Sẽ không còn 'cửa' bỏ thầu giá thấp

Xung quanh vấn đề nhiều nhà thầu không đủ thực lực và tình trạng nhà thầu bỏ thầu giá thấp để có công trình, gây bức xúc dư luận nhiều năm qua tại các dự án giao thông, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông Trần Xuân Sanh (ảnh) đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức để làm rõ vấn đề này.


Thực tế thời gian qua có tình trạng nhiều nhà thầu ra sức tìm cách bỏ giá thầu thấp để thắng thầu có công trình, nhưng khi bắt tay vào thực hiện lại không đủ năng lực, dẫn đến chậm tiến độ, chất lượng công trình không bảo đảm. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?


Thực tế này xuất phát từ việc quản lý lỏng lẻo của không ít chủ đầu tư trong việc lựa chọn nhà thầu thi công, tư vấn giám sát. Tình trạng này đã tạo kẽ hở cho nhiều nhà thầu dù không có năng lực thực sự về kỹ thuật, tài chính, nhưng vẫn tìm mọi cách tham gia đấu thầu, trúng thầu giá thấp rồi lại “bán” dự án cho nhà thầu khác. Cùng với việc áp dụng Luật Đấu thầu mới và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8 vào thực tế, Bộ GTVT đang thực hiện quyết liệt việc công khai danh sách nhà thầu kém sẽ xử lý triệt để tình trạng này. Theo đó, tiêu chuẩn về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật của các nhà thầu sẽ được ưu tiên khi lựa chọn nhà thầu, sau đó mới xét đến các tiêu chuẩn về tài chính. Điều này được cho là thay đổi bước ngoặt, nhằm khắc phục tình trạng trên.


Vậy quy trình đánh giá các tiêu chuẩn trên sẽ thực hiện ra sao và làm thế nào để chọn được nhà thầu có kỹ thuật, công nghệ nhưng giá trúng thầu lại rẻ nhất, thưa ông?

Quy trình này được tiến hành theo hai bước. Hồ sơ đề xuất về mặt kỹ thuật sẽ được mở ngay sau thời điểm đóng thầu để đánh giá, sau đó mới xem xét hồ sơ về tài chính của tất cả các nhà thầu. Vì vậy, chỉ những nhà thầu nào đáp ứng được các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật mới tiếp tục được tham gia đấu thầu và cạnh tranh nhau về mặt tài chính (giá thầu). Trước đây, tại các dự án giao thông thường bị chi phối bởi quy định nhà thầu nào có giá thấp hơn thì trúng thầu. Thực tế này khiến các cơ quan chức năng khi tổ chức đấu thầu dù biết các nhà thầu có năng lực yếu, không đáp ứng được yêu cầu, nhưng cũng không dám loại bỏ để chọn nhà thầu giá cao hơn nhưng đáp ứng được yêu cầu. Đây chính là kẽ hở khiến cho việc lựa chọn nhà thầu gặp nhiều bất cập.

Vậy làm thế nào để cạnh tranh công bằng giữa các nhà thầu, thưa ông?

Luật Đấu thầu mới và Nghị định 63/CP cũng quy định rõ vấn đề này. Trong đó, có quy định, doanh nghiệp có vốn Nhà nước nắm giữ từ 30% trở lên sẽ không được tham gia đấu thầu các dự án do bộ đó làm chủ đầu tư. Điều này càng cho thấy, việc tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp xây lắp ngành GTVT hiện nay là đúng đắn, vì sẽ thể hiện rõ năng lực hoạt động cũng như cạnh tranh trên thị trường xây dựng hạ tầng. Ngoài ra, so với Luật Đấu thầu năm 2005, Luật Đấu thầu mới còn bổ sung thêm nhiều nội dung từ các quy định đến phạm vi, đối tượng chịu sự điều chỉnh đấu thầu như: Tính chuyên môn, chuyên nghiệp trong hoạt động đấu thầu, chất lượng, hiệu quả thực hiện một số công việc chuẩn bị cho hoạt động đấu thầu, vấn đề quản lý sau đấu thầu…


Tới đây, Bộ GTVT sẽ công khai danh sách các nhà thầu đủ năng lực theo tiêu chuẩn từ trên xuống. Vậy, danh sách này có ảnh hưởng đến việc đấu thầu, lựa chọn nhà thầu tại các dự án giao thông không, thưa ông?


Bộ GTVT đang xây dựng dự thảo quy định xếp hạng toàn diện năng lực nhà thầu. Kết quả đánh giá, xếp hạng năng lực sẽ là cơ sở để Bộ GTVT cấp quyết định đầu tư, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án giao thông tham khảo trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Đồng thời, kết quả xếp hạng năng lực là cơ sở để nhà thầu đưa ra những biện pháp kịp thời điều chỉnh, khắc phục thiếu sót, nâng cao năng lực cạnh tranh khi tham gia các dự án giao thông. Việc đánh giá và xếp hạng năng lực nhà thầu cũng sẽ hướng tới cả các nhà thầu nước ngoài tham gia với tư cách độc lập hoặc liên doanh trong các dự án giao thông.

Thêm vào đó, việc đánh giá năng lực nhà thầu dựa vào các tiêu chí và được tính điểm để phân loại. Các nhà thầu sẽ được phân nhóm dựa trên 2 tiêu chí về năng lực thi công trong thời gian 5 năm liên tiếp, gần nhất với tư cách là nhà thầu chính, độc lập hoặc thành viên liên danh và doanh thu trung bình trong 3 năm liên tiếp. Từ việc phân loại này sẽ hình thành các nhóm nhà thầu như: Nhóm có năng lực thực hiện dự án từ 1.000 tỷ đồng trở lên (nhóm năng lực); nhóm từ 500 - 1.000 tỷ đồng và các nhóm tiếp sau…

Xin cảm ơn ông!


Tiến Hiếu
Loại bỏ dần nhà thầu yếu kém
Loại bỏ dần nhà thầu yếu kém

Lựa chọn được nhà thầu đủ kinh nghiệm, năng lực là yếu tố sống còn bảo đảm tiến độ, chất lượng các công trình giao thông. Gần đây, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất thêm nhiều giải pháp quyết liệt để ngăn ngừa tình trạng các nhà thầu yếu kém nhưng vẫn trúng thầu và tham gia các dự án giao thông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN