Bush (Bush cha) của Mỹ lúc đó đã “đối xử rất ân cần” với những cố vấn chính trị trong cái gọi là Hội đồng nhóm di sản của đảng Cộng hòa (Republican Heritage Groups Council) mà thực chất là những phần tử phát xít từ các nước Đông Âu chạy sang Mỹ. Một ví dụ là Lev Dobriansky, tên phát xít người Ucraina, đã được Tổng thống Reagan bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Bahamát. Sau này, chính quyền của các Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush (Bush con) cũng rất trọng dụng con cái của những “cố vấn chính trị này”. Ví như, con gái của Lev Dobriansky là Paula Dobriansky đã được đưa vào Bộ Ngoại giao Mỹ và trở thành “hạt giống” để đưa sang các nước Trung và Đông Âu.

Hành trình gian nan

“Cha đẻ” của ý tưởng lập báo cáo về hành vi dung túng các phần tử phát xít Đức của giới chức Mỹ là Mark Richard, một luật sư cấp cao của Bộ Tư pháp Mỹ. Năm 1999, luật sư Richard đã thuyết phục được Tổng Chưởng lý Janet Reno cho phép điều tra chi tiết về cái mà ông gọi là “một phần quan trọng của lịch sử”. Richard đã giao nhiệm vụ này cho công tố viên kỳ cựu là bà Judith Feigin.

Sáu năm sau, công tố viên Judith Feigin hoàn thành công việc được giao. Năm 2006, sau lần chỉnh sửa cuối cùng, luật sư Mark Richard đã đề nghị công bố rộng rãi bản báo cáo này, song yêu cầu của ông đã bị Bộ Tư pháp khước từ.

Luật sư Mark Richard sau đó được phát hiện mắc ung thư. Ông tâm sự với bạn bè và người thân rằng, công bố công khai bản báo cáo trên là 1 trong 3 ý nguyện cuối cùng của ông. Đáng tiếc là cho đến khi ông qua đời vào tháng 6/2009, ý nguyện này của ông vẫn chưa trở thành hiện thực. Công tố viên Judith Feigin cho rằng, việc bản báo cáo không được công bố đã “làm tan nát trái tim của Mark Richard”.

Sau khi luật sư Mark Richard qua đời, David Sobel, một luật sư ở Oasinhtơn cùng nhóm nghiên cứu tư nhân lưu trữ an ninh quốc gia đã đệ đơn kiện, đòi công bố bản báo cáo của Mark Richard theo đạo luật tự do thông tin. Bộ Tư pháp ban đầu bác đơn kiện, song cuối cùng đã đồng ý giao cho luật sư David Sobel một bản copy của báo cáo. Tuy nhiên, so với bản gốc, bản copy này đã bị cắt bỏ hơn 1.000 đoạn mà Bộ Tư pháp cho là liên quan đến đời tư và thông tin nội bộ nên không thể công bố.

Bộ này cũng cho rằng, bản báo cáo của Mark Richard chưa chính thức hoàn tất, không chứa đựng những kết luận chính thức và còn nhiều sai lầm cũng như thiếu sót (dù không chỉ ra những sai lầm và thiếu sót đó là gì).

Phát ngôn viên Laura Sweeney của Bộ Tư pháp khẳng định, bản báo cáo “rút gọn” mà Bộ chuyển cho luật sư David Sobel đã được những luật sư dày dạn kinh nghiệm xử lý và việc này được thực hiện “một cách minh bạch”.

Tuy nhiên, công chúng cuối cùng cũng đã biết được toàn bộ sự thật về việc nhà chức trách Mỹ dung túng cho các phần tử phát xít Đức khi tờ New Yorrk Times có được bản báo cáo đầy đủ của luật sư Mark Richard hồi cuối năm 2010.

Minh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN