Cà Mau: Mưa dông có xu hướng tăng cả về diện và lượng

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Cà Mau dự báo trong nửa đầu tháng 5/2024 trở đi khả năng xuất hiện mưa dông chuyển mùa trên địa bàn tỉnh. Tình hình mưa dông sẽ có xu hướng tăng lên cả về diện và lượng, nên cần chủ động các biện pháp đề phòng, ứng phó hiệu quả tình hình xảy ra dông, lốc, sét trong những cơn mưa dông.

Chú thích ảnh
Đê biển Tây Cà Mau luôn đặt trong tình trạng báo động mỗi khi bước vào mùa mưa bão. Ảnh tư liệu: Huỳnh Anh/TTXVN

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, từ đầu tháng 5 đến nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã xuất hiện vài cơn mưa chuyển mùa kèm theo dông, sét. Tuy không xảy ra các vụ việc gây thiệt hại lớn nhưng vẫn rình rập nguy cơ xảy ra cháy rừng do sét đánh, mưa dông làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân trong thời gian tới.  Do vậy, việc triển khai các biện pháp ứng phó một cách chủ động, kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thành phố Cà Mau, theo dõi sát diễn biến thời tiết, thiên tai, kịp thời thông tin đến tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân biết, chủ động phòng tránh, ứng phó. Theo đó, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Cà Mau chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn, nhận định, dự báo và cung cấp thông tin kịp thời về tình hình thiên tại trên địa bàn đến các sở, ngành, địa phương phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan thông tin, hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp phòng, chống dông, lốc, sét và gió giật mạnh, tránh để xảy ra thiệt hại. Cùng với việc chỉ đạo thực hiện rà soát, cập nhật lịch thời vụ sản xuất ngư, nông nghiệp, UBND tỉnh yêu cầu khẩn trương rà soát, cập nhật, triển khai phương án ứng phó với tình huống thiên tai cho từng đối tượng, từng vùng sản xuất và hướng dẫn người dân các biện pháp đảm bảo an toàn cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản nuôi theo từng giai đoạn diễn biến của thời tiết.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện đầy đủ, đúng quy định việc đăng ký kê khai sản xuất ban đầu với chính quyền địa phương và thực hiện chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất do thiên tai, dịch bệnh đúng trình tự, thủ tục quy định.

Chú thích ảnh
Mưa lớn kết hợp với triều cường dâng cao được dự báo sẽ còn kéo dài, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân. Ảnh tư liệu: Huỳnh Anh/TTXVN

UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Giao thông vận tải tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố Cà Mau và đơn vị có liên quan tập trung chỉ đạo sửa chữa các tuyến đường sụt lún, hư hỏng; rà soát, lắp đặt các biển cảnh báo đối với các tuyến đường có nguy cơ sạt lở, trơn trượt do mưa dộng gây ra. Sở Y tế tỉnh hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa dịch bệnh và các tác hại khác trong thời gian chuyển mùa, đặc biệt chú trọng đối tượng người già, phụ nữ, trẻ em và học sinh. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp các cơ quan, địa phương và đơn vị có liên quan quản lý chặt chẽ các phương tiện ra vào cửa biển, kiên quyết không để phương tiện không đảm bảo trang thiết bị an toàn, thông tin liên lạc ra biển hoạt động; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu.

Từ đầu năm 2024 đến nay, thiên tai đã gây thiệt hại về tài sản trên địa bàn tỉnh ước tính gần 25 tỷ đồng. Trong đó, có 1 người mất tích, chìm 2 phương tiện; 3 căn nhà bị thiệt hại, hư hỏng; 8 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài 171m... Bên cạnh đó, hạn hán, nắng nóng kéo dài gây nên sạt lở, sụt lún 627 vị trí với tổng chiều dài 16.562m, 513m hành lang đê và làm gia tăng nguy cơ xảy ra cháy rừng, cháy nổ trên địa bàn.

Kim Há (TTXVN)
Nỗ lực bảo vệ hơn 45.670 ha rừng ở Cà Mau trước nguy cơ cháy cao
Nỗ lực bảo vệ hơn 45.670 ha rừng ở Cà Mau trước nguy cơ cháy cao

Ngày 3/5, ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, tình hình thời tiết trên địa bàn còn diễn biến phức tạp, nắng nóng gay gắt kéo dài đã làm toàn bộ diện tích rừng ở U Minh Hạ và rừng cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối bị khô hạn, đứng trước nguy cơ cháy rất cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN