Chính phủ Mỹ đóng cửa, du khách cụt hứng

Từ khu vực tượng Nữ thần Tự do đến đài tưởng niệm Lincoln rồi công viên quốc gia Yosemite, đâu cũng thấy những khuôn mặt thất vọng, cụt hứng của du khách hay sự giận dữ của các công chức liên bang khi lần đầu tiên chính phủ Mỹ đóng cửa trong vòng 17 năm qua.


Du khách chưng hửng


Tượng Nữ thần Tự do đã từng đón hàng triệu người đến thăm nước Mỹ trong suốt 130 năm qua vẫn đứng kiêu hãnh như trước đây trong ánh nắng bình minh rạng rỡ. Tuy nhiên, “nàng” đứng một mình, cô độc, bởi hàng ngàn du khách có lịch đến thăm “nàng” trong những ngày này đã bị chặn bởi một tấm biển viết: “Chính phủ đã tạm thời đóng cửa”.


Khách du lịch đọc biển thông báo đóng cửa khu vực tượng Nữ thần Tự do ở New York ngày 1/10.ảnh: Getty Images


Nữ du khách người Nga Irina Stewart, 29 tuổi, nói với người quản lý: “Đây là một trò đùa”. Đáp lại, người quản lý mềm mỏng: “Cô không phải là người đầu tiên nói với tôi điều đó”, rồi lại phải kiên nhẫn hướng dẫn cho du khách cách lấy lại tiền đã mua vé tham quan.


Nhiều điểm du lịch khác cũng trong cảnh cửa đóng then cài. Các lối vào hệ thống bảo tàng, phòng trưng bày của bảo tàng Smithsonian đã bị khóa. Ngay cả vườn thú quốc gia có cặp gấu trúc nổi tiếng Tian Tian và Mei Xiang cũng tối om, mặc dù người trông coi vườn thú khẳng định gấu trúc vẫn được cho ăn và chăm sóc.


Công viên quốc gia Yosemite đón du khách bằng tấm biển ghi dòng chữ “Đóng cửa” lạnh lùng. Trong khi đó, tại kinh đô điện ảnh Hollywood, các nhà sản xuất phim chuẩn bị cho những dự án phim hàng triệu USD đã được cảnh báo rằng, những cảnh quay trên đất Mỹ sẽ bị hủy còn những ngôi sao điện ảnh quốc tế có thể bị hoãn cấp visa do nhiều nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ bị nghỉ việc.


Ngoài việc đóng cửa “ngoại tuyến”, chính phủ Mỹ còn đóng cửa cả trên trực tuyến khi các tài khoản Twitter và trang web của chính phủ đều có dòng thông báo ngừng hoạt động. Trang web của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) không hoạt động, trang web của Nhà Trắng cũng không hề được cập nhật, trong khi Bộ An ninh Nội địa không trả lời thư điện tử gửi đến thông qua trang web.


Dân Mỹ giận dữ


Không chỉ du khách quốc tế, du khách Mỹ cũng cau mày và với mức độ giận dữ hơn nhiều. Một nhóm gồm 92 cựu chiến binh từng phục vụ trong Thế chiến thứ hai đến từ Mississippi và Iowa để thăm đài tưởng niệm 417.000 binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong cuộc chiến. Khi bị chặn bởi những dây, những biển báo có dòng chữ đóng cửa, các cựu chiến binh già cả, trong đó có nhiều người ngồi xe lăn, đã vây quanh rào chắn bày tỏ sự tức giận. Ông Glenn Hillesland, cựu binh 90 tuổi, nói: “Hoàn toàn xấu hổ. Không thể tin nổi”. Cựu binh Bob Hunter 90 tuổi cho rằng “thật thất vọng vì đất nước chúng ta phải trải qua điều này”.


Sự giận dữ của họ là điều dễ hiểu vì chuyến đi của họ đã được lên lịch cách đó cả tháng trời và họ đã lặn lội hàng ngàn km bằng xe buýt để đến thủ đô. Khi được báo về sự việc, một số nghị sĩ Mỹ đã ngay lập tức đến đài tưởng niệm, một người trong số họ đánh lạc hướng nhân viên cảnh sát canh gác khu vực, còn số khác nhấc rào chắn. Ngay lập tức, các cựu chiến binh ào vào trong khi những người đứng xem vỗ tay hoan hô. Các nhân viên cảnh sát và quản lý khu vực đài tưởng niệm cũng không có ý định ngăn cản các cựu binh. Tuy nhiên, họ là những cựu binh may mắn vì còn được vớt vát vào thăm đài tưởng niệm trong sáng ngày 1/10 vì buổi chiều, đài tưởng niệm này sẽ lại bị rào chắn vây quanh.


Nhiều du khách Mỹ khác đã đặt vé máy bay, lên kế hoạch cho chuyến du lịch thủ đô trước đó nhiều tháng cũng đành đứng ngoài trong tâm trạng vừa tiếc nuối vừa thất vọng.


Với khách du lịch là vậy. Còn tâm trạng của 800.000 công chức Mỹ bị coi là “không cần thiết” thì ra sao? Tất nhiên là họ buộc phải nghỉ không lương. Dù trước đó đã được chuẩn bị tinh thần sẵn sàng nhưng khi nhận được thông báo chính thức, họ vẫn cảm thấy bối rối, giận dữ và bất an.


Ông Terry Baber, thợ điện 55 tuổi, tâm sự: “Tôi không biết chuyện này sẽ kéo dài bao lâu và tôi cũng không biết sẽ thanh toán các hóa đơn như thế nào. Tôi có một con trai học đại học và tôi phải trả tiền phòng và tiền ăn cho nó. Chúng tôi vẫn phải ăn. Chúng tôi vẫn cần đổ xăng xe”. Còn Twyla Strogen, một nhân viên hợp đồng công nghệ thông tin ở tây Virginia, mai mỉa: “Cám ơn vì đã đóng cửa và không trả lương. Chúng tôi, người dân Mỹ, sẽ đền ơn tại các cuộc bầu cử”.

 


Thùy Dương

Cảnh báo hậu quả an ninh sau chính phủ Mỹ đóng cửa
Cảnh báo hậu quả an ninh sau chính phủ Mỹ đóng cửa

Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper đã lên tiếng cảnh báo việc đóng cửa chính phủ có thể mang lại cơ hội cho những nước đang tìm cách tuyển chọn điệp viên tại Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN