Xã vùng biên Anông 'tăng tốc' xây dựng nông thôn mới

Nhờ sự đồng lòng của chính quyền và người dân, đời sống đồng bào dân tộc ở xã Anông (Quảng Nam) đã không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 5,65%.

Xã đã hoàn thành 15/19 tiêu chí nông thôn mới và phấn đấu hoàn thành các tiêu chí còn lại để đạt chuẩn nông thôn mới trong năm nay.

Cánh đồng lúa nước mang lại năng suất cao. Ảnh: congan.com.vn


Nằm ở phía Tây bắc huyện Tây Giang, có 11 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, xã Anông có 4 thôn, với dân số 828 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Cơ tu chiếm 99,11%. Phần lớn người dân sinh sống bằng nghề nông, nên những năm trước đây, đời sống của đồng bào rất khó khăn. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo trong xã chiếm trên 50%.

Sau khi được chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo huyện, xã đã quyết liệt vào cuộc, vận động người dân cùng chung sức xây dựng nông thôn mới.

Để tạo sự đồng thuận của đồng bào, lãnh đạo xã Anông đã tổ chức họp dân làng, đồng thời tranh thủ tiếng nói của các già làng, người có uy tín; từ đó vạch ra phương hướng phát triển kinh tế - xã hội theo các tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới của quốc gia.

Ông Alăng Bao, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Anông, cho biết: Để từng bước nâng cao đời sống cho người dân, xã Anông tập trung hướng dẫn người dân thâm canh lúa nước, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.

Anông định hướng về công tác sản xuất theo 3 hướng chính: Phát triển trồng cây cao su, tập trung sản xuất lúa nước và không ngừng nâng cao năng suất, khoanh vùng chăn nuôi chú trọng đến cải tạo đàn vật nuôi.

Từ nguồn vốn của các chương trình 30a, 135, nông thôn mới, xã Anông còn triển khai hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để bà con có điều kiện phát triển sản xuất; liên kết với Nông trường cao su Tây Giang nhận trồng và chăm sóc cây cao su trên địa bàn xã với diện tích 252,36 ha.

Xã còn vận động nhân dân khoanh vùng chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, bước đầu tạo chuyển biến tích cực. Đến nay, toàn xã đã hình thành 18 khu vực chăn nuôi tập trung, với trên 200 con bò; khai hoang đồng ruộng bằng cơ giới, với diện tích gần 20 ha, nâng tổng diện tích lúa nước toàn xã lên hơn 40 ha.

Không những hỗ trợ động viên nhân dân tập trung phát triển sản xuất, hệ thống chính trị, xã Anông còn vận động nhân dân hiến đất, hoa màu, nhân lực để làm đường giao thông, với tổng trị giá hơn 13 tỷ đồng. Từ đó, góp phần tạo hệ thống giao thông nông thôn thuận lợi, cảnh quan nông thôn từng bước đổi mới.

Già làng Alăng Mời, ở thôn Acấp, phấn khởi cho biết: “Sau hơn 3 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Cái đói đã được đẩy lùi, bà con trong thôn đã sắm được ti vi, xe máy, phục vụ đi lại cũng như nâng cao đời sống tinh thần. Các cháu học sinh đến tuổi được đi học. Tôi vui lắm, dân làng cũng vui lắm”.


Nguyễn Sơn


Kỳ Sơn thành công trong xây dựng nông thôn mới
Kỳ Sơn thành công trong xây dựng nông thôn mới

Những năm gần đây, bộ mặt nông thôn mới ở nhiều xã thuộc huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, đã có những thay đổi rõ nét. Nhà ở, khu dân cư khang trang, sạch đẹp, điện, đường, trường, trạm được kiên cố hóa, đời sống nhân dân được nâng cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN