Điểm hẹn văn hóa của các nước ASEAN

Sau sáu năm triển khai xây dựng, Bảo tàng đầu tiên về Đông Nam Á có kiến trúc độc đáo hình cánh diều đã chính thức mở cửa đón công chúng tới tham quan. Đây không chỉ là niềm tự hào của người Việt Nam, mà còn là niềm vui chung của giới bảo tàng ở Đông Nam Á. Đặc biệt, trong bối cảnh ASEAN đang tích cực xây dựng một cộng đồng bền chặt dựa trên 3 trụ cột: Kinh tế, an ninh và văn hóa - xã hội.


Phát biểu tại lễ khai trương Bảo tàng Đông Nam Á ngày 30/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: “Dù còn khiêm tốn nhưng Bảo tàng Đông Nam Á đầu tiên tại các nước ASEAN mà chúng ta khai trương sẽ đóng góp tích cực và cổ vũ cho việc giao lưu văn hóa không chỉ các nước ASEAN mà còn cả các nền văn hóa khác. Qua đó tăng cường sự hiểu biết và làm phong phú thêm những nét đặc sắc của văn hóa các dân tộc, góp phần phát triển quan hệ hợp tác giữa các quốc gia vì hòa bình, thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới”.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam (người thứ 3 từ phải qua trái) tham quan gian trưng bày tại Bảo tàng Đông Nam Á.

 

Được dự định thành lập từ cuối thế kỷ trước, tháng 10/2005 Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và đến tháng 6/2007 công trình được khởi công xây dựng... Tòa nhà 4 tầng có tổng diện tích khoảng 7.000 m2, với đặc điểm kiến trúc thể hiện dáng dấp cánh diều, một yếu tố văn hóa chung của các cư dân Đông Nam Á.


Một Đông Nam Á đa dạng, thống nhất


Để có hiện vật và các tư liệu liên quan phục vụ cho việc trưng bày, trong khuôn khổ của dự án "Điều tra, nghiên cứu, sưu tầm hiện vật dân tộc học các dân tộc Đông Nam Á", Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã tổ chức hàng chục chuyến đi đến các nước Đông Nam Á để nghiên cứu, sưu tầm. Hiện nay, khu trưng bày thường xuyên về Văn hóa của các dân tộc Đông Nam Á với gần 400 hiện vật và 130 ảnh, kèm theo là hệ thống thông tin bao gồm bản đồ, các chú thích, bài viết và phim video, được bố trí trong không gian rộng gần 500 m2 ở tầng một của tòa nhà.

Trưng bày được tổ chức theo phong cách cách hiện đại, mang tính khoa học và mỹ thuật cao. Thông qua năm chủ đề chính: Đồ vải, đời sống hàng ngày, đời sống xã hội, nghệ thuật biểu diễn, tôn giáo với nhiều yếu tố văn hóa của các cư dân Đông Nam Á được thể hiện, gợi mở về một Đông Nam Á đa dạng và thống nhất trong văn hóa và lối sống. Đây là thành quả của sự đầu tư của Chính phủ, sự nỗ lực chuẩn bị nhiều năm của các thế hệ ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Bên cạnh đó, còn có sự hợp tác của một số chuyên gia Pháp, đặc biệt là trong khuôn khổ dự án "Phát huy di sản bảo tàng Việt Nam" do Chính phủ Pháp tài trợ (2005-2010).


GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: "Việc khai trương trưng bày Văn hóa Đông Nam Á còn là động thái cụ thể để Việt Nam thể hiện là một thành viên có trách nhiệm của ASEAN trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa ở khu vực, cũng như góp phần vào việc xây dựng hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế".


Theo ông Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng dân tộc học Việt Nam, trong khuôn khổ dự án củng cố mạng lưới các bảo tàng, cơ quan văn hóa và các học giả ở khu vực sông Mê Công nhằm tăng cường hiểu biết về Đông Nam Á và khu vực, (Quỹ Rockefeller tài trợ, 2003-2005), Bảo tàng đã sưu tầm được trên 200 hiện vật tại Thái Lan, Lào và Vân Nam (Trung Quốc). Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã nhận được ba bộ sưu tập của các nhà sưu tập biếu tặng của GS Kaneko Kazushige người Nhật Bản, ông bà TS Rosalia Sciortino người Italia và GS Lê Thành Khôi, quốc tịch Pháp. Hiện tại, Bảo tàng có tổng số hơn 2.200 hiện vật và khoảng 5.000 ảnh tư liệu về Đông Nam Á.


Thúc đẩy hội nhập, hợp tác


Theo quy hoạch của Bảo tàng Đông Nam Á, ngoài không gian trưng bày thường xuyên về Văn hóa Đông Nam Á tại tầng một còn có không gian trưng bày ba bộ sưu tập hiến tặng ở tầng hai là Dân tộc học loại hình châu Á của GS Kaneko Kazushige; Tranh kính Indonesia của ông bà TS Rosalia Sciortino; Một thoáng văn hóa thế giới của GS Lê Thành Khôi. Không gian tầng ba để tổ chức trưng bày chuyên đề nhất thời cũng như tiếp nhận những cuộc trưng bày của các bảo tàng ở Đông Nam Á và trên thế giới. Toàn bộ tầng bốn dành cho kho bảo quản hiện vật và tư liệu nghe - nhìn của Bảo tàng. Tuy nhiên, hiện tại những không gian này đang chờ Nhà nước cấp kinh phí để đưa vào hoạt động trong tương lai. Ngay cả không gian cho các hoạt động giáo dục dành cho trẻ em ở tầng một cũng chưa có điều kiện để mở cửa.


Với việc khai trương bảo tàng về Đông Nam Á, từ nay Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam lại có điều kiện thường xuyên đón công chúng trong và ngoài nước tới tham quan để gia tăng hiểu biết về các nền văn hóa trong khu vực Đông Nam Á. Công chúng tham quan Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có điều kiện để kết nối văn hóa Việt Nam với văn hóa của những cư dân láng giềng Đông Nam Á, nhận biết sự đa dạng cùng nét tương đồng văn hóa trong khu vực, đồng thời cảm nhận những đặc trưng chung tạo nên bản sắc cho khu vực. Có thể nói, Bảo tàng Đông Nam Á sẽ góp phần thúc đẩy hội nhập khu vực, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

 

Bài và ảnh:Chí Bình

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN