“Cuộc cách mạng” về quản lý hộ tịch

Luật Hộ tịch vừa được Quốc hội thông qua đã góp phần khắc phục những bất cập đã tồn tại trong thời gian qua như thông tin hộ tịch cá nhân chưa chính xác, chưa thống nhất, có trường hợp lợi dụng đăng ký hộ tịch để trục lợi, trốn tránh pháp luật. Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trả lời trong Chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan truyền thông khác.

Công dân sẽ có số định danh

Từ năm 2006 đến nay, khi Nghị định 158 của Chính phủ có hiệu lực, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch của Nhà nước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Cấp giấy khai sinh tùy tiện dẫn đến nhiều trường hợp có 2, 3 giấy khai sinh; cải chính hộ tịch để chạy tuổi, nhằm về hưu muộn hơn hay được quy hoạch cán bộ, thậm chí là khai tử cho người đang sống để nhận tử tuất, chia nhau tài sản của người đã khuất; có trường hợp lại không khai tử cho người đã chết để tiếp tục được nhận các chế độ… làm ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý hộ tịch của Nhà nước và quyền và lợi ích của người dân.

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Luật Hộ tịch lần đầu tiên được thông qua đã khắc phục được những hạn chế trong công tác quản lý và đăng ký hộ tịch trên hai khía cạnh: Thứ nhất là, trước đây công tác quản lý và đăng ký hộ tịch được điều chỉnh bởi các nghị định của Chính phủ, các thông tư, thông tư liên tịch của các bộ, nên không thể vượt quá quy định của luật, dẫn đến khó thực hiện; thứ hai, nhiều quy định trong nghị định đến nay vẫn đúng, nhưng việc triển khai thực hiện chưa được nghiêm, nhất là ở các địa phương. “Với những nội dung đổi mới mang tính đột phá, Luật Hộ tịch sẽ là một cuộc cách mạng trong việc đăng ký, quản lý hộ tịch ở Việt Nam trong thời gian tới”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói.

Luật cũng quy định ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào đăng ký và quản lý hộ tịch như khi đăng ký khai sinh, công dân được cấp giấy khai sinh, đồng thời được cấp một số định danh cá nhân. Số định danh này là duy nhất và không lặp lại và cũng chính là thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi. Như vậy, sẽ đảm bảo độ chính xác cao trong các giấy tờ của cá nhân và giảm thiểu các thủ tục hành chính, đơn giản hóa giấy tờ cá nhân.

Chuẩn hóa cán bộ hộ tịch

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, với tầm quan trọng của Luật Hộ tịch, yêu cầu đặt ra với cán bộ làm công tác đăng ký, quản lý hộ tịch là phải trung thực, khách quan, chính xác, có năng lực, trình độ phù hợp, đồng thời có trang thiết bị phục vụ công việc phù hợp. Tuy nhiên, do hiện nay có đến 30% cán bộ làm đăng ký, quản lý hộ tịch cấp xã chưa đủ năng lực, điều kiện, nên Luật Hộ tịch lần này quy định bắt buộc cán bộ đăng ký, quản lý hộ tịch phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ về hộ tịch, trong quá trình hoạt động hộ tịch phải thường xuyên cập nhật lại kiến thức, nghiệp vụ. Luật cũng quy định thêm tiêu chuẩn mới, đó là phải có trình độ tin học phù hợp với công tác đăng ký, quản lý hộ tịch. Luật cũng quy định trách nhiệm của chủ tịch UBND các cấp tỉnh, huyện, xã, nếu sắp xếp cán bộ hộ tịch không đúng hoặc buông lỏng quản lý để xảy ra sai phạm sẽ bị xử lý cao nhất là hình sự.

Trọng Thủy

Mở ra trang mới trong đăng ký, quản lý hộ tịch
Mở ra trang mới trong đăng ký, quản lý hộ tịch

Trao đổi về những nội dung căn bản, những điểm mới trong Luật Hộ tịch vừa được Quốc hội thông qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng việc Quốc hội vừa thông qua Luật Hộ tịch sẽ mở ra một trang mới trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch nói riêng và quản lý dân cư nói chung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN