Bắc Giang bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ các sản phẩm chủ lực, đặc trưng

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, tỉnh quan tâm thực hiện chiến lược sở hữu trí tuệ, chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn, phấn đấu đến năm 2025 Bắc Giang thuộc nhóm các tỉnh nằm trong tốp 15 của cả nước về bảo hộ, khai thác quyền sở hữu trí tuệ.

Chú thích ảnh
Sản phẩm mỳ của Hợp tác xã mỳ chũ Thuận Hương (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) đang làm các thủ tục đăng ký nhãn hiệu về sở hữu trí tuệ. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN 

Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tập trung nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về tạo lập, quản lý, khai thác, phát triển và bảo vệ giá trị tài sản trí tuệ đối với quyền sở hữu công nghiệp; quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả; quyền đối với giống cây trồng. Bên cạnh đó, tỉnh gia tăng cả về số lượng và chất lượng đối với tài sản trí tuệ của tổ chức, cá nhân; khai thác hiệu quả các nhãn hiệu đã được bảo hộ trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Từ nay đến năm 2025, tỉnh Bắc Giang phấn đấu đạt mục tiêu: Tài sản trí tuệ của các tổ chức, cá nhân trong tỉnh gia tăng về số lượng văn bằng được bảo hộ trong nước và nước ngoài. Trong đó, đối với quyền sở hữu công nghiệp: Có 1 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ mới tại nước ngoài; 2 - 3 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ mới trong nước; 3 - 4 nhãn hiệu chứng nhận mới được bảo hộ trong nước; 15 - 25 nhãn hiệu tập thể được bảo hộ mới trong nước; 1 - 2 sáng chế/giải pháp hữu ích được cấp văn bằng độc quyền; có 5 - 7 kiểu dáng công nghiệp được cấp Giấy chứng nhận. Số đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp tăng 9-10%/năm.

Tỉnh gia tăng số lượng sáng chế/giải pháp hữu ích, giống cây trồng, quyền tác giả được thương mại hóa; có ít nhất 2 sáng chế/giải pháp hữu ích, 2 giống cây trồng, 8 bản quyền tác giả được thương mại hóa.

Để đạt mục tiêu, tỉnh Bắc Giang tạo điều kiện thành lập các tổ chức trung gian, đại diện, tư vấn về sở hữu trí tuệ; từng bước hình thành thị trường dịch vụ về giám định sở hữu trí tuệ, dịch vụ tư vấn về quản lý, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Tỉnh khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, chủ sở hữu các sản phẩm – tài sản trí tuệ của tỉnh tham gia Sàn Giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến của Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang (miễn phí) và các sàn giao dịch thương mại - công nghệ khác để chuyển giao, thương mại hóa ý tưởng, bí quyết, công nghệ, sản phẩm… phục vụ sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm theo chuỗi, quan tâm gắn việc đăng ký bảo hộ với thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kết nối giao thương và tìm kiếm thị trường tiêu thụ; áp dụng đồng bộ các giải pháp từ giống, sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ, quảng bá các sản phẩm của địa phương. Tỉnh chú trọng tìm kiếm, nghiên cứu, đầu tư công nghệ bảo quản - chế biến cho các sản phẩm nông nghiệp như vải thiều, na, quả có múi, rau các loại, khoai tây, thịt gà, thịt lợn… nhằm kéo dài thời gian tiêu thụ, đa dạng hóa và gia tăng giá trị sản phẩm của địa phương.

Cùng đó, tỉnh xây dựng chuỗi cửa hàng trưng bày, giới thiệu quảng bá các sản phẩm đã được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, sản phẩm OCOP tại thành phố Bắc Giang, các huyện Sơn Động, Yên Dũng, Yên Thế và Việt Yên. Tỉnh tập trung giữ vững và sử dụng có hiệu quả thương hiệu các sản phẩm đã bảo hộ; rà soát, lựa chọn sản phẩm tiềm năng để đầu tư khoa học kỹ thuật nhằm tạo sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn, chất lượng, để nâng cấp lên mức độ bảo hộ cao hơn nhằm phát huy tối đa lợi thế của nhãn hiệu sản phẩm; lựa chọn một số mô hình điểm, tiêu biểu về tạo lập, quản lý, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh để tập trung tuyên truyền, quảng bá và nhân rộng.

Ngoài ra, tỉnh khai thác tối đa sự hỗ trợ của Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc thực hiện đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho Vải thiều Lục Ngạn tại Trung Quốc. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thị trường tiêu thụ, tỉnh tiếp tục thực hiện bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho một số sản phẩm có giá trị thương mại cao tại thị trường châu Á, EU và Mỹ…

Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Bắc Giang đã quan tâm đến xây dựng thương hiệu và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của địa phương. Đến nay, Bắc Giang đã tổ chức trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu trong nước và nước ngoài cho một số sản phẩm nông sản của tỉnh như mỳ Chũ, mỳ Kế, gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn, bưởi Hiệp Hòa, chè Yên Thế, rau sạch Yên Dũng, vú sữa Tân Yên.

Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang đã trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Phát triển sản phẩm vải thiều hướng tới đạt tiêu chí sản phẩm quốc gia”; phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện dự án đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản cho vải thiều Lục Ngạn. Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2014-2020.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 2.288 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp 1.180 Giấy chứng nhận, trong đó có 3 chỉ dẫn địa lý, 4 nhãn hiệu chứng nhận và 61 nhãn hiệu tập thể, còn lại là nhãn hiệu thông thường. Tỉnh có 3 bằng độc quyền sáng chế; 13 giải pháp hữu ích; 54 kiểu dáng công nghiệp được cấp văn bằng, nhờ đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh, làm tăng danh tiếng của sản phẩm, đặc biệt là nông sản chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của tỉnh ở trong nước và nước ngoài; góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn.

Một số sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề của tỉnh đã được bảo hộ như: Chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn, nhãn hiệu chứng nhận gà đồi Yên Thế, nhãn hiệu tập thể rượu Làng Vân, rượu Kiên Thành, mây tre đan Tăng Tiến, gạo nếp Phì Điền, mật ong Lục Ngạn, mỳ Kế, mỳ Chũ, gạo thơm Yên Dũng, vải sớm Phúc Hòa…

Việt Hùng (TTXVN)
Nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice được bảo hộ tại 22 quốc gia
Nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice được bảo hộ tại 22 quốc gia

Ngày 19/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc báo cáo và kiến nghị đối với quản lý sử dụng Nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN