Siêu bão mạnh kỷ lục đi ngược quy luật

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 14 (Haiyan), ven biển Bắc Bộ đã có gió giật mạnh cấp 6 - 7, ở đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió giật mạnh cấp 12, Bãi Cháy (Quảng Ninh), Văn Lý (Nam Định) giật cấp 8, Cô Tô có gió giật cấp 9. Ở các tỉnh Bắc Bộ mưa tăng dần, một số nơi đã có mưa to như Bạch Long Vĩ 58 mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 37 mm.

 

Cơn bão rất phức tạp


Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, cơn bão số 14 có cường độ rất mạnh, đường đi lại phức tạp.

Tàu thuyền neo đậu tránh bão tại cảng cá Tân Sơn (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) sáng 10/11. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN


Bão không đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh miền Trung như dự báo ban đầu, mà chỉ áp sát và chạy song song ven biển khu vực này. Tuy nhiên, vì cường độ của bão rất mạnh nên các tỉnh ven biển miền Trung từ Quảng Ngãi đến Quảng Trị, Quảng Bình vẫn phải đề phòng mưa to, gió mạnh.


Còn ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định, những cơn bão xuất hiện vào cuối mùa bão thường có cường độ không mạnh. Tuy nhiên, bão 14 đã đi ngược lại quy luật: Sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, 17, giật trên cấp 17 - cấp mạnh nhất trong thang đo sức gió; khi vào đất liền, gió vẫn mạnh cấp 12, giật cấp 13, vùng ven biển giật cấp 14.


Thông báo cho 86.000 tàu thuyền vào nơi tránh bão


Cơ quan thường trực Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, hôm qua (10/11), Biên phòng các tỉnh, thành tuyến biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đã phối hợp với gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, hướng dẫn cho 85.969 phương tiện/389.253 người biết hướng đi của bão để chủ động phòng tránh. Cụ thể, ở khu vực bắc Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa) có 5 tàu/52 lao động đã ra khỏi khu vực nguy hiểm; ở khu vực giữa Biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa) có 115 tàu/1.539 lao động đã neo đậu an toàn tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Riêng khu vực từ Thái Bình đến Bình Định có 40.552 tàu/172.412 lao động được thông báo, hướng dẫn về nơi tránh trú.


Theo ông Vũ Văn Tú, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, 13 tỉnh, thành phố từ Thái Bình đến Phú Yên đã lên kế hoạch sơ tán, di dời 231.822 hộ/858.579 người.


Lũ lên, nhiều hồ phải xả tràn


Do ảnh hưởng của bão, khu vực Trung Trung Bộ từ chiều qua đã có mưa rất to; sau đó mưa lan ra khu vực Bắc Bộ. Khu vực ven biển và các đảo từ Quảng Trị - Quảng Bình cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 2,5 - 3,5 m. Khu vực ven biển từ Hà Tĩnh đến Hải Phòng đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 3 - 4,5 m. Sóng biển cao 2 - 4 m, vùng tâm bão từ 4 - 5 m.


Từ ngày 11-13/11, trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình có khả năng xuất hiện một đợt lũ vừa, với biên độ lũ lên từ 2 - 5 m. Đỉnh lũ trên hệ thống sông Thái Bình có khả năng lên báo động 1, có nơi lên mức báo động 2. Các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Tuyên Quang và Bắc Giang đề phòng lũ quét, sạt lở đất. Riêng các vùng trũng tại khu vực đồng bằng có khả năng xảy ra ngập úng. Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương yêu cầu TP Hà Nội triển khai các biện pháp phòng chống ngập úng trên địa bàn, đặc biệt là khu vực nội thành; tổ chức hướng dẫn hỗ trợ giao thông ở những điểm ngập lụt để đảm bảo hoạt động bình thường của các hoạt động kinh tế, xã hội.


Tổng cục Thủy lợi cho biết, các tỉnh phía bắc hiện có tổng gần 3.200 hồ và toàn bộ các hồ này đã tích đầy nước. Đề phòng lũ do mưa lớn, một số hồ đang phải xả tràn với lưu lượng từ 40 - 50 m3/s. Đáng lưu ý, khu vực phía bắc hiện có tới 168 hồ yếu, xuống cấp cần quan tâm đặc biệt trong đợt mưa lũ này. Các hồ đều có mặt cắt đập nhỏ; có hiện tượng đập bị lún, nước thấm qua đập, nền; tràn, cống lấy nước bị hư hỏng; tràn không đảm bảo lưu lượng xả lũ.

 

Huyền Tím

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN