Phát triển nhà ở xã hội - Bài cuối: Tháo nút thắt về vốn cho người dân

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội đã triển khai được gần 1 năm. Nguồn vốn đã sẵn sàng nhưng số tiền được giải ngân chưa đáp ứng được kỳ vọng. 

Những vướng mắc về pháp lý, thủ tục hành chính, nguồn cung nhà ở xã hội... đã được nhận diện. Nhưng để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, tìm ra được điểm nghẽn từ chính những người dân mua nhà, tăng khả năng tiếp cận vốn vay ưu đãi của người có thu nhập thấp là bài toán đặt ra với các ngân hàng.

Giảm áp lực trả lãi ngân hàng

Chú thích ảnh
Nhu cầu nhà ở tại các khu công nghiệp cao nhưng vẫn chưa có nhiều dự án xây dựng NOXH do các chủ đầu tư không "mặn mà". Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Có cầu thì mới có cung, nhu cầu mua nhà ở xã hội là yếu tố then chốt thúc đẩy thị trường này phát triển. Trên thực tế, nhiều người có nhu cầu ở thực và đáp ứng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội lại đang gặp khó khăn trong việc sở hữu nhà do mức thu nhập khiêm tốn.

Trong khi đó, dù Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần hạ lãi suất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, nhưng lãi suất áp dụng trong nửa đầu năm 2024 vẫn ở mức 7,5%/năm đối với người mua nhà, áp dụng trong vòng 5 năm. 

Là công nhân tại Hà Nam, anh Chu Văn Quang cho biết với mức lãi suất vay ngân hàng hiện nay, không dễ để mua được nhà ở xã hội.

Giá nhà ở xã hội thấp nhất hiện nay khoảng 20 triệu đồng/m2. Như vậy, một căn hộ 50m2 sẽ khoảng 1 tỷ đồng. Nếu vay ngân hàng 700-800 triệu đồng theo hạn mức tối đa được phép với lãi suất 7,5%/năm thì số tiền lãi phải trả từ 52-60 triệu đồng/năm, tương ứng từ 4,4-5 triệu đồng/tháng.
 
"Với tổng thu nhập của hai vợ chồng chỉ từ 12-14 triệu đồng/tháng thì riêng số tiền trả lãi ngân hàng cũng đã rất áp lực chứ chưa tính đến việc trả nợ gốc", anh Quang chia sẻ.

Thêm vào đó, anh Quang cũng lo lắng sau khi kết thúc thời gian ưu đãi chỉ 5 năm, lãi suất cho vay sẽ thả nổi theo thị trường, những người có thu nhập thấp như vợ chồng anh sẽ khó có thể trả nợ.

Bàn về lãi suất, ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) phân tích bản chất gói 120.000 tỷ đồng là gói tín dụng từ nguồn vốn thương mại của ngân hàng, không có hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Trong đó, cơ sở xác nhận lãi suất cho vay là lãi suất cho vay thương mại bình quân của 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. 

Do đó, để có được lãi suất thực sự phù hợp hơn nữa với người mua nhà, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ, ông Sơn đề nghị Chính phủ xem xét thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội, nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội. 

"Trên cơ sở nguồn ưu đãi này, lãi suất cho vay có thể xem xét thấp hơn lãi suất cho vay thương mại bình thường trên thị trường. Cần huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau và vốn ngân sách đóng vai trò đầu mối", đại diện VietinBank cho hay.

Ở một khía cạnh khác, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đã đề xuất 1 gói tín dụng khoảng 30.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất cố định là 4,8%/năm trong vòng 5 năm như Ngân hàng Chính sách xã hội; đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép xem xét về khung tín dụng, bù đắp chính sách lãi suất và rủi ro. 

Về thời gian ưu đãi, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) khẳng định sau 5 năm ưu đãi, ngân hàng sẽ có lãi suất thả nổi, phù hợp và hỗ trợ với đối tượng này.

Đẩy nhanh giải ngân

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Agribank. Ảnh minh họa: CTV/Báo Tin tức

Theo Ngân hàng Nhà nước, gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư đã có thêm Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) tham gia với 5.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng quy mô của gói hiện là 125.000 tỷ đồng; trong đó, 4 ngân hàng thương mại nhà nước gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) tham gia với 30.000 tỷ đồng/ngân hàng. 

Đến nay, các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền 7.000 tỷ đồng. Trong đó, đã có 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng và số tiền giải ngân cho người mua nhà là 6 tỷ đồng. 
 
Mức giải ngân cao nhất thuộc về BIDV với số tiền 95,7 tỷ đồng cho 3 chủ đầu tư dự án tại Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Dương. Vietcombank đã tiếp cận 21 dự án, ký hợp đồng tín dụng với 1 khách hàng, với quy mô tín dụng khoảng 500 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối tháng 6/2024, dư nợ đạt khoảng 50 tỷ đồng và đến hết năm 2024 là 900 tỷ đồng. 

Vietinbank giải ngân cho 1 chủ đầu tư dự án tại An Giang với số tiền là 128,6 tỷ đồng và cho người mua nhà tại 1 dự án với số tiền là 0,4 tỷ đồng. Agribank đã giải ngân hơn 400 tỷ đồng cho 4 chủ đầu tư dự án tại Bắc Ninh, Quảng Ninh, Kiên Giang và 5,7 tỷ đồng cho người mua nhà tại 2 dự án. TPBank cũng đã tham gia một số dự án và giải ngân 1 dự án tại Tp. Hồ Chí Minh với dư nợ ban đầu khoảng 170 tỷ đồng trong tổng mức cam kết gần 700 tỷ đồng.

Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết số tiền để cho vay chương trình 120.000 tỷ đồng chính là tiền huy động của người dân và đã là tiền huy động của người dân thì các ngân hàng vẫn phải trả lãi. Số lãi suất ưu đãi cho 3-5 năm chính là nguồn lực tài chính của các tổ chức tín dụng chứ không phải nguồn của ngân sách. 

"Vì vậy, để thực hiện ưu đãi này, các ngân hàng cũng phải cân đối. Trong thời gian tới, các ngân hàng khác tham gia được thì chúng tôi cũng rất hoan nghênh", bà Hồng nói.

Thống đốc khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng để triển khai quyết liệt gói này; tiếp tục kêu gọi giảm lãi suất; giao cho các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước làm việc trực tiếp với các ngân hàng về đề xuất gói 30.000 tỷ đồng của Techcombank, nếu có vấn đề gì thì sẽ báo cáo, tham mưu Thủ tướng Chính phủ...

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hồng cũng nhấn mạnh việc huy động của người dân và lãi suất thay đổi theo thời gian, biến động của thị trường, nên các ngân hàng đã tính toán để đưa ra lãi suất hỗ trợ trong 3-5 năm, còn thời hạn vay có thể 10, 20, 30 năm, tùy vào thỏa thuận của tổ chức tín dụng với người vay.

Lê Phương (TTXVN)
Phát triển nhà ở xã hội - Bài 3: Kinh nghiệm ở Trung Quốc
Phát triển nhà ở xã hội - Bài 3: Kinh nghiệm ở Trung Quốc

Kể từ khi thực hiện cải cách chế độ nhà ở lần đầu tiên vào năm 1998 đến nay, thị trường nhà ở Trung Quốc đã trải qua nhiều thay đổi. Văn bản số 14 (ban hành vào năm 2023) được kỳ vọng là một "cú hích" quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi thị trường nhà ở của Chính phủ Trung Quốc, tạo cơ sở cho việc đưa thị trường nhà ở tiến vào kỷ nguyên nhà ở phúc lợi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN