Nga thắng Mỹ trong cuộc chiến truyền thông

Sức mạnh truyền thông mới của Moskva hiện đã đủ sức phản lại cỗ máy tuyên truyền không một phút ngừng nghỉ của phương Tây, đưa khán giả toàn cầu đến với câu chuyện do Nga “kể” và để họ thích nó.


Sự vùng lên của Nga


Có một điều chắc chắn rằng, cuộc khủng hoảng “2 trong 1” ở Ukraine và tại Crimea đã bất ngờ làm lộ một vấn đề: Tin tức giờ không còn là sự độc quyền của Reuters, BBC, AP hay là Washington Post nữa. Cuộc chiến “dối trá” của truyền thông phương Tây đã bị các hãng, tổ hợp truyền thông thuộc chính phủ Nga - vốn đang giành được nhiều bạn bè và gây được ảnh hưởng trên toàn thế giới, chặn đứng. Kremlin cũng nhận thấy sự ủng hộ từ nhiều đồng minh ảnh hưởng, trong đó có các nguyên quan chức ngoại giao, nhà báo độc lập và đặc biệt là trên địa hạt của truyền thông mạng xã hội.

 

Các phóng viên phương Tây có thực sự hoạt động trong môi trường tự do?
Ảnh: RIA Novosti

 

Cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Kanwal Sibal nhìn nhận: Khi lên án hành động của Nga ở Ukraine, phương Tây từng tuyên bố rằng họ phát ngôn thay mặt cho “cộng đồng quốc tế”. Nhưng họ lại phớt lờ quan điểm của Trung Quốc và Ấn Độ, không thể gọi chung là “cộng đồng quốc tế”.


Thời kì trước, truyền thông phương Tây, bất kể tôn chỉ chính trị dạng nào, vẫn có xu hướng “bôi đen” nhằm vào Nga mà không bị phản bác trên phạm vi toàn cầu. Lý do dường như là bắt buộc phải như vậy: Đài báo khắp thế giới hoạt động trong những trần giới hạn ngột ngạt, đôi khi là bất biến. Trong khung đó, biên tập viên và người sản xuất thường mò vào các hãng tin phương Tây, sao chép nguyên văn, vì Reuters và AP thường là người đầu tiên cung cấp tin tức và hình ảnh. Rất ít biên tập viên có thời gian để lướt qua văn bản sao chép kia: Họ mặc định tin tức, báo cáo phương Tây là chính xác và chất lượng bảo đảm; cứ việc đăng tải mà không cần phải kiểm tra. Đó từng là hoạt động tiêu chuẩn tại tất cả các tòa báo. Hệ quả là các độc giả, khán giả trên toàn thế giới liên tục bị nhồi nhét những luồng quan điểm phiến diện, thiên lệch.


Nhưng gần đây, trung tâm của truyền thông toàn cầu đã bắt đầu dịch chuyển. Thông qua việc tạo lập các tổ chức tin tức có khả năng cung cấp cho thế giới thông tin khác kiểu phương Tây, Nga đã hoàn thành được “nhiệm vụ bất khả thi”. Những thiết chế như mạng lưới truyền hình RT (Russia Today), báo Rossiyskaya Gazeta’s, tờ Russia Beyond the Headlines đã giành được sự ủng hộ lớn đến bất ngờ, đặc biệt là ở phương Tây. Đây là một nỗ lực đáng khen, nếu xét đến dân số Nga chỉ là 150 triệu người, trong khi các quốc gia tỉ dân như Trung Quốc, Ấn Độ vẫn chưa làm được gì nhiều.

Liên tục cập nhật tin tức, phát phóng sự, talk - show truyền hình giống như Larry King’s trên CNN, cùng các tin tức thể thao, RT đã thực sự vươn mình thành người khổng lồ của truyền thông toàn cầu. Năm 2013, RT trở thành kênh tin tức đầu tiên trong lịch sử cán mộc 1 tỉ lượt xem trên YouTube. Đây cũng là kênh nước ngoài được xem nhiều thứ hai tại Mỹ, chỉ sau BBC World Service. Theo tạp chí Forbes, RT luôn nỗ lực để “người nước ngoài ít nhất phải xem xét quan điểm của Nga, dù họ có là người kì dị thế nào đi nữa”.


Phương Tây có thực sự tự do truyền thông?


Không khó đoán, truyền thông phương Tây ngay lập tức nỗ lực phản đòn. Tổng biên tập RT Margarita Simonyan, cho biết: “Cuộc chiến truyền thông đâu chả thấy. Mỗi ngày, mỗi giờ, những nhân viên của chúng tôi phải đối mặt với các thông tin đại loại như: Các người là kẻ nói dối, không phải là nhà báo; các người là cỗ máy tuyên truyền của Điện Kremlin; đã đến lúc bỏ việc đi, mọi người đang cười vào mặt kia kìa, thay đổi quyết định đi, nếu không sẽ là quá muộn”.


Nhà bình luận Martin Walker của hãng tin UPI (Mỹ) nói Tổng thống Nga Vladimir Putin là “đang lãnh đạo một quốc gia hiếu chiến”. Rõ ràng, đó không phải là báo chí; nó chính xác là những gì mà George Orwell (nhà báo, nhà phê bình nổi tiếng người Anh) từng nói - một bài viết chính trị mọc trên “những suy nghĩ ngu xuẩn”. Lướt nhanh trên mạng, độc giả có thể biết Walker thuộc về đâu, viết cho ai. UPI nằm dưới quyền sở hữu của Giáo hội Thống nhất (Unification Church - UC) vốn ủng hộ Richard Nixon trong vụ Watergate. Có một điều chắc chắn, các phóng viên phương Tây có đủ năng lực để cho ra những sản phẩm báo chí chất lượng. Cũng không thể nghi ngờ về tài năng và ý định của họ. Vấn đề là ở chỗ, giống như Walker, họ được “thuần dưỡng” để phục vụ những yêu cầu của các nhóm đoàn thể.


Truyền thông ở Mỹ hiếm khi đi chệch khỏi các chính sách do các ông chủ như Rupert Murdoch và Jack Welch đề ra. Phóng viên giành giải Pulitzer Peter Arnette (làm cho CNN, MSNBC) và huyền thoại Phil Donahue (NBC) đều đã bị đuổi việc vì bày tỏ quan điểm phản chiến. Ngày 6/3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký thông qua sắc lệnh cho phép chính quyền trưng thu tài sản của bất kì công dân Mỹ nào trực tiếp hoặc gián tiếp cản đường chính sách của Mỹ trong vấn đề Ukraine. Các nhà báo muốn giữ việc sẽ không dại gì chống lại sắc lệnh này. Trong một không gian như thế, các nhà báo phương Tây có lẽ đáng thương hơn là đáng trách.


Hoài Thanh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN