'Kho thóc tình thương' - mô hình của dân, do dân và vì dân

Đến các huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam có thể dễ dàng bắt gặp những “kho thóc tình thương” được dựng ngay bên ven đường dẫn vào từng nóc (cụm dân cư tương đương với xóm ở đồng bằng) của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Mô hình này do Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Nam phát động từ năm 2012 nhằm triển khai công tác hỗ trợ nhân đạo dựa vào cộng đồng phù hợp với đặc điểm địa hình và phong tục tập quán của đồng bào vùng cao.

Nam Trà My là một trong những huyện đầu tiên triển khai mô hình “kho thóc tình thương”. Đây là huyện miền núi cao nằm trong Chương trình hỗ trợ 30a của Chính phủ, đời sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, những lúc gặp thiên tai việc cứu trợ lương thực kịp thời cho đồng bào vùng cao là hết sức quan trọng.

Chính vì vậy khi mô hình “kho thóc tình thương” của Hội Chữ thập đỏ khi triển khai đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của chính quyền và người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Văn Hường, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Nam Trà My cho biết: Toàn huyện hiện có 28 kho thóc tình thương. Mô hình "kho thóc tình thương" được xây dựng dựa trên tập quán của đồng bào các dân tộc sống trên địa bàn".

"Khi người dân thu hoạch lúa và hoa màu họ không có thói quen dự trữ trong nhà mà làm những chiếc kho bằng gỗ có lợp mái tôn được đặt trên bốn trụ gỗ hoặc bê tông dựng phía ngoài các nóc để phòng khi trong nhà không may xảy ra hỏa hoạn thì lương thực dự trữ vẫn được an toàn. Những "kho thóc tình thương" ở đây cũng được làm giống như vậy và khi bà con thu hoạch lúa trên rẫy xong mỗi hộ sẽ tự nguyện đóng 1 ang thóc (tương đương hơn một thúng thóc) để bỏ vào "kho thóc tình thương", ông Hường bổ sung.

Các "kho thóc tình thương" thường mỗi năm chứa tối đa khoảng 1 tấn lúa, tùy theo số hộ dân của từng nóc. Trưởng nóc, kiêm cán bộ Hội Chữ thập đỏ tại cơ sở sẽ cùng với các hội đoàn thể và người dân tham gia quản lý kho thóc này.

Vào mùa mưa lũ, nhiều nóc bị chia cắt dài ngày do đường sá đi lại bị sạt lở, cây cối đổ, việc cứu trợ chưa đến được kịp thời thì "kho thóc tình thương" này sẽ được mở để phân phát cho những hộ dân không còn lương thực. Ngoài ra, bình thường những gia đình nào gặp khó khăn bị thiếu đói cũng sẽ được cộng đồng xem xét hỗ trợ từ kho thóc này.

Tại nóc Mô Choang của Thôn 1, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My có 119 hộ dân là người dân tộc Xê Đăng, trong đó có tới 75 hộ thuộc diện hộ nghèo vì vậy khi được cán bộ Hội Chữ thập đỏ cơ sở vận động, giải thích về mục đích ý nghĩa việc xây dựng "kho thóc tình thương" bà con ở đây rất đồng tình, cùng nhau góp ngày công, tiền của để làm kho thóc của nóc mình.

Cùng với huyện Nam Trà My, các huyện miền núi cao khác của Quảng Nam như Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang… cũng đang nhân rộng mô hình này.

Ông Trần Văn Mười, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Nam cho biết: Hiện nay, tỉnh Quảng Nam có khoảng 30% các nóc ở khu vực miền núi đã có "kho thóc tình thương", những kho thóc này đang nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân cũng như chính quyền các địa phương.

Bên cạnh việc duy trì phát triển kho thóc tình thương tại các nóc, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Nam cũng đang triển khai mô hình này ở cấp thôn, với sức chứa của kho khoảng 3 tấn để cùng với nguồn lực của người dân địa phương kết hợp với các nguồn huy động từ bên ngoài như của Nhà nước, của các nhà hảo tâm và các địa phương khác giúp đỡ cho miền núi qua đó nhằm phát huy tác dụng của "kho thóc tình thương" mạnh mẽ và lan tỏa hơn.


Đỗ Trưởng


“Cánh đồng mẫu lúa nước” đầu tiên của Tây Nguyên đạt hiệu quả kinh tế khá cao

Vụ hè thu năm nay “cánh đồng mẫu lúa nước” đầu tiên ở Tây Nguyên đã đạt năng suất trên 8,4 tấn thóc/ha, trong khi đó, ruộng sản xuất theo kiểu truyền thống cũng trên diện tích này trước đây cao nhất chỉ đạt 6 tấn thóc/ha.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN