Đám hiếu của người Mông và những tập tục cần xóa bỏ

Cùng với những giá trị văn hóa đặc sắc cần được bảo tồn và phát huy, việc tổ chức đám hiếu của đồng bào Mông ở xã Pù Nhi, huyện Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa) vẫn còn tồn tại nhiều nghi lễ, tập tục rườm rà, không phù hợp với quy định về thực hiện nếp sống văn hóa mới.

Nhằm tuyên truyền, vận động đồng bào Mông xóa bỏ các tập tục lạc hậu, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”.

Sau hơn 2 năm thực hiện, Đề án đã góp phần quan trọng thay đổi nhận thức của đồng bào Mông trong việc tổ chức đám hiếu. Ảnh: dantri.com.vn


* Nhiều tập tục lạc hậu cần xóa bỏ


Theo tập tục truyền thống của người Mông ở Pù Nhi, khi gia đình có người chết, con cháu, người nhà phải nổ 4 đến 6 phát súng nếu người chết là đàn ông; 7 đến 9 phát súng nếu là đàn bà để báo hiệu cho dân bản biết.

Người chết không được đưa vào quan tài ngay mà chỉ tắm rửa, thay quần áo mới rồi được đưa lên cáng đan bằng tre, nứa, treo lên vách giữa gian nhà, cao ngang ngực. Nhiều người Mông quan niệm rằng, nếu có người thân chết mà bỏ vào quan tài ngay là trái với tục lệ, sau khi chôn cất, tổ tiên sẽ gây phiền hà cho những người đang sống như bệnh tật, ốm đau và làm ăn lụi bại…

Tiếp đó, các thầy cúng, trưởng lễ tang và đội khèn, trống bắt đầu cử hành lễ tang theo các bài cúng cơm sáng, trưa, tối, khuya trong tất cả các ngày tổ chức lễ tang (thường từ 3 đến 7 ngày) sau đó mới đưa đi chôn cất. Trước khi chôn cất, người nhà phải làm thịt trâu, bò để người chết mang đi.

Theo tục lệ, mỗi người con trai, con gái đã lập gia đình phải góp một con trâu hoặc bò để báo hiếu cha mẹ… Sau chôn cất, trong 3 ngày liên tục, người nhà phải đưa cơm đến mộ cho người chết. Sang ngày thứ 13, gia đình tiếp tục tổ chức ăn uống linh đình, thịt nhiều trâu, bò, lợn, gà để giải thoát cho linh hồn người đã khuất…

Bên cạnh những giá trị văn hóa tâm linh cần phát huy thì việc để người chết lâu ngày trong nhà là tập tục không phù hợp với nếp sống văn hóa mới, cần phải thay đổi, xóa bỏ. Bởi ngày nay, ngoài vấn đề về vệ sinh môi trường, có những trường hợp người chết vì các căn bệnh xã hội, dễ lây lan, nếu không được chôn cất kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh, dễ lây truyền dịch bệnh…

Ngoài ra, chi phí cho đám tang luôn là gánh nặng cho hộ nghèo, đám tang kéo dài gây tốn kém cho gia quyến khi tiến hành cúng bái, tế lễ, trả công cho thầy cúng, ăn uống trong nhiều ngày. Có đám sau khi chôn cất chi phí lên đến cả trăm triệu đồng, hậu quả là nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần, đời sống đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho đồng bào Mông khó thoát khỏi cảnh nghèo nàn, lạc hậu...

* Xây dựng nếp sống văn hóa mới

Thực hiện “ Đề án tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 ”, tỉnh đã đầu tư kinh phí hoàn thành việc quy hoạch và xây dựng nghĩa địa; đường giao thông cho 7 bản Mông xã Pù Nhi, huyện Mường Lát.

Theo đó, đến năm 2015 trên 50% số người chết được khâm liệm và đưa vào quan tài trong thời gian khoảng 6 - 12 giờ sau khi chết và chôn cất tại nghĩa địa tập trung của thôn, bản.

Thời gian tổ chức tang lễ không quá 48 giờ (tính từ khi chết); đến năm 2020, tất cả đám tang toàn vùng được thực hiện theo nếp sống văn minh trong tang lễ; các thôn bản có nghĩa địa tập trung và có đường giao thông từ bản ra nghĩa địa thuận lợi, đi lại cả 4 mùa trong năm theo đúng quy hoạch về xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Lương Văn Tưởng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa: Thực hiện “ Đề án tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” là hết sức cần thiết, góp phần vận động đồng bào Mông dần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; lựa chọn, giữ gìn và phát huy những phong tục, giá trị văn hóa tốt đẹp, lành mạnh trong tang lễ, từng bước xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Để thực hiện Đề án, tỉnh có chính sách hỗ trợ kinh phí cho một số mục tiêu, nhiệm vụ và hoạt động tuyên truyền cụ thể như: Quy hoạch hệ thống nghĩa địa cho 7 bản mô hình điểm; kinh phí làm đường giao thông từ thôn bản đến nghĩa địa; hỗ trợ tổ chức tang lễ; kinh phí cho việc tổ chức tham quan, tập huấn tuyên truyền cho người dân…


Sau hơn 2 năm thực hiện, Đề án đã góp phần quan trọng thay đổi nhận thức của đồng bào Mông trong việc tổ chức đám hiếu. Minh chứng cho sự thay đổi căn bản này là một số gia đình ở Pù Nhi đã đi tiên phong trong việc tổ chức việc tang theo nếp sống mới.

Điển hình như việc tổ chức đám hiếu của các ông bà: Lâu Chứ Dơ, Thị Khu trú ở bản Pha Đén, ông Hơ Văn Ly ở bản Nà Tao; người chết được khâm liệm và đưa vào quan tài trong khoảng 6 đến 12 giờ và chôn cất tại nghĩa địa tập trung của thôn, bản. Sau khi cử hành lễ tang theo nếp sống mới, các gia đình đều yên ổn làm ăn, kinh tế ngày càng phát triển, con cháu mạnh khỏe, học hành tiến bộ…

Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi cơ bản, việc thay đổi quan niệm, tập quán lâu đời trong đám tang của đồng bào Mông là công việc khó khăn, cần nhiều thời gian. Một số người già hoặc Trưởng dòng họ chưa thật sự ủng hộ việc thay đổi tập tục cũ, thậm chí còn cản trở việc cho người chết vào quan tài. Người dân vẫn còn tâm lý lo sợ khi đưa người chết vào quan tài ngay là trái với đạo lý, người chết sẽ về quấy nhiễu, mang tai họa về cho con cháu…

Ông Lương Văn Tưởng cho biết: Hiện nay, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đang triển khai các bước tiếp theo của Đề án. Theo đó, tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các thôn, bản tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào Mông bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; thành lập các tổ tuyên truyền gồm những người nói thạo tiếng Mông trực tiếp đến từng hộ gia đình vận động đồng bào dần thay đổi thói quen, nếp nghĩ đã không còn phù hợp với đời sống văn hóa mới.

Vừa qua, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí tổ chức cho già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín, trưởng Ban công tác Mặt trận đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại một số bản đồng bào Mông ở Hà Giang, Lào Cai, Sơn La. Sau khi học tập mô hình, các già làng, trưởng bản, người có uy tín đã phát huy vai trò tích cực trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào Mông thực hiện nếp sống mới trong tổ chức tang lễ…


Khiếu Tư - Duy Hưng
(TTXVN)

Sơn Lập chống chọi hủ tục
Sơn Lập chống chọi hủ tục

Thực trạng đói nghèo, lạc hậu, tảo hôn, kết hôn cận huyết thống... ở những xóm, bản thuộc xã Sơn Lập, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, đang đòi hỏi các cấp chính quyền địa phương phải sớm có những giải pháp để giúp người dân nơi đây đổi thay cuộc sống, nếp nghĩ, cách làm ăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN