Hoài niệm tựu trường

Ngày này 50 năm trước, lũ trẻ ở quê như tôi háo hức, thật khó ngủ chỉ mong đến sáng để được mặc quần áo mới cắp sách đến trường. Quê nghèo nên đứa nào có được chiếc cặp da xam xám là hạnh phúc vô bờ. Mấy đứa trẻ còn lại như tôi thì đựng sách vở, bình mực, viết trong các giỏ đệm bằng lác hoặc các túi ni lông cũ mèm. Hồi đó đa phần chúng tôi dùng viết ngòi lá tre chấm vào các bình mực tím.

 

Con nhà giàu thì sử dụng các loại viết máy pi lốt, viết “Trung Cộng” nắp màu vàng. Khổ nhất là khi bị mực tím dính vào áo trắng học trò thì giặt giũ mấy cũng không thể xóa hết vết bẩn. Chúng tôi thường được cha mẹ mua cho hai bộ đồ học sinh để thay đổi, nhiều đứa phải mặc quần áo rách đã được vá víu khắp chỗ để tới lớp, tiệt nhiên không xuất hiện một lời trêu chọc, xem thường. Học trò quê là vậy.

 

Đường tới trường xa, băng qua nhiều cánh đồng làng, qua bao cầu khỉ chênh vênh lắt léo. Đứa bơi xuồng, đứa đi bộ mất cả giờ mới đến lớp. Có đứa qua sông trên tay nắm chặt quần áo, tập vở vẫn cười đùa khanh khách với vẻ hào hứng lạ thường. Lớp có 40 học trò thì chỉ được 2 đứa có dép, còn lại là chân đất, đầu trần. Vậy mà vui và hiếm khi có đứa nghỉ học. Học trò quê thật thà đến vậy.

 

Lớp học của chúng tôi chỉ toàn tre tranh và lá dừa. Nhiều khi ngồi học mà nghe tiếng mối đục thân tre nghe rào rào. Riết dần quen. Bàn ghế tạm bợ chủ yếu làm bằng cây dừa và cây tạp. Có lần gió to làm sập lớp, thầy trò tôi chạy thục mạng, mặt mày xanh như tàu lá.

 

Hồi chúng tôi học chỉ có một ngày “tựu trường” duy nhất thường vào đầu tháng 9 dương lịch. Bây giờ khác xưa mỗi nơi một vẻ, ngày “tựu trường” thường sớm hơn tùy tình hình địa phương, riêng ngày “Khai giảng” tổ chức cố định vào ngày 5/9 hàng năm. Có lần cháu nội tôi hỏi “…ngày tựu trường với ngày khai giảng giống hay khác nhau hả nội…”?. Tôi im lặng vì không biết giải thích như thế nào cho chính xác và phù hợp.

 

Thầy cô giáo quê xưa rất nghiêm khắc và luôn được học trò nể sợ. Nhà đứa nào có đám giỗ, đám hỏi, cưới, thôi nôi, đầy tháng, cúng “căn”… cũng nhất định mời thầy cô tới nhà cho bằng được, gia đình học trò xem đây là vinh dự lớn lao lắm ở vùng quê xưa. Nếu thầy cô không tới được thì y như rằng hôm sau, học trò sẽ mang lỉnh kỉnh các loại thức ăn, bánh trái vào lớp biếu thầy cô để gọi là. Học trò quê mà.

 

Thời @, học trò ngày nay “hiện đại” rất nhiều, từ quần áo, giày dép, cặp vở đến các thiết bị viễn thông. Thầy cô giáo bây giờ cũng khác xưa từ phương pháp giảng dạy, thiết bị chuyên dùng, phương tiện đi lại. Trường lớp ngày càng khang trang, sạch đẹp, văn minh với đầy đủ trang thiết bị. Đó là chuyện tất nhiên, là qui luật phát triển.


Song với tôi cứ mỗi lần mùa tựu trường lại đến, tôi cứ bồi hồi hoài cổ cái không khí hạnh phúc tuổi thơ khi được cắp sách tới trường.


Triệu Mỹ Ngọc

Phấn trắng và bảng đen
Phấn trắng và bảng đen

Ngôi trường làng xinh xinh nơi tôi học ngày xưa, nằm bên dòng sông nhỏ và xung quanh là cánh đồng bốn mùa mướt xanh khoai lúa... Trong mỗi lớp học đều treo ngay ngắn một tấm bảng đen bằng gỗ; mặt bảng cứ nhẵn mòn dần theo tháng theo năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN