Lễ hội trên mây Sa Pa 2012

Theo ông Lê Mạnh Hảo, Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao và Du lịch huyện Sa Pa, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài, nên chuỗi các hoạt động trong Lễ hội trên mây Sa Pa năm 2012 sẽ được tổ chức bắt đầu từ 27/4 - 3/5, dự kiến lượng khách du lịch đến Sa Pa trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sẽ lên tới 12.000 lượt người. Theo kế hoạch, lễ hội sẽ chính thức khai mạc vào tối 27/4, tại sân quần trung tâm thị trấn Sa Pa.

Đây là lễ hội mở màn du lịch mùa hè 2012 của vùng du lịch Sa Pa và nằm trong chương trình du lịch “Về cội nguồn 2012” do ba tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ phối hợp tổ chức.

Những thửa ruộng bậc thang của đồng bào Mông tại Sa Pa.
Ảnh: Lê Phú

Tới Sa Pa dịp này, du khách sẽ được tham dự nhiều hoạt động độc đáo, hấp dẫn, như “Hội chợ ẩm thực vùng cao Lào Cai”, do Trung tâm Thông tin Du lịch tỉnh Lào Cai tổ chức từ sáng 27/4 đến hết ngày 4/5.

Tại khu du lịch sinh thái Hàm Rồng (thị trấn Sa Pa), chương trình “Ngày hội văn hóa dân gian” do Công ty cổ phần du lịch cao su Hàm Rồng tổ chức từ ngày 28/4 đến 1/5, gồm 10 tiết mục đặc sắc của 5 dân tộc anh em Mông, Dao, Tày, Dáy, Xã Phó và chương trình văn hóa ẩm thực phong phú giới thiệu về các sản vật, món ăn độc đáo của các dân tộc, trình diễn quy trình chế biến các món ăn dân tộc… Bên cạnh đó là các hoạt động sôi nổi như dựng cây đu dân tộc, cây nêu, trưng bày một số sản phẩm trang sức, dụng cụ sản xuất, nhạc cụ đặc sắc, tranh thờ, tái hiện quy trình làm bàn thờ, trình diễn đám cưới, thêu thổ cẩm, chạm khắc Bạc, trình diễn trang phục các dân tộc và tổ chức thi đấu các môn thể thao dân tộc…

Du khách tham quan thác Tình yêu. Ảnh: Lê Phú

Triển lãm ảnh nghệ thuật “Đất và người Sa Pa” do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lào Cai, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Lào Cai phối hợp với Hiệp hội Du lịch Sa Pa tổ chức từ ngày 27/4 đến ngày 4/5 tại nhà trưng bày Trung tâm Thông tin Du lịch Sa Pa. Triển lãm ảnh Thổ cẩm Sa Pa trưng bày những bức ảnh về sản phẩm thổ cẩm của các dân tộc huyện Sa Pa. Với 80 bức ảnh kích cỡ 60 x 90 cm của những nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên của Sa Pa chủ đề “Hương sắc Sa Pa” ghi lại những vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống tươi đẹp của Sa Pa.

Ngay dưới chân dòng thác Cát Cát đẹp nhất Sa Pa, du khách sẽ đến với “Ngày hội văn hóa bản Mông Cát Cát” do UBND xã San Sả Hồ phối hợp với Công ty cổ phần du lịch Cát Cát tổ chức từ ngày 28 - 30/4. Ngoài việc được tham quan làng người Mông Cát Cát có nhiều nét cổ xưa với nghệ thuật chạm khắc đồ bạc tinh xảo, du khách được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc của dân tộc Mông Cát Cát như được mời đóng làm cô dâu, chú rể người Mông, tham gia xay ngô làm mèn mén, làm bánh dày, làm thợ nghề rèn đúc nông cụ, nghề se lanh, dệt vải, nhuộm chàm, in hoa văn thổ cẩm trên sáp ong... Đêm 28/4, ngay sau lễ khai mạc, tại các tuyến phố Thác Bạc, Cầu Mây, Hàm Rồng, Xuân Viên (thị trấn Sa Pa) trình diễn nghi thức hát giao duyên của trai gái người dân tộc Dao đỏ trong Đêm Chợ tình Sa Pa.

Một ngày làm nông dân vùng cao Sa Pa do UBND huyện phối hợp với Hội Nông dân và Hiệp hội Du lịch Sa Pa tổ chức ngày 1/5/2012 tại xã Tả Phìn. Du khách tham gia các hoạt động sản xuất với người dân, đi tham quan một số mô hình homestay...; tour đi rừng lấy lá thuốc, học cách sử dụng thảo dược và chuẩn bị thuốc tắm; chuẩn bị bữa ăn truyền thống và thưởng thức ẩm thực dân tộc; tham quan và học cách làm vải thổ cẩm, thêu hoa văn theo quy trình truyền thống dân tộc Dao đỏ; khám phá ngôi nhà và phong tục truyền thống dân tộc Dao…

Đặc biệt, từ 9 giờ đến 16 giờ ngày 29/4, tại xã Tả Van, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sa Pa sẽ tái hiện “Lễ cấp sắc của người Dao đỏ”. Lễ cấp sắc mang tính giáo dục, thể hiện ở các điều giáo huấn ghi trong cấp sắc cho người thụ lễ, tuyệt đối không được làm điều ác, điều xấu... và có ý nghĩa trong đời sống tâm linh của người Dao và được người Dao giữ gìn, phát huy nét văn hóa đặc sắc góp phần làm giàu đẹp văn hóa các dân tộc huyện Sa Pa.

“Đêm chợ tình Sa Pa” sẽ được tái hiện tại khu phố cổ thị trấn Sa Pa, do Trung tâm Văn hóa – Thông tin - Thể thao huyện Sa Pa phối hợp với một số xã trong huyện tổ chức đêm 30/4/2012…

Trong dịp này, UBND huyện Sa Pa còn phối hợp với Sở VH,TT&DL Lào Cai tổ chức giải quần vợt Cúp Phan Xi Păng mở rộng lần thứ V. Bên cạnh đó là các hoạt động: Trưng bày các loài hoa, cây cảnh đặc hữu của Sa Pa do UBND huyện phối hợp với Vườn Quốc gia Hoàng Liên – Sa Pa và Hiệp hội Hoa, cây cảnh Sa Pa phối hợp tổ chức từ ngày 27/4 đến ngày 3/5 tại công viên trung tâm thị trấn Sa Pa; Hội chợ ẩm thực vùng cao, bày bán các sản phẩm ẩm thực truyền thống của Sa Pa như bánh dày, cơm lam, cá suối, xôi ngũ sắc, thắng cố, phở chua..., các sản phẩm truyền thống và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Lào Cai. UBND huyện Sa Pa coi đây là hoạt động thường niên trong chương trình du lịch “Về cội nguồn 2012”, tiếp tục tuyên truyền quảng bá, khai thác tiềm năng du lịch, xúc tiến thương mại - du lịch và đầu tư, cũng như thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với Lào Cai và Sa Pa.

Theo ông Hảo, để khắc phục tình trạng tăng giá phòng, giá dịch vụ, UBND huyện Sa Pa và ngành chức năng của tỉnh đã chỉ đạo các công ty lữ hành, khách sạn, cơ sở lưu trú thực hiện niêm yết công khai giá phòng nghỉ; đồng thời nâng cấp cơ sở vật chất, đảm bảo chất lượng lưu trú. Đặc biệt, trong dịp này sẽ tăng cường công tác kiểm tra tránh tình trạng tăng giá phòng lên quá cao. Các cơ sở vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Đến thời điểm này, việc chuẩn bị các điều kiện cho những hoạt động của Lễ hội trên mây Sa Pa năm 2012 ở thị trấn Sa Pa và các bản làng đã cơ bản hoàn thành.

Hiện nay, các khách sạn ở Khu du lịch Sa Pa đều đã được khách đăng kí hết phòng. Các nhà nghỉ ở thị trấn Sa Pa có trên 70% số phòng đã được khách đăng ký, 86 cơ sở lưu trú (dịch vụ homestay) ở các xã đã được chuẩn bị chu đáo để sẵn sàng đón khách.

K. Linh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN