Campuchia-Lào-Việt Nam tăng cường phối hợp

Nhận lời mời của Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 8 tại Viêng Chăn (Lào) từ ngày 24 - 25/11/2014.

Tại cuộc gặp mặt lần thứ nhất vào năm 1999, tại Viêng Chăn, Thủ tướng Hun Sen - Vương quốc Campuchia đã đưa ra sáng kiến thành lập khu vực tam giác phát triển giữa các tỉnh biên giới 3 nước Campuchia - Lào - Việt Nam và nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Lào và Thủ tướng Việt Nam.

Tại cuộc gặp lần thứ hai của ba Thủ tướng tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 25 - 26/1/2002, ba Thủ tướng của ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam tiếp tục khẳng định và quyết tâm xây dựng Tam giác phát triển tại khu vực biên giới ba nước. Ba Thủ tướng xác định đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong việc hợp tác phát triển giữa ba nước.

Ba Thủ tướng xác định thành lập khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam ban đầu bao gồm lãnh thổ của 10 tỉnh: Mođunkiri, Strung Treng, Rattanakiri (Campuchia); Attapư, Saravan và Sê kông (Lào); Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông (Việt Nam). Đến năm 2009, Hội nghị Ủy ban điều phối chung lần thứ 4 tổ chức tại Đắc Lắc đã quyết định bổ sung thêm 3 tỉnh vào khu vực tam giác phát triển là: Kratie (Campuchia), Chăm pa sắc (Lào) và Bình Phước (Việt Nam).

13 tỉnh này là các tỉnh cao nguyên nằm ở khu vực biên giới của ba nước, có nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội; trình độ phát triển của các tỉnh trong khu vực nhìn chung thấp hơn so với mức độ trung bình mỗi nước; sản xuất nông nghiệp còn chiếm một tỷ trọng cao. Các tỉnh trong khu vực này hầu như đều có đường biên giới chung từng đôi một và đã hình thành các cặp cửa khẩu giữa các tỉnh. Đây là một điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển giữa các tỉnh trong khu vực trong khi điều kiện kinh tế, xã hội còn thấp kém.

Hợp tác Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam là cơ chế hợp tác quan trọng duy trì ổn định an ninh chính trị, an toàn xã hội tại khu vực biên giới ba nước. Hợp tác giữa 13 tỉnh khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam trong thời gian qua đã thu được một số kết quả đáng ghi nhận trong việc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội. Hoạt động trao đổi thương mại khu vực biên giới được đẩy mạnh, các quy định về thủ tục thương mại từng bước được đơn giản hóa. Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của cả 3 nước trong khu vực Tam giác phát triển đạt khoảng 10%/năm. GDP bình quân đầu người đạt 1.340 USD năm 2013.

Hợp tác giữa Việt Nam và Lào, Campuchia ngày càng sâu rộng và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Tại cấp địa phương, các tỉnh xác định trọng tâm tăng cường và đưa quan hệ với các tỉnh Nam Lào vào Đông Bắc Campuchia đi vào chiều sâu bằng các hoạt động giao lưu hữu nghị, mở rộng quan hệ thương mại, nâng cao hiệu quả các cửa khẩu quốc tế với Lào và Campuchia, bổ sung nguồn lực phát triển và hỗ trợ lẫn nhau.

Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 8 lần này sẽ kiểm điểm, rà soát việc thực hiện Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam đến năm 2020 và Biên bản ghi nhớ về Cơ chế ưu đãi đặc biệt cho khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam; đánh giá những khó khăn, tồn tại trong việc triển khai các chương trình phát triển kinh tế xã hội tại khu vực này cũng như đề ra những phương hướng hợp tác trong giai đoạn tới.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao lần này nhằm củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với Lào đồng thời củng cố quan hệ hợp tác toàn diện với Campuchia cũng như tăng cường phối hợp giữa 3 nước trong triển khai các chương trình hợp tác quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế, xã hội trong khu vực Tam giác phát triển.


Thanh Hải
Hợp tác quốc phòng Việt Nam - Campuchia

Sáng 17/11, tại thủ đô Phnom Penh, Bộ Quốc phòng Campuchia đã tổ chức lễ tiếp nhận khoản viện trợ năm 2014 của Bộ Quốc phòng Việt Nam dành cho Cục Nhân sự, Bộ Quốc phòng Campuchia, phục vụ chủ trương đổi mới công tác chính sách và nhân sự của Quân đội Hoàng gia Campuchia trong vòng 5 năm tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN