Xây dựng Luật Tổ chức Tòa án nhân dân

Hiến pháp năm 2013, có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 đã bổ sung nhiều nội dung quan trọng về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân. Triển khai thi hành Hiến pháp, ngành Tòa án nhân dân đã khẩn trương xây dựng Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi.


Thống nhất đầu mối


Theo Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn, một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm trong dự án Luật Tổ chức Tòa án sửa đổi lần này là việc thiết kế, xây dựng mô hình cơ quan xét xử 4 cấp.

 

Ngày 28/2/2014, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân Tối cao tổ chức Hội thảo góp ý kiến đối với dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN


Vấn đề xây dựng mô hình cơ quan xét xử 4 cấp thực tế đã được đặt ra từ Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa VII), suốt từ quá trình đó đến năm 2002, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08 về một số vấn đề cải cách tư pháp trong thời gian tới, sau đó là Nghị quyết 49 năm 2005. Nghị quyết số 49 đã nêu: việc thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực không phụ thuộc vào địa giới hành chính, Tòa án phúc thẩm, Tòa án cấp cao (Tòa thượng thẩm) và Tòa án nhân dân tối cao. Sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận 79, thì xác định cụ thể: Tòa án sơ thẩm khu vực không phụ thuộc vào địa giới hành chính xét xử hầu hết các loại vụ án theo pháp luật về tố tụng; Tòa án cấp phúc thẩm xét xử phúc thẩm các bản án đối với các bản án sơ thẩm của Tòa án sơ thẩm khu vực mà chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị; Tòa án nhân dân cấp cao xét xử các vụ án phúc thẩm các bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và thực hiện nhiệm vụ giám đốc thẩm đối với các Tòa án cấp dưới (Tòa án khu vực và tòa án nhân dân cấp tỉnh); còn Tòa án nhân dân tối cao chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ kiểm tra, xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm, phát triển án lệ, hướng dẫn áp dụng pháp luật, tổng kết kinh nghiệm xét xử. Ngay sau đó, TAND tối cao đã xây dựng Đề án thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực với những vấn đề liên quan đến tính độc lập của Tòa án.


Với những đổi mới quan trọng, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi sẽ thống nhất đầu mối quản lý Tòa án thuộc Tòa án nhân dân tối cao, không để các Tòa án quản lý nhau như trước. Dự án luật lần này cũng có quy định mới về việc bổ nhiệm thẩm phán, cán bộ tòa án thuộc cấp nào thì do cấp đó trực tiếp bổ nhiệm, thay vì Tòa án cấp trên để đảm bảo tính độc lập cho Tòa án. Về công tác cán bộ giữa Tòa án đối với chính quyền vẫn có sự phối hợp lẫn nhau vì công tác cán bộ là công tác của Đảng.


Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Sơn cho biết thêm, công tác cán bộ Tòa án cũng sẽ hướng đến việc nâng cao hơn nữa vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng bằng việc Chánh án Tòa án cấp tỉnh, cấp khu vực sẽ tham gia vào cấp ủy; và đối với hầu hết các thẩm phán đều là Đảng viên. Một vấn đề cần khẳng định ở đây là việc lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng là lãnh đạo việc xử lý các vụ án đúng quy định của pháp luật chứ không phải can thiệp vào công tác xét xử.


Thể hiện vai trò độc lập của tòa án


Liên quan đến dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi, PGS. TS Bùi Xuân Đức - Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Mặt trận, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, sau khi Hiến pháp có hiệu lực thì tất cả các đạo luật về tổ chức bộ máy Nhà nước đều phải được điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với tinh thần của Hiến pháp để tạo điều kiện cho hoạt động quản lý Nhà nước trong thời kỳ mới.


TS.Bùi Xuân Đức góp ý, Hiến pháp mới quy định Tòa án vừa là cơ quan xét xử, vừa là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, đây là một điểm mới rất quan trọng trong lịch sử lập hiến. Quy định như vậy nhằm đảm bảo tính độc lập của Tòa án trong hoạt động xét xử, thực sự là cơ quan bảo vệ công lý. Tuy nhiên, muốn đạt được mục đích này, ngoài việc nhấn mạnh chức năng chính của Tòa án là chức năng xét xử, dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi cần thể hiện rõ vị trí, vai trò, tính độc lập cũng như mối quan hệ của Tòa án với các cơ quan tư pháp khác.


Dự thảo cũng cần có những đổi mới mạnh mẽ về tổ chức Tòa án mà đặc biệt là mô hình cơ quan xét xử 4 cấp; thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực, không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Tuy nhiên, cần phải giữ vai trò của Tòa án nhân dân tối cao trực tiếp xét xử phúc thẩm những vụ án đặc biệt quan trọng. Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao cũng phải phát huy vai trò của mình trong công tác hướng dẫn xét xử, phát triển án lệ.


Theo TS.Bùi Xuân Đức, dự thảo Luật lần này cần hướng đến mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng Thẩm phán, cán bộ tòa án, sao cho Tòa án thực sự là chỗ dựa người dân trong việc tìm kiếm công lý, bảo đảm tốt hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đản quyền con người một cách tốt nhất.

 

Quang Vũ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN