Nâng cao chất lượng thao giảng, dự giờ

Thao giảng, dự giờ là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với mỗi giáo viên.


Tuy nhiên, hoạt động thao giảng, dự giờ của các giáo viên hiện nay nói chung và giáo viên tiểu học nói riêng bên cạnh những ưu điểm, những mặt tích cực mà hoạt động này đem lại trong quá trình dạy học thì vẫn còn nhiều mặt chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn. Nhiều giáo viên còn chưa tự giác, tích cực dự giờ của đồng nghiệp bởi tâm lí e ngại cho rằng đi dự giờ tức là “kiểm tra” tiết dạy của giáo viên. Do đó, việc dự giờ phần lớn chỉ do các cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo chuyên môn của nhà trường đảm nhiệm.

 

Giáo viên hầu như mới chỉ tham gia dự giờ trong các hoạt động mang tính chất “thao giảng” chào mừng các ngày kỉ niệm lớn trong năm học. Mặt khác, việc thao giảng, dự giờ chủ yếu tập trung vào các giáo viên trẻ và không có thao giảng, dự giờ đối với các giáo viên lâu năm, nhiều kinh nghiệm. Thao giảng, dự giờ chỉ thực hiện đối với giáo viên chủ nhiệm lớp mà không áp dụng đối với giáo viên đứng ngoài, không chủ nhiệm.


Để công tác thao giảng, dự giờ góp phần từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả của quá trình dạy học, ban giám hiệu các nhà trường và giáo viên cần thực hiện đồng bộ các nội dung, biện pháp chủ yếu sau:


Một là, nhà trường cần thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức cho các giáo viên về ý nghĩa tầm quan trọng của hoạt động thao giảng, dự giờ; cũng như mục đích, yêu cầu cần đạt được thông qua hoạt động này.


Hai là, tiếp tục duy trì việc xây dựng kế hoạch thao giảng, dự giờ hàng năm ở cấp tổ đối với giáo viên trẻ cũng như giáo viên lâu năm có nhiều kinh nghiệm. Đồng thời, giáo viên không chủ nhiệm cũng có kế hoạch thao giảng, dự giờ. Đây là cơ hội để tất cả giáo viên tham gia giảng dạy có thể tham dự và học hỏi rút kinh nghiệm lẫn nhau, mặt khác sẽ khắc phục tâm lý e ngại của các giáo viên khi bị dự giờ vì tất cả các giáo viên đều được dự giờ.


Ba là, đánh giá thao giảng, dự giờ là nội dung quan trọng nhất nên cần trao đổi thẳng thắn, chân tình, cởi mở, trên tinh thần giúp giáo viên “ham học hỏi, cầu tiến bộ”, không nên “chỉ trích”, “bới móc” các khuyết điểm mang tính vùi dập ý chí, tinh thần của giáo viên.


Bốn là, hàng năm Ban Giám hiệu nhà trường cần phải đánh giá, sơ kết, tổng kết và rút kinh nghiệm công tác thao giảng, dự giờ. Qua đánh giá, lãnh đạo nhà trường có thể rút kinh nghiệm để các buổi thao giảng, dự giờ sau sẽ được tổ chức tốt hơn và sẽ có cái nhìn tổng quan về công tác này trên mọi phương diện, chất lượng dạy của giáo viên và ý thức học tập của học sinh từ đó có những biện pháp chấn chỉnh, khen thưởng đối với từng giáo viên, học sinh.


Tóm lại, thao giảng, dự giờ là hoạt động cần thiết, là một trong những nhân tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Do vậy, các nhà trường cần cải tiến công tác thao giảng, dự giờ để các giáo viên đều cảm thấy phấn khởi và nhiệt tình tham gia qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…. cũng như nâng cao chất lượng hoạt động dạy và học của các nhà trường.


Lê Thị Thúy Mong

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN