Ukraine bầu cử trong khủng hoảng

Hàng triệu người Ukraine ngày 26/10 đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội có tới 29 đảng phái chính trị và khoảng 7.000 ứng cử viên tham gia. Cuộc bầu cử quốc hội sớm lần này diễn ra trong bối cảnh kinh tế trì trệ và cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine chưa chấm dứt.

Hơn 32.000 điểm bỏ phiếu trên khắp Ukraine đã mở cửa từ 13 giờ ngày 26/10 và đóng cửa lúc 1 giờ ngày 27/10 (giờ Việt Nam). Số cử tri tham gia ước tính khoảng 36,5 triệu người. Hơn 430.000 người Ukraine sống ở nước ngoài cũng bầu cử tại các điểm bỏ phiếu ở 72 nước. Những người sống ở Crimea, bán đảo đã sáp nhập vào Nga, cũng có cơ hội bỏ phiếu nếu họ vẫn coi mình là người Ukraine.

Các quan sát viên giám sát cuộc bầu cử quốc hội Ukraine tại một điểm bỏ phiếu ở Kiev. Ảnh: AFP/TTXVN


Riêng tại miền Đông, Ủy ban bầu cử Ukraine chỉ lập các điểm bỏ phiếu tại các khu vực do chính phủ kiểm soát ở Lugansk và Donetsk. Các điểm bỏ phiếu đã được áp dụng thêm các biện pháp an ninh. 4.000 cảnh sát đã được huy động thêm cho khu vực. Tính trên cả nước, 82.000 cảnh sát làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự công cộng cho tiến trình bỏ phiếu.

Bầu cử quốc hội Ukraine được hơn 2.300 quan sát viên quốc tế và 340.000 người quan sát viên địa phương giám sát. Kết quả thăm dò ngoài điểm bỏ phiếu được công bố sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa. Kết quả sơ bộ được công bố trong ngày hôm nay (27/10). Kết quả chính thức sẽ được công bố trong vòng 15 ngày sau đó. Ukraine đã chi hơn 75 triệu USD tổ chức cuộc bầu cử lần này. Trước đó, Tổng thống Ukraine Petro đã giải tán quốc hội với lý do phần lớn các nghị sĩ đều bỏ phiếu cho “các bộ luật kiểu độc tài” và cần phải “thanh lọc” quốc hội. Ngày 26/8, ông Poroshenko đã thông báo bầu cử sớm.

Đa số người dân Ukraine ủng hộ cải cách dân chủ và kinh tế cũng như chống tham nhũng để tiến tới hội nhập Liên minh châu Âu. Trước ngày bỏ phiếu, ông Poroshenko đã cam kết Ukraine sẽ có một “quốc hội hoàn toàn mới, sẽ cải cách chứ không tham nhũng, ủng hộ Ukraine và châu Âu”.

Theo kết quả thăm dò trước bỏ phiếu, “Khối Poroshenko” của ông Poroshenko đang dẫn đầu khi 16% số người được hỏi sẽ bầu cho đảng của ông. Chính sách của đảng này mang tên “Chiến lược 2020”, nhằm thực hiện các chương trình đặc biệt đưa Ukraine tiến tới làm thành viên của Liên minh châu Âu trong vòng 6 năm tới. Về nhì trong cuộc thăm dò là đảng Cấp tiến của ông Oleg Lyashko với 7% phiếu bầu. Đảng này theo chủ nghĩa dân chủ cấp tiến, ủng hộ hội nhập châu Âu. Ngoài ra còn khoảng 5 chính đảng nữa có thể vượt qua con số 5%.

Trước đó, nước CHND Donetsk và Lugansk tự xưng đã tuyên bố không tham gia bầu cử ngày 26/10 và tự tổ chức bầu cử riêng ngày 2/11 tới. Nga cho biết sẽ chấp nhận kết quả của cả hai cuộc bầu cử nói trên.

Theo nhận định của phóng viên TTXVN có mặt tại Ukraine, dù trải qua cuộc bầu cử “thanh lọc” nhưng quốc hội mới có thể vẫn sẽ trở thành một trung tâm bất đồng chính kiến , hình thành các nhóm thách thức chương trình chính trị của Tổng thống Poroshenko, cả trong quốc hội lẫn trên đường phố. Hiện vẫn chưa rõ các đảng, với "cái tôi" quá lớn, sẽ hành xử như thế nào trong quốc hội mới. Nhiều nghị sĩ được bầu sẽ là những gương mặt hoàn toàn mới mà phẩm chất còn là ẩn số.

Thùy Dương (tổng hợp)
Bộ trưởng Tài chính Oleksandr Shlapak: Ukraine đặt niềm tin vào thế hệ trẻ
Bộ trưởng Tài chính Oleksandr Shlapak: Ukraine đặt niềm tin vào thế hệ trẻ

Nội dung phỏng vấn Bộ trưởng Tài chính Ukraine ông Oleksandr Shlapak về cuộc bầu cử quốc hội cũng như những điểm mới trên chính trường Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN