Kiên quyết “đóng cửa rừng”

Đóng cửa rừng là yêu cầu cấp thiết để bảo vệ và phát triển rừng Tây Nguyên bền vững. Đây là bước tiếp theo trong lộ trình thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh.


Mỗi năm mất hàng nghìn ha rừng


Ông Phạm Quang Tú, Phó viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE), cho biết: Tại Tây Nguyên, gần như mọi hoạt động kinh tế, xã hội liên quan đến nhu cầu sử dụng đất hầu như đều buộc phải sử dụng đến quỹ đất rừng. Từ năm 1995 - 2012 trung bình mỗi năm Tây Nguyên mất khoảng 38.000 ha rừng tự nhiên, chủ yếu là do chuyển sang sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp. Chỉ trong 5 năm từ 2005 - 2010, tổng diện tích rừng bị mất là 366.731 ha. Kết quả khảo sát từ 163 công trình trong tổng số 287 công trình thủy điện vừa và lớn theo dự kiến ở Tây Nguyên cho thấy: Diện tích đất đai chuyển đổi mục đích sang xây dựng thủy điện đã chiếm dụng 65.239 ha đất các loại, trong đó khoảng 16.600 ha diện tích rừng…

 

Cần có chủ trương giao thẳng rừng cho cộng đồng bảo vệ.


Trong giai đoạn 2001-2011, các ngành sản xuất dựa vào tài nguyên như nông lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản… chiếm trung bình khoảng 51,64% trong tổng GDP của Tây Nguyên. Các nguồn tài nguyên tự nhiên như đất đai, tài nguyên rừng đã khai thác quá mức, vượt quá sức chịu đựng theo đề xuất của các nghiên cứu và các quy hoạch phát triển trong thời gian qua. Do vậy, những thành quả về tăng trưởng kinh tế mang lại đã và đang có nguy cơ sẽ không đủ bù đắp những thiệt hại cho những vấn đề xã hội môi trường trong tương lai. Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ hứng chịu “lời nguyền tài nguyên”, đó là giàu tài nguyên nhưng lại tụt hậu trong phát triển.


Theo Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Chính phủ, sau hơn 10 năm đổi mới, sắp xếp, hầu hết nông, lâm trường có tình hình tài chính yếu kém và hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp. Một số công ty nông nghiệp chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý, quản trị doanh nghiệp chưa tương xứng với nguồn lực đất đai được giao. Thu nhập bình quân của người lao động ở một số công ty nông nghiệp và nhiều công ty lâm nghiệp ở miền núi phía bắc, Bắc Trung Bộ chỉ một đến hai triệu đồng người/tháng; nhất là ở vùng Tây Nguyên, nhiều công ty lâm nghiệp không có nguồn thu, nên thu nhập từ lâm trường còn thấp hơn, thậm chí một số công ty lâm nghiệp nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội của công nhân.


Không cho khai thác nhằm khôi phục rừng


Hiện nay tài nguyên rừng ở Tây Nguyên đang suy giảm nặng nề, tỷ lệ trồng rừng kém hơn tỷ lệ mất rừng. Để giữ vững những diện tích rừng còn lại ở Tây Nguyên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Trần Việt Hùng đề nghị: Từ năm 2014, Chính phủ kiên quyết cho đóng cửa rừng tự nhiên, không cho khai thác nhằm khôi phục rừng ở Tây Nguyên. Đề nghị Chính phủ cho ý kiến về khoản dự phòng để giải quyết dôi dư lao động ở các công ty lâm nghiệp, giải quyết vốn cho các địa phương phát triển quỹ rừng.

Trước thực trạng đáng báo động đối với diện tích rừng tự nhiên, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước đã thực hiện một loạt các chỉ đạo cần thiết nhằm chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ rừng. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xây dựng một Đề án riêng đưa ra những phương án phù hợp về khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2013-2020.


Theo báo cáo của ngành chức năng, hiện số đơn vị nhà nước hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp trên toàn vùng Tây Nguyên là 132, quản lý hơn 900.000 ha rừng, diện tích rừng đã giảm 488.000 ha. Sau khi sắp xếp, đổi mới, hầu hết các đơn vị hoạt động vẫn kém hiệu quả, rừng tiếp tục bị tàn phá, nguồn thu từ rừng không có, chủ yếu dựa vào kinh phí hỗ trợ của tỉnh, trở thành gánh nặng cho địa phương. Vì vậy, Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã đề xuất Chính phủ chỉ đạo rà soát, quy hoạch lại đất lâm nghiệp, phê duyệt cơ chế chính sách đặc thù đối với các công ty lâm nghiệp nhà nước, phê duyệt dự án tổng thể bảo vệ, khôi phục và phát triển bền vững rừng Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020.


Trong phương hướng nhiệm vụ và giải pháp sắp xếp, đổi mới và phát triển các nông lâm trường quốc doanh, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 28-NQTW nhấn mạnh: Đổi mới nông, lâm trường quốc doanh phải góp phần thực hiện tốt các chủ trương đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội IX của Đảng và Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về CNH-HĐH nông thôn. Nâng cao hiệu quả sử dụng bền vững tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng, vườn cây lâu năm và cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện có; hình thành các vùng sản xuất nông, lâm sản hàng hóa tập trung, chuyên canh, thâm canh quy mô lớn gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ.

Nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, bảo vệ môi trường sinh thái và góp phần xóa đói, giảm nghèo. Đổi mới nông, lâm trường quốc doanh phải tạo được cơ chế quản lý mới và hình thức tổ chức phù hợp để thúc đẩy ứng dụng nhanh và có hiệu quả các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân bổ lại lao động và dân cư; làm điểm tựa cho phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Rừng là chỗ dựa của đồng bào

Là người có nhiều năm nghiên cứu về Tây Nguyên, nhất là giai đoạn được bà con nuôi giấu những năm cách mạng, tôi đã có cơ hội hiểu sâu về đơn vị tổ chức duy nhất và cơ bản nhất của người dân tộc thiểu số ở đây. Trong tác phẩm “Làng” đã thể hiện cuộc sống người dân sống gắn bó với rừng, các tộc người như Gia Rai, Ê Đê từ bao đời nay dựa vào rừng để sinh sống. Mỗi cộng đồng người dân tộc Tây Nguyên muốn tồn tại đều cần có 4 yếu tố rừng: Rừng cư trú là nơi họ cải tạo một vùng rừng trở thành buôn, bản để cư trú. Rừng sản xuất, đó là các khoảnh đất mà hoạt động làm rẫy sẽ xảy ra ở đây, cung cấp lương thực cho cộng đồng. Rừng sinh hoạt, là nơi họ tới để tìm kiếm những nguyên liệu phục vụ cuộc sống (ngoài lương thực), ví dụ cây mây làm dây buộc dựng nhà, mật ong… Rừng thiêng, hay còn gọi là rừng tâm linh, nơi họ quan niệm rằng các thần linh ngự trị và rừng này không được phép xâm phạm.

Nhà văn Nguyên Ngọc

 

Còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại

Nguyên nhân khách quan của tình trạng các lâm trường hoạt động kém hiệu quả là do nhiều nông, lâm trường hoạt động trên địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hạ tầng kinh tế - xã hội thấp; sản xuất phụ thuộc nhiều vào địa hình và khí hậu, thời tiết. Nhưng nguyên nhân chủ quan là nhận thức của nhiều cấp, ngành về mục đích, yêu cầu và nội dung Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị chưa đầy đủ, chưa đúng vị trí, vai trò của nông, lâm trường, còn tư tưởng coi nhẹ, tránh né.

Một bộ phận lãnh đạo nông, lâm trường muốn duy trì cơ chế cũ, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không chủ động tháo gỡ khó khăn, đổi mới quản lý, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh. Một số cơ chế chính sách thiếu đồng bộ, chưa phù hợp thực tế, chưa tạo được chuyển biến căn bản về cơ chế quản lý, quản trị doanh nghiệp. Năng lực, trình độ cán bộ quản lý trong một số công ty chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu sự phối hợp với địa phương để giải quyết, tháo gỡ khó khăn đối với các trường hợp tranh chấp, lấn chiếm đất đai, chuyển giao đất, rừng về địa phương quản lý. Tổ chức, chỉ đạo triển khai, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Nghị quyết của một số bộ, ngành và địa phương chưa quyết liệt, phối hợp thiếu đồng bộ, còn hiện tượng khoán trắng cho cơ quan chuyên môn.

 

Ông Phạm Quốc Doanh, Phó Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Chính phủ


Bài và ảnh:Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN