Siết chặt quy định sử dụng thực phẩm bổ sung để phòng, chống doping

Trong năm 2023, ngành thể thao Việt Nam thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp có thể để phòng, chống chất cấm (doping). Trong đó, yêu cầu thắt chặt quy định sử dụng thực phẩm bổ sung cũng được đặt ra trong bối cảnh các phòng tập, nhà thuốc ở Việt Nam bán rất nhiều loại thực phẩm bổ sung không được kiểm soát.

Đẩy mạnh công tác phòng, chống doping

Chia sẻ về công tác phòng, chống doping của thể thao Việt Nam trong thời gian qua, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) Trần Đức Phấn cho biết: Một trong những giải pháp quan trọng của ngành sẽ được đẩy mạnh trong những năm tiếp theo là nhằm tiếp tục truyền thông về phòng, chống doping.

Chú thích ảnh
Và một trong giải pháp quan trọng của ngành thể thao thực hiện là đẩy mạnh trong những năm tiếp theo là tiếp tục truyền thông về phòng chống chất cấm. Ảnh: TTXVN

Tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2022, Đoàn Thanh niên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Trung tâm Doping và Y học thể thao tổ chức tuyên truyền phòng, chống doping cho các vận động viên (VĐV), huấn luyện viên, cán bộ hỗ trợ tại các địa điểm có VĐV thi đấu.

Mang khẩu hiệu "Play True" (tạm dịch: Thi đấu Trung thực), các trạm doping của Ban tổ chức đã thực hiện một cách tích cực công tác tuyên truyền về tác hại của doping cũng như đưa ra các mục tiêu hoạt động từ đó giúp VĐV, huấn luyện viên (HLV) hiểu rõ hơn tác hại của việc sử dụng chất cấm.

Cùng với đó, những người làm công tác y tế - doping của Đại hội đã đưa kỹ thuật số vào bằng việc tổ chức các bài thông tin trắc nghiệm giúp người tiếp nhận khi tải về điện thoại sẽ có thêm dữ liệu rõ hơn sau khi trả lời kiểm tra. Đây được xem là những nét mới cần phát huy trong công tác truyền thông về phòng, chống doping.

Trên cương vị là trưởng đoàn đã có nhiều năm đồng hành cùng các HLV, VĐV Việt Nam tại các kỳ đại hội thể thao quốc tế, ông Trần Đức Phấn cho biết, Việt Nam hầu như không có bất cứ trường hợp nào dương tính với chất cấm.

Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 Trần Đức Phấn cũng nhấn mạnh, trong 7 năm trở lại đây, ngành thể thao Việt Nam đã rất nỗ lực triển khai các giải pháp phòng chống doping tại các giải đấu trong nước và quốc tế.

"Sau Tết Nguyên đán, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai. Sử dụng toàn bộ giải pháp có thể để phòng chống doping của thể thao Việt Nam trong các giải đấu tới đây như SEA Games hay ASIAD, đặc biệt là các VĐV trọng điểm" - ông Trần Đức Phấn chia sẻ.

Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan sẽ nâng cao hơn nữa công tác kiểm soát và đưa ra các giải pháp đảm bảo mọi yếu tố có liên quan đến phòng, chống doping.

Thắt chặt quy định sử dụng thực phẩm bổ sung

Liên quan đến thông tin một số VĐV Việt Nam "dính" doping khi thi đấu SEA Games 31, ông Đặng Hà Việt - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT khẳng định, chúng ta không bao giờ chủ trương sử dụng doping và nói không với điều này.

Theo ông Đặng Hà Việt, việc các VĐV của Việt Nam dương tính với chất cấm có thể đến từ rất nhiều nguồn như thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, thuốc uống....

Ngay sau khi có thông tin về việc này, phía Liên đoàn Điền kinh Việt Nam và các VĐV nằm trong danh sách đã có các phiên điều trần với Tổng cục TDTT, Ủy ban Olympic Việt Nam. Lí giải cho việc dương tính với các chất cấm được đưa ra là do sử dụng thực phẩm bổ sung.

"Hiện nay, các phòng tập, nhà thuốc ở Việt Nam bán rất nhiều loại thực phẩm bổ sung không được kiểm soát. Việc sử dụng các loại thực phẩm này có nguy cơ khiến VĐV dính doping khá cao" - ông Đặng Hà Việt nói.

Ông Đặng Hà Việt cho biết, có rất nhiều cơ sở sản xuất không ghi chú đầy đủ các chất, hàm lượng chất có trong loại thực phẩm bổ sung trên nhãn hàng khiến người sử dụng không nắm rõ thông tin.

Phía ngành thể thao đã phối hợp với Viện Khoa học hình sự tiến hành kiểm tra các mẫu thực phẩm, đối chiếu trên nhiều lượng mẫu và phát hiện có "dấu vết" doping.

"Đây là cảnh báo mới cho thể thao Việt Nam về kiểm soát thực phẩm bổ sung. Năm 2022 vừa qua, ngành đã ban hành thông tư quy định, định mức thực phẩm bổ sung. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ mua, sử dụng các loại thực phẩm được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) công nhận" - ông Đặng Hà Việt thông tin.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu Tổng cục TDTT, giá thành của những loại thực phẩm bổ sung được FDA công nhận khá cao so với những loại thực phẩm không nằm trong danh sách được cho phép sử dụng.

L. Sơn/Báo Tin tức
Sự cố doping SEA Games 31 tác động đến thành tích chung cuộc của thể thao Việt Nam
Sự cố doping SEA Games 31 tác động đến thành tích chung cuộc của thể thao Việt Nam

Thông tin 2 VĐV của đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) tham dự SEA Games 31 có kết quả xét nghiệm mẫu A dương tính với doping gây chấn động làng thể thao nước nhà. Nếu như mẫu B cho kết quả tương tự, nguy cơ các VĐV sử dụng doping bị hủy bỏ kết quả thi đấu hoặc tước huy chương ở SEA Games 31 là rất lớn, tác động đến thành tích chung cuộc của đoàn TTVN tại Đại hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN