Cống hiến vĩ đại của Ph.Ăngghen với phong trào cộng sản quốc tế

Ngày 28/11/1820, tại Barmen, tỉnh Ranh của Vương quốc Phổ (thuộc nước Đức ngày nay), trong một gia đình chủ xưởng dệt, Ph.Ăngghen được sinh ra, để sau đó trở thành một trong những nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc nhất trong lịch sử xã hội loài người.

Friedrich Engels sinh ngày 28/11/1820, mất ngày 5/8/1895.

Tuy xuất thân từ một gia đình tầng lớp trên, thuộc giai cấp tư sản, nhưng Ph.Ăng-ghen đã dành tất cả con tim, khối óc, tình cảm và trí tuệ cho giai cấp vô sản, hiến dâng toàn bộ cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, nhằm mục tiêu, lý tưởng cao đẹp là giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng nhân dân lao động khỏi mọi ách áp bức, bóc lột.


Ph.Ăngghen là người bạn, người đồng chí, người cộng sản gần gũi nhất của Các Mác, đã cùng Các Mác sáng lập nên chủ nghĩa Mác, học thuyết khoa học và cách mạng, hệ tư tưởng của giai cấp công nhân và những người cộng sản, vũ khí tư tưởng của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh xoá bỏ chế độ tư bản, xây dựng xã hội mới xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa.


Đồng thời, Ph.Ăngghen đã cùng Các Mác nhiệt tình truyền bá tư tưởng cách mạng, xây dựng các tổ chức cách mạng của giai cấp công nhân, trở thành lãnh tụ của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân các nước Châu Âu ở nửa cuối thế kỷ XIX. V.I.Lênin cho rằng ''không thể hiểu chủ nghĩa Mác và không thể trình bày chủ nghĩa Mác một cách hoàn chỉnh nếu không chú ý đến những tác phẩm của Ph.Ăngghen'' và ''sau bạn ông là Các Mác, Ph.Ăng-ghen là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh''.


Vào đầu những năm 40 của thế kỷ XIX, mặc dù phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại sự thống trị, bóc lột của giai cấp tư sản đã phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn còn mang tính tự phát, chưa có mục tiêu rõ rệt; giai cấp công nhân còn chưa nhận thức được lợi ích giai cấp và sứ mệnh lịch sử cao cả của mình. Những học thuyết khác nhau của chủ nghĩa xã hội không tưởng, chủ nghĩa cải lương, tư tưởng vô chính phủ đều thất bại và đem lại những tổn thất to lớn cho phong trào công nhân. Nhu cầu cấp thiết của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân lúc này là cần có một học thuyết cách mạng chỉ đường, giúp cho phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân từ tự phát trở thành tự giác, hoàn thành sứ mệnh lịch sử vĩ đại của mình.


Các Mác (trái) và Ph.Ăng-ghen.


Các Mác và Ph.Ăngghen đã đáp ứng xuất sắc yêu cầu đó của thời đại. Trong thời gian 40 năm, Ph.Ăngghen đã cùng với Các Mác dày công nghiên cứu, kế thừa những tinh hoa tư tưởng của nhân loại, mà trước hết và trực tiếp là triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học Anh và chủ nghĩa xã hội Pháp; đồng thời tắm mình vào trong thực tiễn phong phú, sinh động của phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân, xây dựng nên chủ nghĩa Mác, một học thuyết, một hệ thống lý luận khoa học và cách mạng, bao gồm triết học Mác-xít, kinh tế chính trị học Mác-xít và chủ nghĩa xã hội khoa học; sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, phát hiện ra những quy luật khách quan của sự phát triển xã hội và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; xây dựng nên lý luận giá trị thặng dư với các quy luật chi phối sự vận động, phát triển và diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản. Đây là những cơ sở lý luận khoa học, là vũ khí tư tưởng cho cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân.


Rất nhiều tác phẩm cơ bản của chủ nghĩa Mác là do Các Mác và Ph.Ăngghen cùng viết. Nhiều công trình nghiên cứu của Ph.Ăngghen là sự phát triển những tư tưởng hình thành trong quá trình trao đổi thường xuyên với Các Mác. Về phía mình, nhiều tác phẩm của Các Mác được viết với những ý tưởng và kiến thức của Ph.Ăngghen. Các Mác đánh giá rất cao những kiến thức bách khoa của Ăngghen, trí nhớ kỳ lạ, tầm nhìn xa trông rộng, những ham thích tinh thần nhiều mặt của Ph.Ăngghen.


Không chỉ là nhà tư tưởng vĩ đại, cũng như Các Mác, Ăngghen đã đem nghị lực sôi sục, trí tuệ sáng suốt và trái tim nồng cháy của mình tham gia phong trào cách mạng, dũng cảm đấu tranh cho sự nghiệp của giai cấp công nhân. Tài năng của Ăng-ghen với tư cách một nhà chiến lược và sách lược cách mạng thể hiện xuất sắc trong các thời kỳ cách mạng 1948-1949 ở Châu Âu, thời kỳ hoạt động của Quốc tế I và Công xã Paris. Cùng với Các Mác, Ph.Ăngghen đã đấu tranh không khoan nhượng chống lại những khuynh hướng cải lương và biệt phái (của Pruđông, Latxan, Bacunin...) để thống nhất hàng ngũ quốc tế. Cùng với Các Mác, Ph.Ăngghen là người đỡ đầu của Đảng Dân chủ - xã hội Đức, có ảnh hưởng to lớn đến hoạt động của Đảng. Những nhà xã hội chủ nghĩa Pháp, Áo, Hungari, Anh, Ba Lan, Tây Ban Nha, Italy, Nga, Hà Lan và nhiều nước khác đều nhận được sự giúp đỡ vô giá của Ph.Ăngghen. ''Tất cả họ đều khai thác trong kho tàng kiến thức và kinh nghiệm phong phú của ông già Ăngghen'' như Lênin nhận xét.


Ph.Ăngghen được ngưỡng mộ, kính trọng không chỉ bởi trí tuệ của một nhà bác học, lòng dũng cảm, nhiệt huyết của một chiến sĩ cách mạng vĩ đại, mà còn bởi phẩm chất cao cả thể hiện trong tình bạn, tình đồng chí khăng khít, thuỷ chung, cảm động, hiếm có với Các Mác. Tự nhận mình là cây vĩ cầm số 2 bên cạnh Các Mác, còn Các Mác mới chính là cây vĩ cầm số 1, nên mặc dù rất say mê nghiên cứu sáng tạo và say mê hoạt động trong phong trào công nhân, ghét cay ghét đắng nghề thư lại, nhưng Ph.Ăngghen đã chấp nhận làm nhân viên văn phòng của một hãng buôn ở Manchester để có thể giúp đỡ vật chất cho Các Mác, tạo điều kiện cho Các Mác làm việc, sáng tạo.


Sau khi Các Mác qua đời, Ph.Ăngghen đã gác bỏ nhiều dự định riêng của mình, tập trung thời gian, công sức để thực hiện một công việc vô cùng nặng nề, khó khăn mà chỉ Ph.Ăngghen mới có thể làm được là chỉnh lý, biên tập và cho xuất bản quyển II, quyển III Bộ ''Tư bản'' mà Mác để lại còn dưới dạng các bản thảo. Đây là tác phẩm lớn nhất, vĩ đại nhất của Các Mác và chủ nghĩa Mác. Bằng việc làm này, “Ăngghen đã dựng cho người bạn thiên tài của ông một đài kỷ niệm trang nghiêm, trên đó Ăngghen cũng không ngờ là đã khắc luôn cả tên mình bằng những chữ không bao giờ phai mờ được'' như V.I.Lê nin đã nhận xét. Đồng thời, Ph.Ăngghen dành nhiều thời gian, công sức để tuyên truyền cho các tư tưởng của Mác, đấu tranh bảo vệ tư tưởng của Mác trước sự tấn công, xuyên tạc của các lực lượng thù địch.


Nhưng Ph.Ăngghen cũng phê phán, kiên quyết lên án khuynh hướng và những mưu toan biến học thuyết do Các Mác và ông sáng lập trở thành một mớ những công thức giáo điều, cứng đơ, bất biến. Ông đấu tranh không khoan nhượng với những ai coi thường sự tiến bộ của khoa học, những điều kiện mới và những nhu cầu mới của xã hội. Trong trường hợp xuất hiện những sự kiện thực tế mới, khi tình hình thay đổi và cuộc sống đặt ra những vấn đề mới thì Ph.Ăngghen sẵn sàng xem xét lại ngay cả những quan điểm lý luận của chính bản thân mình. Đây thật sự là quan điểm và phong cách của một nhà khoa học, một nhà cách mạng chân chính.


Trái tim của nhà bác học, người thầy lỗi lạc bậc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh Ph.Ăng-ghen đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 5/8/1895. Nói về ông, Lênin đã khẳng định Ăngghen là một “bó đuốc sáng ngời” trong những trí tuệ anh minh, là một “trái tim vĩ đại” trong những trái tim nhân loại.


Mặc dù đã qua đời đến hơn 1 thế kỷ, nhưng đến nay, Phriđrích Ăngghen vẫn luôn là một vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại, một bậc thiên tài trong lịch sử nhân loại. Cùng Mác - Lênin - Hồ Chí Minh, Ăngghen sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, của nhân dân ta và của nhân dân nhiều nước trên thế giới.



TTTL/TTXVN


Cuộc 'tổng diễn tập' của Cách mạng tháng Mười Nga
Cuộc 'tổng diễn tập' của Cách mạng tháng Mười Nga

Nói đến Cách mạng Nga năm 1905, người ta không thể không nhắc đến cuộc tổng bãi công của công nhân Nga trên toàn quốc ngày 26-10 năm đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN