Kỷ niệm 38 năm giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2013): Chiến thắng của sự đoàn kết quân dân - Bài 4: Chính quyền lâm thời cơ sở trong nội thành

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn 1975, chúng ta không thể không nhắc đến vai trò của những đoàn viên thanh niên Sài Gòn - Gia Định. Đây là lực lượng trực tiếp tham gia phát động các phong trào nổi dậy khắp nội đô Sài Gòn. Đây cũng là lực lượng “dọn đường”, chuẩn bị mọi thứ để chào đón quân giải phóng tiến vào Sài Gòn.

5 khu vực cùng nổi dậy


Đầu năm 1975, chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã bố trí nhiều lực lượng phối hợp với nhau, riêng Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định được phân công phát động phong trào nổi dậy ở nhiều mũi tiến vào Sài Gòn. Cũng trong thời điểm này, Thành đoàn chia thành 2 cánh quân: Cánh thứ nhất được phân công về các đảng bộ quận, huyện làm mũi xung kích trong khởi nghĩa ở địa phương và cánh thứ hai là bộ phận phụ trách phát động phong trào nổi dậy nội thành.

Cô Tư Liêm (bên trái) trong một lần đi thăm lại các gia đình cơ sở và căn cứ đoàn năm xưa.


Là người hoạt động trong khu vực nội thành, bà Trương Mỹ Lệ (bí danh Tư Liêm) - nguyên Bí thư Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định, nhớ lại: Vào đầu tháng 3/1975, đồng chí Mai Chí Thọ triệu tập tôi lên và hỏi: “Nếu khởi nghĩa nổ ra, liệu lực lượng sinh viên - học sinh trong nội thành có khả năng phát động khởi nghĩa ở những nơi nào?”; đồng thời chỉ đạo: “Khi lựa chọn khu vực khởi nghĩa không được áp đặt một cách chủ quan mà phải xuất phát từ cơ sở, tại chỗ. Thành đoàn phải rà soát lại và giao quyền Bí thư Thành đoàn chịu trách nhiệm trong nội thành”.


Sau khi rà soát, Bí thư Thành đoàn đã báo cáo với Ban Chỉ đạo tiền phương: “Lực lượng thanh niên, sinh viên nội thành có thể công khai và bán công khai phát động khởi nghĩa tại 5 khu vực. Khu vực 1 gồm: Ngã Bảy, Bàn Cờ, Vườn Chuối (quận 3) do lực lượng sinh viên - học sinh các trường Kỹ thuật Cao Thắng, Gia Long và cơ sở sỹ quan ngụy do ta thực hiện binh vận thành công - trở thành cơ sở cách mạng của mình. Khu vực 2 gồm: Khánh Hội - Xóm Chiếu thuộc quận 4 và một phần quận 2 do lực lượng các trường Đại học Y, Nha, Dược và Nông súc sản phụ trách. Khu vực 3 gồm Cầu Kiệu - ngã tư Phú Nhuận do Đoàn Công tác xã hội sinh viên - học sinh Sài Gòn phụ trách. Khu vực 4 gồm Cầu Bông - chợ Bà Chiểu do các cơ sở của các trường nữ, khối trung học tư thục phụ trách. Khu vực 5 là vùng ven Tân Sơn, Tân Phú, Bà Điểm thuộc quận Tân Bình, do là nơi quy tụ nhiều đồng bào công giáo nên thanh niên công giáo cùng với các sở, cha sứ... phụ trách.


Sau khi đã xác định được 5 khu vực, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, mỗi khu vực thành lập một chi bộ Đảng để lãnh đạo và bên dưới có cả tổ chức. Sau khi các khu vực đã ổn định về tổ chức, nhiệm vụ đầu tiên của những người phụ trách khu vực là điều tra nắm lại dân cư, khu xóm, cũng như các trạm chốt phòng vệ, công an, chỉ điểm của địch... đồng thời vận động quần chúng để khống chế, cảnh giới các lực lượng này. Song song đó, các khu phải chuẩn bị sẵn sàng tiếp ứng cho các cánh quân khởi nghĩa.

Lực lượng lâm thời cơ sở


Bà Tư Liêm kể: Lực lượng nòng cốt được xây dựng tại các khu vực có ít nhất 5 -7 gia đình. Đây là cơ sở để cung cấp vật chất, vũ khí (mang từ ngoại thành vào) hoặc tự chế tạo một số vũ khí để tự vệ. Cùng với đó là chuẩn bị tài liệu, phương tiện để in, chuẩn bị sẵn vải để may cờ Mặt trận giải phóng, vải để làm khẩu hiệu, cùng với loa phóng thanh, máy cát sét dùng pin và băng thu các nội dung như: Lời kêu gọi của Ủy ban nhân dân cách mạng Sài Gòn - Gia Định, Bảy điều chính sách binh vận của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam... Ngoài ra, chúng ta còn chuẩn bị cả về lương thực phực phẩm; cả về kế hoạch phải làm gì trước, trong và sau khởi nghĩa.


“Khi đã chuẩn bị khá ổn định tại các khu vực, Thành đoàn đã quyết định chọn tại căn nhà số 115 Bàn Cờ làm điểm chỉ huy. Để liên lạc với điểm chỉ huy và các khu vực, mỗi mối đều có một “nút” giao liên để truyền tin từ trên xuống cơ sở và từ cơ sở về trên. Không khí những ngày này rất sôi động ” - bà Tư Liêm nói. Trong khi đó, bà Trần Thị Ngọc Hảo - người phụ trách ở khu vực 2, cho biết: “Lúc đó, trong nội thành không thể biết được cụ thể ngày giờ khởi nghĩa, do vậy, Ban chỉ huy nhắc nhở khi đứt liên lạc phải nắm thông tin qua đài. Vào những ngày cuối tháng 4/1975, do liên tiếp thất bại trên các chiến trường và mất dần các tỉnh, nhất là sau khi mất Phước Long, địch lại càng tăng cường kiểm soát, tuần tra; thậm chí còn ra lệnh ai ra đường trong giờ giới nghiêm là bắn bỏ, đã ảnh hưởng rất lớn đến những người bán trụ trong nội thành”.


Mãi đến 9 giờ sáng 30/4, bà Tư Liêm nhận được chỉ đạo của ông Phạm Chánh Trực (Năm Nghị) yêu cầu cho khởi nghĩa ngay. Ngay lập tức, Tư Liêm thông báo cho anh em cơ sở đồng loạt khởi nghĩa. Tại khu vực trụ sở chỉ huy, hai lá cờ cách mạng nhanh chóng được treo lên căn nhà 115 Bàn Cờ và ở hai đầu đường Bàn Cờ, 2 băng rôn có nội dung “Hoan hô Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam” được căng lên.


Mặc dù bộ đội chủ lực chưa tiếp quản được nội thành, nhưng các lực lượng thanh niên tự vệ võ trang Sài Gòn - Gia Định đã đứng ra tuyên truyền, nắm các vị trí mà quân địch bỏ lại, dùng loa phóng thanh phát đi các thông điệp đã được ghi âm sẵn, đọc lời kêu gọi quần chúng nhân dân đứng lên và treo cờ giải phóng khắp nơi.


“Nhiều bà con thấy lực lượng cách mạng xuất hiện, rất ngạc nhiên và ai cũng hỏi: “Tụi mày là Việt cộng hả?”. Ai cũng bất ngờ vì không thể hình dung ra những con người với khuôn mặt hiền khô ngày hôm qua là một học sinh, sinh viên làm những công việc từ thiện như cắt tóc, dạy học quá thân quen đối với họ, nay lại là những chiến sĩ cách mạng” - bà Trần Thị Ngọc Hảo nhớ lại thời khắc lịch sử đó, kể.


Bà Tư Liêm cho biết: “Như đã chuẩn bị từ trước, ngay sau khi khởi nghĩa thành công, lực lượng thanh niên võ trang đã tiến hành các công việc tuyên truyền, vận động quần chúng ổn định. Thanh niên đứng ra tổ chức các bàn đăng ký trình diện của quân địch, tổ chức thu gom vũ khí, quân tư trang do quân địch tháo chạy bỏ lại. Khi đó, hai căn nhà bên cạnh nhà 115 Bàn Cờ, từng là trụ sở của phòng vệ quân sự của địch được trưng dụng để chứa vũ khí đã đầy ắp. Thanh niên, sinh viên đứng ra vận động người dân góp sơn để đi xóa cờ ba que trước nhà dân và vẽ cờ mặt trận”.


Có thể nói, chính lực lượng của 5 cánh quân Thành đoàn đã có công lớn trong Chiến dịch giải phóng Sài Gòn, đó là thực hiện nhiệm vụ chính quyền lâm thời tại cơ sở, giữ gìn, bảo vệ an ninh trật tự tại chỗ, để ngày hôm sau chuyển giao lại cho lực lượng quân quản.


Bài và ảnh: Hoàng Tuyết - Đan Phương

Bài cuối: Tự hào với chiến thắng của cha ông

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN