Người dân chơi vơi trên đỉnh Nậm Tảng

Đời sống của người dân trên đỉnh Nậm Tảng dù no đủ hơn nhưng đời sống vẫn bếp bênh, chơi vơi như người “vô gia cư” không bản, không xã, em nhỏ không được tới trường, bà con không được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước...


Nơi ở cũ đất chật người đông, làm không đủ ăn nên các hộ gia đình dân tộc Dao đỏ thuộc các xã huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu như: Mù Sì San, Sì Lở lầu, Vàng Ma Chải và một số xã khác phải đi tìm đất định canh, định cư phát triển kinh tế. Đến vùng đất mới được 10 năm, bà con vẫn chưa được nhập vào xã nào, họ tự quản và lấy tên dòng suối Nậm Tảng chảy qua để đặt tên bản.


Biết đành vậy...


Rời thị xã Lai Châu bằng xe máy từ sáng sớm, mãi đến mười hai giờ trưa chúng tôi mới có mặt tại trụ sở xã Nậm Ban. Ngày nghỉ, anh Phạm Thanh Hải - Bí thư Đảng ủy xã vẫn ngồi làm việc. Anh Phạm Thanh Hải tặc lưỡi nói: Thương người dân lắm, chính quyền xã cũng muốn nhập khẩu cho bà con để được hưởng tất cả chính sách của Nhà nước như bao người dân khác. Khổ nỗi có nhiều vướng mắc ngoài quyền hạn xử lý của xã nên biết mà đành chịu...

 

Cán bộ xã, cán bộ Tổ công tác củng cố cơ sở xã Nậm Ban vào thăm, động viên bà con và nắm tình hình ở điểm Nậm Tảng.


Đầu năm 2008, các chiến sĩ biên phòng thuộc Đội công tác tại xã Nậm Ban đi trinh sát địa bàn thì phát hiện có 8 hộ gia đình người Dao đỏ trong rừng sâu, tìm hiểu mới biết họ vẫn chưa thuộc xã nào quản lý. Đến cuối năm 2010, đầu năm 2011, lúc này ở đây đã tăng lên 22 hộ và người dân đã làm đơn xin được sát nhập vào xã Nậm Ban. Chính quyền xét nguyện vọng của bà con là chính đáng nên đã cho cán bộ vào khảo sát làm tờ trình lên huyện Sìn Hồ xin được thành lập bản. Huyện Sìn Hồ nhất trí và hoàn thiện thủ tục để công nhận bản sát nhập số hộ ở Nậm Tảng vào xã Nậm Ban. Chính quyền xã Nậm Ban cũng chọn người uy tín, có trình độ để làm cán bộ bản, đầu năm 2012 người dân ở đây cũng được hưởng hỗ trợ thóc giống, tiền dầu đèn thắp sáng.

Người dân ai cũng vui mừng, vì mình được chính quyền nhập khẩu quản lý và con cái được học chữ xóa mù. Nhưng khi chính quyền xã Nậm Ban khảo sát lại, xem trên bản đồ địa giới hành chính thì thấy vùng đất mà số hộ dân này đang sinh sống thuộc vào ba xã của hai huyện như: xã Nậm Ban (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu); xã Nậm Hàng, xã Hua Bum (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) nên đã dừng mọi thủ tục công nhận bản Nậm Tảng. Đại diện cho các hộ gia đình nhiều lần vất vả đi bộ cả ngày trời ra trụ sở xã Nậm Ban tha thiết nhờ cán bộ giúp đỡ để bà con được nhập khẩu. Vì đất thuộc quyền quản lý của ba xã khác huyện nên chính quyền xã Nậm Ban đành lắc đầu.


Đầu năm 2013, tỉnh Lai Châu thành lập huyện mới Nậm Nhùn, xã Nậm Ban, xã Nậm Hàng, xã Hua Bum chuyển về quản lý của huyện. Đoàn công tác của Huyện ủy, HĐND - UBND huyện Nậm Nhùn vào xã Nậm Ban làm việc, cấp ủy, chính quyền xã đã báo cáo tình hình phát triển kinh tế xã hội, trong đó có đề cập đến vấn đề các hộ ở địa phận Nậm Tảng vẫn chưa được xã nào quản lý. Lãnh đạo huyện ghi nhận và chỉ đạo cấp ủy, chính quyền xã thường xuyên nắm tình hình và vận động bà con chấp hành chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thời gian chờ xin chủ trương chỉ đạo của cấp trên. Theo như lời anh Phạm Minh Hải cho biết, việc ba xã thuộc về một huyện Nậm Nhùn, thì công tác sát nhập số hộ dân này vào một xã nào đó cũng thuận lợi hơn. Trong lúc chờ cấp trên có chủ trương mới thì chính quyền xã và Tổ công tác ở xã Nậm Ban cũng thường xuyên vào Nậm Tảng để nắm tình hình, động viên bà con chịu khó làm ăn...


Điều đáng nói ở đây, tại sao chính quyền các cấp đã sớm biết về tình hình của các hộ gia đình thuộc vùng đất Nậm Tảng “vô chủ” quản lý mà vẫn để nguyên đến tận hôm nay. Mặc dầu bà con ở đây rất mong muốn được thành lập bản và sát nhập vào một xã nào đó. Năm 2011, Lai Châu tiến hành bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp, chính quyền xã Nậm Ban cũng đã xin ý kiến cấp trên thành lập một Tổ bầu cử ở điểm Nậm Tảng để bà con có quyền công dân tham gia bỏ phiếu như bao người dân khác.


Tìm đất mưu sinh...


Chúng tôi phải đi xe máy mất 3 giờ leo dốc theo đường dân sinh, mất gần 2 giờ đi bộ xuyên rừng mới vào tới nơi. Các hộ gia đình ở tập trung như một bản, nhà cửa đàng hoàng không lụp xụp như chúng tôi nghĩ, bà con ăn mặc như người Kinh, hiếm lắm mới thấy người già mặc trang phục truyền thống dân tộc Dao. Gặp chúng tôi, đại diện bản anh Tẩn Sài Khuôn, 40 tuổi, quê ở xã Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ) xởi lởi và kể về quá trình hình thành bản Nậm Tảng. Nói là bản Nậm Tảng nhưng chưa có giấy tờ nào của chính quyền công nhận, người dân chỉ đơn thuần lấy tên dòng suối chảy qua để đặt địa danh mình ở cho dễ gọi, dễ nhớ.


Nghe ông Tẩn Phù Sô, 63 tuổi đến đây từ năm 2007 kể lại. Từ năm 2004, có hộ ông Chẻo Cáo Chiêu ở xã Lả Nhì Thàng, huyện Phong Thổ đi tìm đất khai hoang, đến đây thấy đất rộng, bằng phẳng và màu mỡ dễ làm ăn nên đưa vợ con lên định cư làm kinh tế. Ông Chiêu về quê chơi rủ thêm anh em, bạn bè cùng đi thăm đất và họ cũng ở lại, đưa vợ con lên dựng nhà làm ăn. Dần dần, người này rủ người kia nên số hộ gia đình đến đây cũng tăng lên nhiều và hiện nay đã có 30 hộ, 163 khẩu. Đa phần các hộ gia đình có cuộc sống ở vùng đất mới no ấm hơn, đầy đủ hơn. Người dân chủ yếu trồng lúa và trồng thêm ngô, sắn để chăn nuôi lợn, gà, trâu bò... mùa thu hoạch có nhiều hộ thu được gần trăm bao thóc. Người đến trước năm 2009 thì bỏ công sức khai hoang có ruộng cày cấy, người đến sau phải bỏ tiền mua ruộng của người Mông ở bản Nậm Lảng làm ăn. Hộ mua nhiều lên tới 60 triệu, hộ ít cũng gần 10 triệu đồng, nếu ở quê dù có tiền muốn mua ruộng cũng không có ai bán.


Khó khăn của các hộ gia đình hiện giờ là giao thông đi lại cách trở, muốn đi theo đường Nậm Ban thì vào ra bản nửa đường đi bộ, nửa đường đi xe máy và gửi xe ở lán ruộng của dân thuộc bản Nậm Lảng. Nếu đi ra đường quốc lộ 12 chạy qua xã Chăn Nưa thì phải đi bộ mất hơn 10 giờ đồng hồ. Mỗi lần ra chợ Pa Tần mua lương thực, thực phẩm thì phải đi mất hai ngày cả đi cả về. Nếu trong bản có người ốm đau cũng để tự chữa bằng thuốc tây mua sẵn hay thuốc cổ truyền dân tộc, phụ nữ sinh nở cũng không ra trạm xá mà do người nhà đỡ đẻ, dù có ra trạm xá hay bệnh viện thì người dân cũng phải nộp tiền không được hưởng chế độ bảo hiểm, vì chưa thuộc khẩu của xã nào.

Nước sinh hoạt cũng không có, các gia đình phải đi bộ gần 20 phút xuống suối dùng can đựng gùi về nhà dùng tằn tiện. Đặc biệt, các cháu trong độ tuổi đến trường cũng không được đi học, cả bản có khoảng hơn 50 em trong độ tuổi tới trường nhưng không được tới trường, nhiều em đang học ở quê cũ nhưng vì theo bố mẹ đến nơi ở mới nên bỏ học. Em Lý Náo Tảo, 15 tuổi, quê ở xã Dào San đang học dở lớp 9 thì theo bố mẹ di cư đến Nậm Tảng. Nói chuyện cùng chúng tôi, em Lý Tảo cho biết: em thích đi học lắm! bố mẹ cứ bảo ở quê cũ với ông bà để đi học, nhưng em không chịu vì không muốn xa bố mẹ và anh chị em. Nhiều bạn ở đây giống như em, để được gần bố mẹ mà đành bỏ dở việc học hành...


Đi cùng chúng tôi vào Nậm Tảng có cả chủ tịch xã Nậm Ban và cán bộ biên phòng của Tổ công tác để nắm tình hình đời sống của bà con. Khi chúng tôi chuẩn bị về, mọi người đến rất đông và muốn giữ chân chúng tôi lại vì hiếm lắm mới có cán bộ vào thăm... Về trụ sở xã Nậm Ban, trao đổi cùng chúng tôi, anh Phạm Minh Hải - Bí thư Đảng ủy xã nói: “dân là dân của mình và họ phải được hưởng những quyền lợi như bao người dân khác như: khám chữa bệnh và được hưởng hỗ trợ của Nhà nước, các cháu được tới trường... Nhà báo về phản ảnh kịp thời, các cấp chính quyền sẽ quan tâm, nhanh chóng đưa ra cơ chế phù hợp nhập khẩu cho người dân ở Nậm Tảng vào một xã nào đó để quản lý và bà con sẽ yên tâm, ổn định đời sống phát triển kinh tế...”.


Việt Hoàng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN