Kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4:

Việc làm cho người khuyết tật

Việt Nam có gần 7 triệu người khuyết tật (NKT), trong đó 60% ở độ tuổi lao động. Tuy nhiên rất ít người có việc làm và thu nhập ổn định.


Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

 

Kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4 năm nay, Công ty TNHH thiết bị và sản phẩm an toàn Việt Nam Protect được tôn vinh là doanh nghiệp có nhiều đóng góp trong chương trình giao nghệ thuật gây quỹ từ thiện “Một trái tim-Một thế giới” lần thứ 11 do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội tổ chức (ngày 13/4). Công ty này hiện có 30% lao động là NKT, tăng lên rất nhiều so với khi thành lập công ty cách đây 10 năm.


 

Mang lại cơ hội để người khuyết tật có việc làm là trách nhiệm của toàn xã hội. Ảnh: Nguyễn Thủy - TTXVN

 

Theo bà Hoàng Thị Na Hương, Phó Giám đốc công ty: “Không thể so sánh giữa người lao động khuyết tật với người lao động bình thường được. Để tạo điều kiện giúp NKT hội nhập, chủ động cuộc sống, chúng tôi đã thiết kế lại dây chuyền sản xuất để họ có thể làm việc thuận lợi”.


Tuy nhiên số doanh nghiệp có NKT làm việc như thế không nhiều. Tâm lý e ngại cộng với thực tế người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu công việc khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà với việc tuyển dụng NKT.


Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, trước đây, để các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội với NKT, Pháp lệnh Người khuyết tật quy định doanh nghiệp tuyển dụng 30% lao động là NKT, nhưng sau đó quy định này đã bị bỏ, thay vào đó là tập trung vận động nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp. Vì thế mô hình như Protect cần được nhân rộng.


Đào tạo nghề tại cơ sở sản xuất


Theo ông Nguyễn Đình Liêu, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, vấn đề bức xúc hiện nay đó là đào tạo nghề cho NKT. Cả nước có 6,7 triệu NKT, trong đó 60% số người trong độ tuổi lao động. Mục tiêu đề ra là đến 2015 sẽ dạy nghề, tạo việc làm cho 250.000 NKT và con số này là 300.000 người vào năm 2030. Tuy nhiên để thực hiện được mục tiêu này không hề dễ dàng.


“Dạy nghề cho NKT là việc chúng tôi đeo đuổi suốt gần chục năm qua (bắt đầu từ năm 2005) theo chương trình mục tiêu quốc gia. Thời gian đầu thực hiện tại các trung tâm dạy nghề của sở lao động, trung tâm dạy nghề của các đoàn thể, chất lượng đào tạo đảm bảo, nhưng NKT có xin được việc làm hay không thì không nắm được. Ngay cả khi đã được dạy nghề, việc tìm được việc làm với NKT cũng không hề đơn giản. Tôi đã từng dẫn một NKT đi xe lăn ở Huế tìm việc mà không được. Vì vậy phải tạo việc làm tại cộng đồng cho họ”, ông Nguyễn Đình Liêu cho biết.


Từ thực tế đó, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi VN đã thí điểm dạy nghề ở cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở dạy nghề ngoài công lập từ ngân sách của Nhà nước. “Việc dạy nghề ở cơ sở sản xuất căn cứ vào điều kiện thực tế đang cần đào tạo ngành nghề nào, dạy nghề mà NKT cần chứ không phải dạy nghề chúng ta có nên đã có hiệu quả rõ rệt”, ông Nguyễn Đình Liêu khẳng định.


Năm 2013, hơn 500 NKT ở 16 tỉnh, thành: Bình Dương, Bà Rịa -Vũng Tàu, TP.HCM, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Bắc Giang,… đã được thí điểm dạy nghề mô hình này. Hoàn thành lớp học nghề, 80% NKT tìm được việc làm, có nơi 100% NKT tìm được việc làm như cơ sở Phúc Thiện (Hà Nội). Năm 2014 với sự hỗ trợ 1,4 tỷ đồng của Nhà nước, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi VN tiếp tục mở rộng mô hình nhằm tạo cơ hội cho NKT tìm kiếm việc làm.


Tuy nhiên theo ông Nguyễn Đình Liêu, ngay cả khi thí điểm mô hình dạy nghề cho NKT ở cơ sở cũng chưa hẳn đã hết khó khăn. Nhiều gia đình không muốn cho con em học nghề, bản thân NKT mặc cảm, tự ti. Nhiều NKT sống khép kín, hoặc muốn học nghề nhưng chưa đủ điều kiện. Chẳng hạn người khiếm thị muốn học nghề nhưng lại chưa được trang bị chữ nổi. Trong khi đó, hệ thống giáo trình vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.


Vì vậy, để NKT có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hơn, cần sự vào cuộc của toàn xã hội. Theo ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH, hiện tại đã có sự thay đổi trong nhận thức về NKT. Xã hội cũng đã quan tâm hỗ trợ họ trên nhiều phương diện. Bản thân NKT cũng đã thấy được quyền lợi và trách nhiệm của họ. Tuy nhiên để NKT hội nhập tốt hơn, cần phải đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền. Trong đó tập trung vào các vấn đề như phát hiện sớm, can thiệp sớm để hỗ trợ NKT học tập, việc làm, dạy nghề; phản ánh đời sống của NKT, những tấm gương vượt khó học tập, lao động; biểu dương các doanh nghiệp tạo việc làm cho NKT. Bên cạnh đó, cũng cần chỉ ra cả những biểu hiện chưa tốt trong cả các cơ quan, đoàn thể, những cơ quan cung cấp dịch vụ công như bệnh viện, trường học, nhà ga, bến tàu,… chưa hỗ trợ thực hiện quyền của NKT.


Hoàng Linh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN