Huy động cả hệ thống chính trị phòng, chống siêu bão Haiyan

Chiều 8/11, tại trụ sở Chính phủ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Cà Mau, bàn biện pháp khẩn cấp ứng phó với siêu bão Haiyan. Đây là cơn bão được đánh giá là có cường độ mạnh nhất trong lịch sử, sẽ đi vào Biển Đông và đổ bộ vào miền Trung nước ta.


Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, vào hồi 10 giờ ngày 8/11, vị trí tâm bão Haiyan ở vào khoảng 11,2 độ vĩ bắc; 123,7 độ kinh đông, trên khu vực miền trung Philippines. Sức gió gần nhất gần tâm bão mạnh cấp 17, giật trên cấp 17.

 

Tàu thuyền vào neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang, TP Đà Nẵng để tránh bão. Trần Lê Lâm - TTXVN


Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 35 km. Đến 10 giờ ngày 9/11, vị trí tâm bão vào khoảng 12,9 độ vĩ bắc; 115, 2 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 190 km về phía đông đông bắc. Sức gió gần nhất vùng tầm tâm bão mạnh cấp 16-17, giật trên cấp 17.


Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30-35 km. Đến 10 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão vào khoảng 15,2 độ vĩ bắc; 108,5 độ kinh đông, trên khu vực các tỉnh Trung Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão cấp 14, cấp 15, giật trên cấp 17.


Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ chiều 8/11, vùng biển phía đông Biển Đông gió sẽ mạnh dần lên cấp lên 9-11, sau tăng lên cấp 13, cấp 14, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 16, cấp 17, giật trên cấp 17, biển động dữ dội.


Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành địa phương cho rằng trước những diễn biến phức tạp của siêu bão Haiyan, nhiệm vụ đặt ra trong từng phút, từng giờ là phải theo dõi sát diễn biến tình hình để chủ động phòng tránh siêu bão này. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm tập trung chỉ đạo thông tin kịp thời cho các phương tiện vận tải hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh; đảm bảo an toàn cho giao thông đường bộ, đường sắt, đường không; chuẩn bị phương tiện, vật tư kịp thời khắc phục sự cố tại các khu vực bị sạt lở trên các trục giao thông chính.


Lãnh đạo một số bộ, ngành đề xuất cần ban hành ngay lệnh cấm biển trong khu vực được dự báo bão sẽ đổ bộ; kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm về bờ, tổ chức tốt việc hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền; đảm bảo an toàn hồ chứa, đập thủy điện; tính toán sử dụng điện thoại vệ tinh để đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt; di chuyển và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản; tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè. ...


Lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cho biết, các địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện của Thủ tướng Chính phủ, các Công điện của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương về công tác ứng phó với siêu bão Haiyan; đặc biệt đã thực hiện quyết liệt công tác kêu gọi tàu thuyền của ngư dân vào nơi tránh trú bão an toàn; lên kế hoạch di dân những vùng nguy hiểm; yêu cầu các cơ quan hành chính các cấp của địa phương túc trực 24/24 để cập nhật thông tin, chủ động ứng phó với bão, mưa, lũ; chỉ đạo việc tổ chức chặt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, công trình...


Sau khi nghe lãnh đạo các bộ, ngành địa phương báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, siêu bão Haiyan đang diễn biến hết sức phức tạp, có cường độ mạnh nhất và sẽ đi vào Biển Đông và đổ bộ vào miền Trung nước ta.


Nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị là phải thực hiện bằng tất cả các giải pháp để chủ động ứng phó với bão, giảm thấp nhất các thiệt hại về người và của do bão gây ra. Trên tinh thần này, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai tốt Công điện của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Trung ương, dừng tất cả các cuộc họp để ứng phó với bão. Chính phủ cử Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đến các địa phương cùng tham gia chỉ đạo công tác phòng chống bão - Thủ tướng cho biết.


Hoan nghênh các bộ, ngành và địa phương đã triển khai tích cực Công điện của Thủ tướng Chính phủ về công tác ứng phó với siêu bão Haiyan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Trung tâm dự Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương liên tục cập nhật diễn biến tình hình của bão; các cơ quan thông tin truyền thông ở Trung ương và địa phương tăng thời lượng phát sóng, thường xuyên thông báo diễn biến của bão, mưa, lũ và chỉ đạo của cơ quan chức năng để các địa phương và nhân dân biết, chủ động phòng, tránh; giữ thông tin liên lạc thông suốt từ Trung ương đến địa phương. Các địa phương chỉ đạo, yêu cầu tàu thuyền về nơi tránh trú, neo đậu an toàn, không cho tàu ra biển; đảm bảo an toàn cho các công trình dầu khí nằm trong khu vực nguy hiểm...


Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương thực hiện tốt công tác tổ chức di dân, đưa dân khỏi nơi nguy hiểm, nhất là vùng ven sông, ven biển, nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất; chủ động cho học sinh nghỉ học; có các giải pháp hiệu quả để đảm bảo an toàn hồ chứa, đập thủy điện; tổ chức các lực lượng chức năng ứng trực, sẵn sàng cho công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn…


Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tập trung khắc phục hậu quả sau bão, nhất là về giao thông, điện, thông tin liên lạc, đảm bảo cho nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống sau bão.


Các tỉnh miền Trung khẩn trương ứng phó với siêu bão


Ngày 8/11, tại Hội nghị trực tuyến với các sở, ban ngành, đơn vị vũ trang và chính quyền các cấp, lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn không được chủ quan, khẩn trương triển khai các phương án phòng tránh siêu bão Haiyan.


UBND các địa phương ven biển tiếp tục phối hợp với bộ đội biên phòng thành lập các tổ công tác xuống địa bàn tuyên truyền, vận động các chủ tàu, gia đình thuyền viên liên lạc và gọi tàu về bờ tránh bão. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, phối hợp với các địa phương, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi kiểm tra an toàn hồ chứa, đê điều. Bộ đội biên phòng, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Đài Duyên hải Quy Nhơn liên tục duy trì liên lạc với tàu thuyền đang hoạt động trên biển để thông báo diễn biến của bão, kêu gọi và hướng dẫn tàu thuyền vào bờ hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, hướng dẫn neo đậu an toàn trong bờ.

 

* Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các địa phương trong tỉnh tổ chức sắp xếp neo đậu an toàn cho 1.810 phương tiện, chằng chống lại để tránh va đập; kiên quyết ngăn chặn không cho tàu thuyền ra khơi hoạt động; chủ động rà soát việc sơ tán, di dời dân ở những vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ sạt lở núi, ven sông, ven biển và đầm phá. Vùng ven biển các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền và thị xã Hương Trà giúp dân chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây; đề phòng bão kết hợp với triều cường dâng cao nguy hiểm tính mạng và hủy hoại tài sản của người dân.

 

* Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi có công điện khẩn gửi Chủ tịch UBND, và Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn 14 huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị, các ngành chức năng. Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh bám sát địa bàn được phân công phụ trách để kiểm tra, phối hợp chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống bão và mưa lũ. UBND và Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố khẩn trương tổ chức lực lượng, phương tiện, hỗ trợ nhân dân các địa phương thường xuyên bị ngập sâu, vùng ven biển, vùng sạt lở núi, ven biển, ven sông, các nhà không an toàn phải di dời, sơ tán đến các nhà, công trình kiên cố trước 17 giờ ngày 9/11.

 

* Triển khai khẩn cấp các phương án đối phó với bão HaiYan, thành phố Đà Nẵng quyết định trong trường hợp cần thiết sẽ hoàn thành sơ tán 19.388 hộ với hơn 73.384 người trước 19 giờ ngày 9/11, theo phương châm sơ tán tại chỗ, kêu gọi người dân có nhà kiên cố an toàn tại địa phương cho người dân cùng tránh trú bão.


Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Đà Nẵng cho biết, hiện nay thành phố không còn tàu thuyền nằm trong khu vực nguy hiểm trên biển. Thành phố tổ chức neo đậu an toàn cho 1.830 tàu thuyền tại khu trú bão Thọ Quang và vịnh Mân Quang; đưa hơn 140 tàu thuyền trên sông Hàn về nơi neo đậu an toàn.


TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN