Lính lê dương Đức trong chiến tranh Đông Dương

Lê dương (Légion étrangère) là một đơn vị quân đội chính quy trong lục quân Pháp, bao gồm những người nước ngoài tình nguyện phục vụ trong quân đội Pháp, ra đời từ năm 1831. Sĩ quan chỉ huy trong những đơn vị này luôn là người Pháp. Hiện nay có khoảng 7.700 lính lê dương đến từ 136 quốc gia. Theo đại tá Morellon, từ khi ra đời cho tới cuối những năm 1980 đã có trên 600.000 người từ khắp nơi trên thế giới phục vụ trong đội quân lê dương của Pháp, trong đó có trên 36.000 người đã bỏ mạng trong khi thi hành nhiệm vụ.


Có một điều ít người biết là có tới trên 35.000 lính lê dương người Đức đã tham chiến ở cả hai chiến tuyến trong cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương, mà người Việt Nam quen gọi là cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ba nước Đông Dương: Việt Nam, Lào và Campuchia.


Hàng ngồi, từ trái qua phải): Đồng chí Phạm Văn Đồng, Erwin Borchers, Ernst Frey, đồng chí Võ Nguyên Giáp và bà Đặng Bích Hà (phu nhân đồng chí Võ Nguyên Giáp). Người đứng ngoài cùng bên phải là Rudolf Schroeder.


Năm 1945, sau khi nước Đức phát xít thất trận, vô số binh lính và sĩ quan Đức đã trở về nhà trong tâm trạng chán chường, tuyệt vọng vì bại trận, vì nhà cửa, làng mạc thành phố bị phá hủy, nhiều người bị buộc phải rời bỏ quê hương sau khi nước Đức bị chia cắt. Trong khi đó, Pháp ráo riết tuyển mộ lính lê dương để đưa sang Đông Dương nhằm giành lại thuộc địa đã bị mất vào tay người Nhật, sau đó là chống lại Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vì vậy, người ta ước tính có tới 2/3 số lính lê dương được đưa sang Đông Dương sau Chiến tranh Thế giới thứ II là người Đức, trong đó phần lớn là lính trẻ từng phục vụ trong quân đội Đức Quốc xã. Giờ đây, khi chiến tranh kết thúc, họ không có công ăn việc làm, không nghề nghiệp, từ trước tới nay chẳng học gì ngoài đánh nhau và bắn giết. Họ nhìn thấy trong đội quân lê dương một lối thoát khỏi con đường bế tắc. Nhiều người chưa hình dung được nước Đức sẽ ra sao sau chiến tranh. Nhiều người hy vọng sau 5 năm phục vụ trong đội lính lê dương có thể nhập quốc tịch Pháp và sang Pháp sinh sống.


Nhưng Đông Dương cũng mang lại cho họ sự chết chóc, thiếu thốn và họ cũng gặp phải một đối thủ gan góc kiên cường. Một lính lê dương người Đức sau này nhớ lại: "Điều làm cho chúng tôi kinh ngạc và thán phục là những người lính trẻ Việt Minh, mới ngoài 20 tuổi, nhưng sẵn sàng vừa cười vừa đi vào cõi chết vì Tổ quốc. Họ không biết sợ chết. Chúng tôi ghét họ, vì họ có một cái gì đó mà chúng tôi không biết, không hiểu". Chiến tranh rất tàn khốc và đẫm máu, cho tới năm 1953 đã có trên 5.000 lính lê dương Đức tử trận.


Ernst Frey (thứ 2, trái sang) Georges Waechter (thứ 2, phải sang) và Rudolf Schroeder (ngoài cùng, phải). Đứng thứ 3 từ trái sang là đồng chí Trường Chinh.


Rất nhiều lính lê dương Đức đã chạy sang bên kia chiến tuyến, một số người tình nguyện, một số người vì muốn thoát khỏi số phận khắc nghiệt là bị bắt làm tù binh. Trong khoảng thời gian từ 1946 tới 1954, gần 1.400 lính lê dương Đức đã chạy sang phía Việt Minh. Trong đó có những người đến với Việt Minh vì lòng tin vào chính nghĩa, vào lý tưởng, đó là những nhà trí thức, những người theo cánh tả, những người chống phát xít như Erwin Borchers, sau này được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên tiếng Việt là "Chiến Sĩ".


Ngay từ khi còn là sinh viên, Borchers đã rất quan tâm tới chính trị và gia nhập Đảng Xã hội Dân chủ Đức. Sau khi Hitler lên cầm quyền năm 1933, Borchers đã tham gia một tổ chức kháng chiến ở Frankfurt/Main, in và phân phát truyền đơn tuyên truyền chống phát xít. Bị bọn Quốc xã theo dõi và suýt nữa bị bắt, ông liền trốn sang Pháp. Tại đây, ông muốn vào quân đội để chiến đấu chống Hitler, nhưng ông bị từ chối vì Pháp cho rằng mẹ ông, một phụ nữ Pháp đã "phản bội nước Pháp" khi lấy bố ông là người Đức. Thay vì cho ông vào quân đội, họ tống giam ông cũng như nhiều người Đức và người Áo khác, vì sợ rằng những người này có thể làm gián điệp cho Đức. Người Pháp nói với ông và những người bị giam giữ khác rằng gia nhập đội quân lê dương là lối thoát duy nhất để khỏi bị giam giữ trong hàng rào dây thép gai cho tới khi chiến tranh kết thúc.

Ernst Frey.


Ngày 16/9/1939, Erwin Borchers trở thành lính lê dương, cũng như nhiều người tị nạn Đức khác, như Rudolf Schroeder, nguyên là sinh viên xã hội học ở Cologne. Năm 1933, Schroeder đã phải chạy trốn sang Pháp để tránh bị bắt, sau khi bị chỉ điểm là dám tặng hoa cho một giáo sư người Do Thái đã bị Quốc xã cách chức, cho về hưu. Ông là một người rất thông minh, khi ở Pari có lúc ông làm trợ lý cho Viện Nghiên cứu xã hội Frankfurt phải lưu vong sang Pari, nhưng cũng có lúc Schroeder phải bán thảm, may vá để kiếm sống. Ông gia nhập đội quân lê dương với hy vọng có thể tham gia chiến đấu chống Đức Quốc xã.


Hy vọng về hoạt động chống phát xít trong đội quân lê dương đã nhanh chóng tan biến. Ngay trong chặng đường đầu tiên ở Angiêri, nơi ông gặp Erwin Borchers, Schroeder đã viết trong một bức thư nói về "sự vô ích, sự ngốc nghếch và sự dã man của cuộc đời người lính lê dương Schroeder".


Trang bìa cuốn tiểu sử của Ernst Frey: “Việt Nam - Tình yêu của tôi“.


Một năm sau, Borchers và Schroeder lên đường sang Đông Dương. Tại Việt Trì, họ kết bạn với Ernst Frey, một người Do Thái và đảng viên cộng sản ở Viên, Áo, người cũng phải chạy sang Pháp để trốn bọn Quốc xã. Ba người bạn cảm thấy kinh hoàng về thái độ phân biệt chủng tộc của nhiều vị sĩ quan cũng như phong cách chính trị - quân sự của đội quân lê dương nói chung. Họ thành lập một chi bộ cộng sản và bí mật tiếp xúc với Việt Minh. Khi họ hiểu được rằng Pháp có kế hoạch chiếm lại Việt Nam làm thuộc địa thì họ quyết định chạy sang với Việt Minh.


Một buổi sáng năm 1945, Việt Minh đưa một chiếc xe hơi của Mỹ tới thành cổ Hà Nội thuộc Pháp và đưa ba người này trực tiếp về Đại bản doanh của lực lượng kháng chiến Việt Nam. Tại đây, ba nhà lãnh đạo của cách mạng Việt Nam là Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng và Trường Chinh đã đợi họ.


Những người này đến thật đúng lúc. Những nhà lãnh đạo của nước Việt Nam mới phần lớn là trí thức trẻ và những nhà cách mạng chuyên nghiệp và chưa có nhiều kiến thức về chiến lược quân sự hoặc tổ chức hành chính. Ernst Frey, được đào tạo toàn diện về chiến thuật chiến tranh trong đội quân lê dương, sau này được phong hàm trung tá và trở thành một trong những cố vấn thân cận nhất của Tướng Võ Nguyên Giáp. Trong nhiều năm trời, Ernst Frey với tên Việt là Nguyễn Dân là người duy nhất có thể đến với Tướng Giáp bất cứ lúc nào. Hai nhà trí thức Erwin Borchers (Chiến Sĩ) và Rudolf Schroeder (Lê Đức Nhân) cũng được giao trọng trách trong cơ quan tuyên huấn và họ đã xuất bản tờ báo đầu tiên của Việt Minh bằng tiếng Pháp.


Ảnh hưởng của những "người Việt Nam mới", như người ta gọi họ, đã giảm đi nhanh chóng, khi hàng ngàn cố vấn Trung Quốc được đưa vào Việt Nam. Bất đồng nảy sinh và ngày càng trở nên căng thẳng tới mức Frey và Schroeder chán nản bỏ về Áo và Đức. Trong thời gian từ năm 1951 tới cuối năm 1955 đã có trên 750 hàng binh được đưa qua đường Bắc Kinh, Mátxcơva để trở về CHDC Đức.


Nhưng Erwin Borchers vẫn ở lại, vì lúc này ông đã lấy một người vợ Việt Nam và có 3 người con. Ông đã có mặt khi Việt Minh từ một nhóm du kích nhỏ đã trở thành một đội quân mạnh và lần lượt đánh đuổi quân Pháp khỏi các căn cứ ở miền Bắc Việt Nam. Cuối tháng 2/1954, ông cùng với quân đội Việt Minh tới Điện Biên Phủ. Khi đó, tình hình vẫn còn yên tĩnh. Sự yên tĩnh trước trận bão lớn.


Trước đó, sáng ngày 20/11/1953, Pháp đã mở một chiến dịch đổ bộ lớn xuống Điện Biên Phủ. Chỉ trong vòng 2 ngày, 163 máy bay đã đưa trên 4.000 lính nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và tới 22/11 báo cáo là đã chiếm được Điện Biên Phủ. Lệnh từ Sài Gòn yêu cầu xây dựng ngay sân bay và biến Điện Biên Phủ thành một pháo đài kiên cố để cắt đứt đường lui của Việt Minh sang Lào. Khi xây dựng xong, Điện Biên Phủ đã bao gồm 16.000 lính viễn chinh, trong đó có hàng ngàn lính lê dương người Đức đồn trú sau hàng rào, dây thép gai, bãi mìn và trận địa pháo. Trung tuần tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp đã tới thăm cứ điểm Điện Biên Phủ và khẳng định rằng nơi đây là một pháo đài "bất khả xâm phạm" và thách thức Việt Minh tấn công. Có một điều ông này không biết là Việt Minh chỉ sử dụng sức người nhưng đã vận chuyển được 200 khẩu đại bác lên các sườn núi bao quanh lòng chảo Điện Biên, cất giấu trong các hang để che mắt máy bay do thám của đối phương. Không một nhà quân sự Pháp nào có thể nghĩ Việt Minh làm được việc này.


Ngày 13/3/1954, khi Tướng Giáp ra lệnh tấn công, chỉ trong đêm đầu tiên, hơn 9.000 quả đạn pháo và súng cối đã bắn vào những cứ điểm của Pháp đang hoàn toàn bị bất ngờ. Căn cứ bên ngoài bị thất thủ ngay lập tức. Pháo đài trong lòng chảo đã trở thành một cái bẫy chết người. Tư lệnh pháo binh Pháp bắn vào đầu tự sát khi hiểu rằng mình đã đánh giá quá thấp đối thủ. Dưới sự bảo vệ của pháo binh, các chiến sĩ Việt Minh đã đào vô số hầm hào tới sát chiến tuyến đối phương và từ đó chiếm lĩnh hết vị trí này tới vị trí khác. Cuối chiến dịch, tổng cộng chiều dài của các đường hầm, hào đã lên tới trên 400 km. Quân Pháp liên tục cho máy bay chở đồ tiếp tế lên Điện Biên, nhưng vòng vây ngày càng thắt chặt.


Lúc này, Borchers và đội quân tuyên truyền của ông cũng phát huy tác dụng. Giữa hai loạt đạn pháo hoặc súng cối, họ nói qua loa phóng thanh kêu gọi lính lê dương và đội quân hỗ trợ người Bắc Phi hạ vũ khí.


Ngày 7/5/1954, sau 56 ngày đêm chiến đấu ác liệt, cứ điểm cuối cùng của pháo đài Điện Biên Phủ đã thất thủ, Tướng Christan de Castries và toàn bộ sĩ quan, binh lính còn lại phải ra hàng. Tổng cộng về phía Pháp có 6.000 người chết, hơn 10.000 người bị bắt làm tù binh, trong đó có hàng ngàn người Đức.


Sau khi hòa bình lập lại, Erwin Borchers, tức "Chiến Sĩ", ở lại Việt Nam với vợ con, có một chức vụ trong Bộ Tuyên truyền, sau này làm phóng viên cho hãng thông tấn CHDC Đức ADN ở Hà Nội cho tới năm 1965, ông cùng gia đình trở về Đức. Ông qua đời năm 1984.



Vũ Long(Tổng hợp theo báo chí Đức)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN