Vườn hoa đậm hương sắc

Tối 28/11, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây (Hà Nội), Ủy ban Dân tộc và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức buổi “Trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam” lần thứ nhất năm 2011.

Chương trình nghệ thuật. Ảnh: Thanh Hà

Dự buổi trình diễn có các đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Giàng Seo Phử, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ; Hoàng Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL, lãnh đạo Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, bạn bè quốc tế và trên 200 thí sinh thuộc 54 dân tộc trên toàn quốc đã về dự.

Phát biểu khai mạc tại buổi trình diễn, đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội, nhấn mạnh: “Đây là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực và cần thiết nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các dân tộc và mỗi cá nhân đối với việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa nói chung, trang phục truyền thống của các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói riêng”.

Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Trang phục truyền thống các dân tộc là một trong những giá trị văn hóa giúp chúng ta dễ dàng phân biệt sắc thái giữa các vùng miền và giữa các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc. Trang phục của các dân tộc Việt Nam hết sức phong phú và đa dạng, mỗi trang phục lại mang một nét độc đáo và đặc trưng riêng. Bằng sự khéo léo cộng với thẩm mỹ tinh tế, các dân tộc đã tạo ra những bộ trang phục cùng với hoa văn hài hòa về màu sắc, đa dạng về mô týp, mềm mại về kiểu dáng, phù hợp trong lao động sản xuất, sinh hoạt và lễ hội truyền thống. Từ xưa đến nay, trang phục truyền thống của các dân tộc Việt Nam vẫn giữ được cốt cách và dấu ấn xa xưa nhưng cũng đã có những biến đổi không ngừng. Ngày nay diện mạo các trang phục dân tộc Việt Nam về cơ bản được khẳng định, từng bước hoàn chỉnh hơn, hội tụ được các giá trị văn hóa trang phục đông tây, tiếp thu có chọn lọc những yếu tố phù hợp làm giàu đẹp và phong phú thêm văn hóa trang phục của đất nước mình, dân tộc mình.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ Giàng Seo Phử đánh giá: “Việc trình diễn trang phục của cộng đồng các dân tộc Việt Nam lần này được đồng bào cả nước vui mừng đón nhận nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa. Đồng thời đây cũng là dịp để chúng ta tổng kiểm kê việc bảo tồn, gìn giữ bản sắc các trang phục của từng dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam”.

Đây là đợt sinh hoạt văn hóa có ý nghĩa chính trị hết sức sâu sắc, không chỉ tôn vinh vẻ đẹp trang phục mà còn thể hiện tinh thần “đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam”, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước ta đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Thông qua cuộc trình diễn cho thấy phần lớn đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn giữ được những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình, thể hiện ý thức cao của đồng bào các dân tộc trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc mình.

Theo Ban tổ chức, vì đây là lần đầu tiên tổ chức thực hiện cuộc trình diễn trong phạm vi toàn quốc nên còn gặp một số khó khăn. Song, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, các Ban dân tộc và các Sở VH,TT&DL các tỉnh, thành phố nên đã thu được nhiều kết quả khích lệ. Theo báo cáo, đã có trên 230 người tiêu biểu đại diện 54 dân tộc đến từ 52 tỉnh, thành phố tham gia trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, qua công tác tuyển chọn từ cơ sở cho thấy có 5 - 7 tộc người không còn trang phục gốc, mà phải khôi phục lại thông qua trí nhớ của những người già... Đây là một vấn đề khiến những người làm công tác dân tộc hết sức băn khoăn, trăn trở để sớm có những giải pháp tích cực trong thời gian tới trong việc khôi phục trang phục truyền thống các dân tộc.

Kết thúc buổi trình diễn, Ủy ban Dân tộc đã tặng Bằng khen cho 233 cá nhân và Bộ VHTT&DL đã tặng bằng khen cho 52 đoàn tham dự.

Bên lề chương trình “Trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam”, trong ngày 28/11, tại Làng Văn hóa - Du lịch các đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa của các dân tộc, nhằm cổ vũ tinh thần bà con về Làng tham dự lễ hội. Buổi sáng diễn ra Lễ Trỉa lúa mô phỏng phong tục của dân tộc Bru- Vân Kiều. Các nghi lễ truyền thống được dựng lại đầy đủ do chính người Bru- Vân Kiều tham gia với các nghi thức rất thú vị như “Lễ Lấp lỗ”, cúng gà, cúng lợn... vừa miêu tả lại hoạt động trỉa lúa, lấp đất vừa cầu mong thần linh ban cho mùa màng tươi tốt, cây lúa được nhiều hạt. Ngoài nghi lễ cúng thần linh còn có nghi thức mời rượu bà con, vừa uống rượu vừa hát đối đáp nam nữ và chơi các trò chơi truyền thống như chơi mạ, chơi xa hua, là những trò chơi thường diễn ra trong các dịp lễ hội. Buổi chiều, trước khi diễn ra đêm trình diễn trang phục còn có chương trình giao lưu văn hóa dân gian của 3 dân tộc: Tày (Bắc Kạn), Dao (Tuyên Quang) và Thái (Điện Biên) ngay tại quảng trường Tây Nguyên của Làng với các tiết mục hát, múa rất đặc sắc đặc trưng của mỗi dân tộc như: Hát Then, múa Khèn... Ngoài ra còn có các tiết mục Lễ hội Lồng tồng, Lễ đón dâu trong đám cưới của người Dao Đỏ, Lễ hội múa xòe… Tạ Nguyên



Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN