Nhà máy đèn Bờ Hồ 'thắp sáng' Thủ đô ngày giải phóng

Trong khối công việc bộn bề ngày đầu giải phóng, những tưởng việc đảm bảo nguồn điện thắp sáng cho Hà Nội là nhiệm vụ khó khả thi, nhưng các lãnh đạo, công nhân Nhà máy đèn Bờ Hồ đã làm hết sức mình cho Thủ đô bừng sáng ngay từ ngày đầu tiếp quản Thủ đô mùng 10 tháng 10 năm 1954.

Nhà máy đèn Bờ Hồ trên đường F.Garnier. Ảnh tư liệu


Năm nay đã hơn 90 tuổi nhưng ông Trịnh Trọng Thực (nguyên Phó Giám đốc đầu tiên của Nhà máy đèn Bờ Hồ - nay là Tổng công ty Điện lực Hà Nội) còn nhớ khá rõ về những hình ảnh, cảm xúc ấn tượng nhất trong đời, về ngày mùng 10/10 tiếp quản Nhà máy đèn Bờ Hồ, cách đây tròn 60 năm.

Ông Trịnh Trọng Thực kể, sáng 10/10/1954, cả Hà Nội thức dậy sớm trong đó có những người được giao nhiệm vụ tiếp quản Nhà máy đèn Bờ Hồ. Lúc ấy, tại Nhà máy đèn Bờ Hồ, khung cảnh thật ấn tượng. Bên phải là chiếc xe cam nhông của tàn quân Pháp, không cờ. Phía trái xuất hiện đoàn quân ta với cờ đỏ sao vàng từ phố Huế băng qua Tràng Tiền. Bên đường, người dân ngập tràn, tay cầm cờ hoa hô vang các khẩu hiệu: "Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm", "Việt Nam dân chủ cộng hòa muôn năm”…

Trong không khí xúc động tự hào đó, tại Nhà máy đèn Bờ Hồ, Ban tiếp quản đã chính thức ra mắt. Khi ấy, ông Trịnh Trọng Thực được phân công phụ trách kỹ thuật nhà máy (tương đương Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Hà Nội ngày nay), công việc đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn.

Ông Trịnh Trọng Thực (giữa). Ảnh: evn.com.vn


Theo mạch cảm xúc, ông Trịnh Trọng Thực hồi tưởng: Nhà máy đèn Bờ Hồ lúc đó, ngoài các phòng kho, ở giữa sân nhà đèn quay ra Bờ Hồ là nhà máy chia điện và nhà trạm phát điện một chiều 600V cấp cho xe điện. Cả Hà Nội lúc này có hơn 70 trạm biến áp rải rác trên các tuyến phố. Nhìn chung, các thiết bị đều cũ, nát, thường xuyên hỏng hóc, trục trặc do việc bảo trì bảo dưỡng không thường xuyên. Nhận thức được đảm bảo điện cho Thủ đô, cho các cơ quan Chính phủ lúc này là vô cùng quan trọng, cán bộ và công nhân Nhà máy đèn Bờ Hồ hăng say quên mình làm việc, khắc phục khó khăn để giữ vững dòng điện. Hằng ngày, người thì kéo dây, người treo công tơ, thay bóng… miệt mài lao động. Người biết nhiều hướng dẫn người biết ít về chuyên môn, kỹ thuật, thời gian làm việc không kể ngày đêm, sớm tối... Nhờ vậy, dòng điện luôn được đảm bảo ở Thủ đô và một số vùng xung quanh ngay từ ngày mùng 10/10.

Ghi nhận nỗ lực làm việc nhiệt huyết, chuyên cần, đảm bảo điện cho Thủ đô cũng như các cơ quan của Chính phủ, ngày 21/12/1954 Bác Hồ đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy đèn Bờ Hồ. Ông Thực là một trong những người thuộc Ban lãnh đạo nhà máy trực tiếp đón Bác. Nhắc lại sự kiện này, ông Thực không giấu được cảm xúc: Nghe Bác nói “Nhà máy này bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô các chú, các cô các chú là chủ phải biết giữ gìn nhà máy và làm cho nó phát triển hơn nữa”, khi ấy tim tôi rung lên vì xúc động, xen lẫn tự hào khi được nghe từ "là chủ" từ giọng nói ấm áp, thân thiện của Người.

Nhân dân Hà Nội mừng đón đoàn quân giải phóng ngày 10/10/1954 . Ảnh: TTXVN


Chính những lời huấn thị của Bác đã tiếp thêm sức mạnh cho lãnh đạo, công nhân Nhà máy đèn hăng say làm việc. Hết năm 1954, Nhà máy đèn Bờ Hồ có 716 người làm việc, sản xuất được 17,2 triệu kw/h điện thương phẩm, cấp điện cho không chỉ riêng Hà Nội mà còn cấp thêm cho một số tỉnh, thành lân cận.

Những ngày làm việc trong gian khó nhưng đầy tự hào ấy đã giúp người thanh niên 33 tuổi Trịnh Trọng Thực trưởng thành từng ngày. Ông Thực đã được phân công nhiều nhiệm vụ quan trọng trong Nhà máy đèn Bờ Hồ cũng như tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam, dù ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Với riêng ông Trịnh Trọng Thực, trong cả cuộc đời gắn bó với cách mạng, thời gian ông thực hiện nhiệm vụ tiếp quản Nhà máy đèn Bờ Hồ và thời khắc lịch sử mùng 10 tháng 10 năm 1954 được xem là ấn tượng hơn cả. Đó không chỉ như một kỷ niệm mà còn là niềm tự hào của những người làm chủ Thủ đô, làm chủ đất nước, góp phần công sức nhỏ bé, đảm bảo dòng điện thắp sáng Thủ đô ngay từ ngày đầu giải phóng.


Mạnh Khánh
Hà Nội và những cây cầu - Kỳ 1: Những “biểu tượng” trên sông
Hà Nội và những cây cầu - Kỳ 1: Những “biểu tượng” trên sông

“… Cho đến ngày hôm nay, trừ cây cầu Long Biên... đã gần như hoàn thành sứ mạng giao thông vĩ đại của mình qua suốt hơn một thế kỷ, để trở thành một di sản văn hóa, thì hầu như các cây cầu mới đã làm và đang làm...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN