Đổi thay ở buôn nghèo Ea Na

Buôn Ea Na, xã Ea Na, huyện Krông Ana là buôn khó khăn nhất của tỉnh Đắk Lắk. Những năm gần đây, nhờ chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chủ trương kết nghĩa, giúp đỡ thôn, buôn nghèo của Tỉnh ủy Đắk Lắk, buôn Ea Na đã từng bước “thay da đổi thịt”, trở thành buôn văn hóa tiêu biểu.

Trường tiểu học Lê Hồng Phong của Buôn Ea Na được đầu tư hệ thống máy vi tính.


Ông Y Piek Enuol, Trưởng buôn Ea Na cho biết: Buôn Ea Na có 357 hộ, trong đó 160 hộ dân tộc thiểu số. Trước đây, buôn Ea Na là buôn vùng 3, còn nhiều khó khăn. Kinh tế của đồng bào các dân tộc ở đây sống chủ yếu phụ thuộc vào cây lúa, bắp. Do tập quán canh tác lạc hậu, năng suất cây trồng thấp, nên đồng bào luôn sống trong cảnh thiếu trước hụt sau, hộ nghèo chiếm hơn 50%, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc còn hạn chế.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về việc, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk kết nghĩa, giúp đỡ các buôn đồng bào dân tộc khó khăn; Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền đã nhận kết nghĩa để hỗ trợ, giúp đỡ nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc ở buôn Ea Na. Đơn vị đã quan tâm giúp đồng bào làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ về cây, con giống, cho mua phân bón trả chậm, hướng dẫn đồng bào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Công ty còn trích quỹ phúc lợi xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, trạm y tế, tổ chức khám chữa bệnh cho nhân dân.

Công ty đã đề ra mục tiêu hỗ trợ bà con xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, hướng dẫn đồng bào các dân tộc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kết hợp trồng trọt với chăn nuôi để phát triển kinh tế lâu dài; đồng thời lựa chọn trong buôn 3 em học sinh đồng bào tốt nghiệp xong lớp 12 cử đi đào tạo khuyến nông ở Viện Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Hàng tháng đơn vị kết nghĩa còn hợp đồng với các chuyên gia nông nghiệp về buôn để hướng dẫn đồng bào kỹ thuật chọn giống, tỉa cành, bón phân, tăng năng suất và chất lượng cây trồng, đặc biệt là đơn vị kết nghĩa đã kéo điện về buôn để đồng bào có điện sinh hoạt và tăng gia sản xuất.

Bê tông hóa nhà sinh hoạt cộng đồng của buôn.


Ông Y Pă Êban, ở buôn Ea Na, vui mừng cho biết: Trước đây gia đình tôi có 1ha cây cà phê, do ít hiểu biết về kỹ thuật chăm sóc, thiếu phân bón, nên mỗi năm chỉ thu được 1 - 1,5 tạ cà phê nhân. Sau khi được cán bộ công ty về hướng dẫn kỹ thuật bón phân, tưới nước, thâm canh tăng năng suất, đến nay, với 1ha cà phê mỗi năm gia đình tôi thu từ 3,5 - 4 tấn cà phê nhân. Năng suất cây bắp, cây mỳ cũng tăng lên từ 3 - 4,5 tấn/ha”.

Từ buôn vùng 3 khó khăn, được sự hỗ trợ của đơn vị kết nghĩa, sự nỗ lực vươn lên của đồng bào trong buôn, năm 2007, buôn Ea Na được Nhà nước công nhận là buôn văn hóa, từ đó đến nay luôn giữ vững danh hiệu là buôn văn hóa. Trạm y tế, trường học, nhà văn hóa được xây dựng khang trang, các hộ dân đều có điện thắp sáng; 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường, số học sinh khá, giỏi không ngừng tăng. Năm 2014, buôn Ea Na có 10 em học sinh dân tộc thi đậu vào các trường ĐH, CĐ.

Cũng như buôn Ea Na, hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có hàng trăm đơn vị doanh nghiệp kết nghĩa với các buôn dân tộc thiểu số khó khăn, nhờ đó, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở các buôn đổi thay rõ rệt, công tác kết nghĩa đã trở thành một “điểm tựa” vững chắc gắn kết các dân tộc anh em.


Bài và ảnh: Phạm Cường

Kinh nghiệm từ xã nông thôn mới Chi Lăng
Kinh nghiệm từ xã nông thôn mới Chi Lăng

Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn có thêm niềm vui được UBND tỉnh Lạng Sơn trao quyết định đạt chuẩn nông thôn mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN