Những người lính bất tử - Kỳ 1: Trường Sa đi chẳng tiếc đời xanh

Trong dòng chảy tri ân đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập, bình yên của Tổ quốc, hơn 90 triệu người dân đất Việt không thể quên những liệt sĩ Trường Sa và nhà giàn DK1. Các anh ngã xuống để biển đảo mãi xanh, để những người lính tiền tiêu thêm vững chắc tay súng, để thế hệ thanh niên Việt Nam ngẩng cao đầu và soi lại mình từ những câu chuyện kể.

Những lính trẻ trước giờ đi đảo Trường Sa.


26 năm, một khoảng khá dài so với dòng chảy của thời gian, đủ để quên đi nhiều thứ, song có một điều không thể lãng quên, đó là sự hy sinh anh dũng của 64 người con ưu tú trong trận hải chiến Trường Sa ngày 14/3/1988.

Theo số điện thoại của đồng đội cung cấp, tôi liên lạc với cựu binh Trương Văn Hiền, nguyên là chiến sĩ sống sót trở về từ trận chiến Gạc Ma, hiện đang ngụ tại thôn 3, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk). Từ đại ngàn Tây Nguyên nắng gió, giọng ông Hiền sang sảng: “Chú hỏi thì tui nói chớ ngại gì. Tui chẳng quên được cái ngày đau thương ấy. Bây giờ già rồi, nhưng khi Trung Quốc đem giàn khoan đặt trái phép trên vùng biển của mình, tui lại muốn ra Trường Sa. 26 năm rồi. Thời gian trôi nhanh thật”.

Năm 1986, Trương Văn Hiền tròn 18 tuổi. Hiền xung phong vào bộ đội Hải quân. Sau thời gian huấn luyện chiến sĩ đo đạc hải đồ ở Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 147 đóng quân ở Quảng Ninh, Hiền được thưởng phép về ăn Tết với gia đình. “Tôi cùng đồng đội bắt tàu hỏa từ Hải Phòng vào Cam Ranh đi Trường Sa và được biên chế chiến sĩ trên tàu HQ-604. Khi lính Trung Quốc đổ bộ vào cướp cờ, từ trên tàu tôi nhìn rõ các chiến sĩ đứng thành vòng tròn bảo vệ cờ. Lúc đó tôi đứng ở mũi tàu  nhìn các chiến sĩ của ta đổ gục xuống biển sau loạt đạn pháo của Trung Quốc mà trào nước mắt. Tàu HQ-604 bị thủng nhiều chỗ do pháo Trung Quốc bắn. Tôi bị thương vào đầu, máu chảy ướt vai. Nhìn con tàu thân yêu của mình chìm mà không làm gì được. Tôi nhảy xuống biển, vớ được một thanh gỗ trôi trên biển rồi không biết gì nữa cho đến khi bị Trung Quốc bắt”, ông Hiền nhớ lại.

Để hiểu hơn về 64 liệt sĩ nằm lại Gạc Ma, một chiều trung tuần tháng bảy, tôi đến nhà cựu binh Nguyễn Viết Chức, nguyên thuyền trưởng tàu HQ-07 Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân. Ông Chức từng nhiều năm đi trên tàu HQ-07 làm nhiệm vụ trực trên vùng biển Cô Lin, Len Đao và khá tường tận về trận hải chiến Gạc Ma: Ngoài những câu chuyện kể về hoàn cảnh của các liệt sĩ đã hi sinh, ông còn cho tôi xem một cuốn sổ tay ông ghi chép khá đầy đủ tên tuổi của các liệt sĩ.

“64 chiến sĩ hi sinh ngày ấy có 46 chiến sĩ trẻ mang quân hàm binh nhất, binh nhì, hạ sĩ. Liệt sĩ hi sinh quê ở Quảng Bình nhiều nhất, 18 chiến sĩ. Đà Nẵng có 9 liệt sĩ. Riêng phường Hòa Cường (TP Đà Nẵng) có 7 chiến sĩ đi đảo thì cả 7 hi sinh. Tất cả họ đều rất trẻ, tuổi đời chỉ mười tám đôi mươi. Ngày ấy các chiến sĩ đi Trường Sa rất háo hức. Vì Trường Sa các chiến sĩ sẵn sàng hiến cả thân mình”, ông Chức chia sẻ.

Biển sâu còn đó bạn tôi nằm

Vững chắc tay súng canh thềm lục địa Tổ quốc.


Trong 9 liệt sĩ hi sinh trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc, có 7 liệt sĩ của nhà giàn DK1. Anh hùng liệt sĩ Đại úy Vũ Quang Chương, nguyên chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/6 được biết đến như tấm gương mẫu mực về đức hi sinh và lòng dũng cảm.

Trước sức tàn phá của cơn bão Pathes tháng 12 năm 1988, biết nhà giàn không trụ vững trước những con sóng dữ, anh đã động viên anh em bình tĩnh đối phó với bão tố và chỉ huy bộ đội rời nhà giàn khẩn cấp trong đêm. Trước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, ép lá cờ Tổ quốc vào ngực, anh thầm hứa sẽ bám trụ nhà giàn đến giây phút cuối cùng. Lao xuống biển, lá cờ Tổ quốc vẫn được anh ôm trọn.

Hy sinh ở tuổi chớm 30, Đại úy Vũ Quang Chương chưa kịp có người yêu, để lại sau lưng bố mẹ già yếu, một em trai bị bệnh tâm thần, người em gái còn non dại. Sau 15 năm kể từ ngày nằm xuống, tháng ngày 13 tháng 12 năm 2013, liệt sĩ Đại úy Vũ Quang Chương được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Và suốt 15 năm qua, xương cốt của anh vẫn chưa được tìm thấy. Bố anh, ông Vũ Quang Dương đã lặn lội từ Thái Bình vào tiểu đoàn DK1 xin nhành san hô của các chiến sĩ đem từ nhà giàn về và coi đó là xương cốt của con mình. Hàng ngày ông vẫn thắp hương lên nhành san hô ấy. Đã 15 năm kể từ ngày anh Chương hy sinh, ông Dương vẫn không thể nguôi ngoai. Hàng đêm ông vẫn mơ thấy anh Chương, và hi vọng anh Chương trở về, dẫu điều đó không bao giờ thành hiện thực.

15 nhà giàn DK1 vẫn sừng sững còn đó trước bao thách thức của biển khơi và sự nhòm ngó của kẻ thù. Những người lính trẻ vẫn đêm ngày vững vàng tay súng canh trời giữ biển. Phía dưới mỗi nhà giàn ấy, là máu là xương cốt của biết bao đồng đội chiến sĩ Hải quân.


Bài và ảnh: Mai Thắng

Tự hào là cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1
Tự hào là cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1

Chiều 4/7, tại Trụ sở Tiểu đoàn DK1 (thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) thuộc Vùng 2 Hải quân, đã diễn ra buổi họp mặt kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Nhà giàn DK1 (5/7/1989 - 5/7/2014).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN