Phát triển kinh tế và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên

Sáng 10/7, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2015.

Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên chủ trì Hội nghị.

Đại tướng Trần Đại Quang và đồng chí Trần Việt Hùng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tặng hoa và bằng khen cho các đơn vị. Ảnh: Dương Giang – TTXVN


Phát biểu tại hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang nhấn mạnh, 6 tháng đầu năm nay, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các Bộ, ngành và các địa phương trong cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Tăng trưởng kinh tế đạt 7,34%, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp có nhiều chuyển biến, chỉ số sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng, huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khá.

Công tác xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đạt nhiều kết quả, nhất là đã hoàn thành thông tuyến đường Hồ Chí Minh đúng kế hoạch và thực sự có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên. Công tác xây dựng nông thôn mới có nhiều tiến bộ, các tỉnh đã quan tâm chăm lo đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi, trường học, y tế, cấp nước sinh hoạt, đầu tư cơ sở hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới.

Chính sách dân tộc và công tác an sinh xã hội đã được quan tâm chỉ đạo. Các tỉnh Tây Nguyên đã đào tạo nghề cho trên 44.000 người, giải quyết việc làm cho gần 50.000 lao động. Công tác giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là củng cố cơ sở vật chất, đẩy mạnh đào tạo nhân lực theo địa chỉ, chuẩn bị và tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2014- 2015.

Công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được triển khai tích cực, chủ động. Hệ thống chính trị cơ sở có chuyển biến tích cực trong việc đổi mới hoạt động, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn dân cư. Tiếp tục có nhiều cố gắng trong việc thực hiện mục tiêu thu hẹp số thôn, buôn “trắng” đảng viên, “trắng” chi bộ đảng, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ ở xã, buôn làng, nhất là đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số.

Đại tướng Trần Đại Quang đề nghị từ nay đến cuối năm 2015, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cần tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ban, ngành, địa phương vùng Tây Nguyên thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015; kịp thời kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các tỉnh để phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu.

Bên cạnh đó tập trung đôn đốc triển khai thực hiện các cam kết đầu tư và hỗ trợ an sinh xã hội tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội Tây Nguyên lần thứ 3; tiếp tục triển khai nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù để huy động các nguồn vốn phục vụ kết nối hạ tầng giao thông trên địa bàn Tây Nguyên và phụ cận. Đồng thời xem xét, đề xuất bố trí vốn triển khai các dự án về giao thông cần thiết và cấp bách.

Chỉ đạo, triển khai thực hiện Quyết định số 686 của Thủ tướng chính phủ về sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh theo Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị; tiếp tục triển khai kết quả quy hoạch thủy lợi, đề xuất các giải pháp về cấp nước, phòng chống lũ, rà soát tu bổ các hồ chứa, bảo đảm an toàn hồ đập, sớm thống nhất ý kiến về chủ trương thành lập “Quỹ phát triển Cà phê Việt Nam”. Cùng với đó quan tâm chăm lo công tác phát triển giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội...

Đại tướng Trần Đại Quang chỉ đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên tập trung bảo đảm an toàn tuyệt đối đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng và các sự kiện, những ngày lễ lớn của đất nước trong năm nay…

Đại tướng Trần Đại Quang cũng biểu dương các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền và các lực lượng ở Tây Nguyên thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đã chăm lo đầu tư cả về sức người, sức của để tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân ngày càng vững chắc.

Đã tạo được sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, tư tưởng của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các cơ quan ban ngành và cán bộ đảng viên về yêu cầu, nhiệm vụ công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Nguyên trong tình hình mới.

Đại tướng Trần Đại Quang tặng bằng khen cho các đơn vị. Ảnh: Dương Giang – TTXVN


Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, kinh tế, xã hội của vùng Tây Nguyên 6 tháng đầu năm 2015 đã có nhiều chuyển biến tốt, tổng sản phẩm (GDP) ước đạt 58.652 tỷ đồng, tăng 7,34% so cùng kỳ, huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 29.045 tỷ đồng, tăng 5,46%, trong đó, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đã thực hiện trên 4,9 nghìn tỷ đồng, chủ yếu đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, cấp nước sinh hoạt nông thôn, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới.

Sản xuất nông nghiệp tuy bị tác động do hạn hán và thời tiết bất thường nhưng vẫn phát triển khá ổn định. Cơ cấu cây trồng tiếp tục chuyển đổi và ngày càng có nhiều mô hình đầu tư thâm canh, sản xuất sạch, áp dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực trồng cây ăn trái, chè, cà phê, rau, hoa, buôi bò, cá nước lạnh… Chăn nuôi nhiều nơi đã chuyển dần từ nhỏ, lẻ sang quy mô trang trại.

Chính sách dân tộc và công tác an sinh xã hội đã được tập trung chăm lo khá tốt. Các chương trình, dự án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp, các ngành chủ động thực hiện, trọng tâm là hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo theo Quyết định 755 của Thủ tướng chính phủ.

Đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã phê duyệt xong đề án và trên cơ sở nguồn vốn Trung ương phân bổ năm 2015 là 100.753,8 triệu đồng để triển khai thực hiện các chương trình giải quyết đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đầu tư các chương trình 135, định canh, định cư cho đồng bào.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng đẩy mạnh việc cho vay phát triển sản xuất ở các xã nghèo, thôn, buôn nghèo, góp phần thúc đẩy giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác giáo dục, đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, chất lượng khám chữa bệnh cho đồng bào vùng Tây Nguyên tiếp tục được cải thiện, nhất là đối với người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, gia đình chính sách…

Quang Huy (TTXVN)
Đồng hành cùng Tây Nguyên phát triển
Đồng hành cùng Tây Nguyên phát triển

Trong những năm qua, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tích cực tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp và địa phương trong cả nước tự nguyện tham gia đóng góp hàng trăm tỷ đồng để cùng các tỉnh vùng Tây Nguyên thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN