Đắk G’Long quyết liệt quản lý đất đai, bảo vệ rừng

Huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông, đang thực hiện đồng bộ công tác quản lý đất đai, quản lý – bảo vệ rừng gắn với quản lý dân cư, trong bối cảnh huyện vẫn là điểm nóng về dân di cư tự do và tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng.

Chú thích ảnh
Rừng trồng tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông.

Ngổn ngang khó khăn nhìn từ những con số

Huyện Đắk Glong là một huyện nghèo của tỉnh Đắk Nông, toàn huyện có 6/7 đơn vị hành chính cấp xã là xã đặc biệt khó khăn, với 61 thôn, bon, trong đó có 30 bon đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo UBND huyện Đắk G’Long, trong năm 2022, các ngành chức năng của huyện và UBND các xã, các đơn vị chủ rừng đã phối hợp xử lý hơn 250 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Trong đó có hơn 200 vụ phá rừng trái pháp luật, với tổng diện tích rừng gần 44ha; 9 vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật; 17 vụ tàng trữ lâm sản trái pháp luật; và 13 vụ khai thác rừng trái pháp luật.

Chú thích ảnh
Hiện trường một vụ phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép tại xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’long.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, trong 11 tháng của năm 2022, tại Đắk Nông đã xảy ra 440 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp và là tỉnh có số vụ phá rừng đứng thứ tư cả nước. Như vậy, huyện Đắk G’long chiếm hơn 60% tống số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp của cả tỉnh Đắk Nông.

Bên cạnh đó, trong năm 2022, lực lượng chức năng của huyện Đắk G’long tổ chức 28 lượt kiểm tra rừng tại lâm phần 6 đơn vị chủ rừng lớn trên địa bàn, bao gồm: Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Quảng Sơn, Công ty TNHH MTV Đắk N’Tao, Ban quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa, Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk R’Măng, Xí nghiệp lâm nghiệp Đắk Nông. Kết quả, đoàn phát hiện 6 vụ phá rừng trái pháp luật, 31 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp (tổng diện tích gần 11ha).

Đối với lĩnh vực quản lý đất đai, trong năm 2022, Đắk G’Long đã xử phạt vi phạm hành chính 124 trường hợp. Trong đó, huyện đã tiến hành cưỡng chế, thu hồi đất bị lấn, chiếm trái phép tại các xã Đắk Ha, Quảng Sơn với tổng diện tích gần 32ha. Đây là nội dung thực hiện theo Kết luận 840-KL/TU ngày 08/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông và đã góp phần chấn chỉnh việc tuân thủ các quy định pháp luật trong công tác quản lý đất đai, quản lý bảo vệ rừng tại địa phương.

Cũng trong năm 2022, huyện Đắk G’long đã tổ chức kiểm tra thực tế và làm việc với 12 chủ dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn. Qua kiểm tra, huyện đã đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông xem xét, cấp có thẩm quyền kiểm tra, thẩm định, thu hồi các dự án đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp hoạt động không hiệu quả.

Trong đó, thu hồi dự án của 4 công ty : Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Lâm Gia Phát; Công ty TNHH Thịnh An Khương; Công ty TNHH Duy Hòa; Công ty Cổ phần Thiên Sơn.

Đồng thời, đề nghị điều chỉnh, bổ sung 8 dự án nông lâm nghiệp còn lại, bao gồm: Công ty Cổ phần tập đoàn giấy Tân Mai; Công ty TNHH Biển Xanh; Công ty Cổ phần Nông lâm nghiệp Khải Vy; Công ty Cổ phần NLN Trường Thành (2 dự án); Công ty Cổ phần Kỹ nghệ gỗ MDF BISON (Long Việt); Công ty Cổ phần NN-SX-TMDV Hào Quang; và Doanh nghiệp tư nhân Cây Kiểng Đức Minh.

Theo ngành chức năng, việc quản lý, bảo vệ rừng tại hầu hết các dự án nông lâm nghiệp, nhất là các dự án của tư nhân, trên địa bàn huyện thời gian qua đều còn nhiều hạn chế, yếu kém. Nhiều đơn vị chủ rừng không phối hợp với địa phương trong quá trình thực hiện dự án, không đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật liên quan tới quản lý, bảo vệ rừng, quản lý đất đai, cũng như các quy định khác về lâm nghiệp, đất đai, đầu tư. Đây đều là những khó khăn, vướng mắc lớn. Việc giải quyết đòi hỏi phải có sự đồng bộ, quyết liệt của các ngành chức năng và chính quyền các cấp.

Chú thích ảnh
Hiện trường một vụ phá rừng thông cảnh quan ven Quốc lộ 28, đoạn qua xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long.

Một trong những khó khăn lớn nhất của huyện trong quá trình chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý đất đai của huyện Đắk G’long là tình trạng dân di cư không theo quy hoạch (còn gọi là di cư tự do). Mấy năm nay, số hộ dân di cư tự do đến địa phương đã phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sắp xếp dân cư, quy hoạch sử dụng đất, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực trạng này cũng nảy sinh nhiều khó khăn trong quản lý hành chính, dân cư, sử dụng đất, công tác bảo vệ phát triển rừng và môi trường, ổn định đời sống, phát triển sản xuất của địa phương. Thực tế, đa phần các hộ dân di cư tự do đang sinh sống phân tán, chưa được bố trí, sắp xếp ổn định vào các vùng dự án. Trong đó, nhiều hộ sống ở bìa rừng và vùng lõi của rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; tình trạng phát nương làm rẫy, chặt phá rừng lấy đất sản xuất thường xuyên xảy ra.

Bên cạnh đó, đời sống của các hộ dân gặp nhiều khó khăn, phần lớn chưa có hộ khẩu cho nên chưa được hưởng các chính sách an sinh xã hội tối thiểu; các hộ dân di cư tự do thường đi thành từng nhóm nhỏ, vào thăm người thân, ở tá túc với người đã tới trước, sau đó dựng nhà tạm và tiếp tục đưa cả gia đình vào sinh sống, lập làng tương đối phổ biến. Thêm nữa, các hộ di cư tự do thường sống theo các nhóm hộ, có cùng dân tộc, huyết thống, đến định cư tại các vùng riêng lẻ trong rừng, dưới các thung lũng, dọc khe suối và ít có mối tương tác với bên ngoài. Đời sống của họ chồng chất khó khăn, từ thiếu đất ở, đất sản xuất, thiếu nước sạch, điện sinh hoạt, đến nơi ở tạm bợ, không ổn định; tỷ lệ đói nghèo cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh trật tự,... Hiện toàn huyện Đắk G’long còn hơn 500 hộ dân di cư tự do, với gần 3.200 nhân khẩu, cần được sắp xếp chỗ ở ổn định.

Quyết liệt các giải pháp

Thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông, huyện Đắk G’long đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, quản lý bảo vệ rừng gắn với ổn định dân cư. Huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã củng cố hồ sơ và xử phạt vi phạm hành chính hàng trăm trường hợp lấn chiếm đất đai trái pháp luật ven Quốc lộ 28, đoạn qua hai xã Quảng Sơn, Đắk Ha. Đồng thời tiến hành cưỡng chế, thu hồi đất và giao lại cho đơn vị chủ rừng là Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Quảng Sơn tiến hành ngay việc trồng, khôi phục và phát triển rừng.

Bên cạnh đó, Đắk G’long cũng thực hiện việc thu hồi đất đối với các trường hợp của ông Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Thanh Phong với tổng diện tích hơn 50ha. Đây là hai trường hợp được xác định phải thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai. Việc xử lý hai trường hợp này thể hiện quyết tâm của Đắk G’Long trong chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, thể hiện rõ quan điểm “không có vùng cấm”.

Đối với việc quản lý đất đai, xây dựng tại khu vực hồ Tà Đùng (thuộc địa giới hành chính xã Đắk Som, huyện Đắk G’long), UBND huyện việc thành lập tổ công tác hỗ trợ quản lý việc xây dựng, đất đai, quản lý, bảo vệ rừng, quản lý dân cư và hoạt động tàu thuyền, nhà bè tại khu vực Tà Đùng, xã Đăk Som và bon B’Dơng (thôn 9) xã Quảng Khê, huyện Đăk G’long do đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện làm Tổ trưởng.

Đồng thời, thành lập Tổ rà soát hiện trạng đất, tài sản trên đất thuộc phạm vi hành lang an toàn giao thông đường bộ dọc Quốc lộ 28 thuộc địa phận xã Quảng Khê và xã Đắk Som. Hiện nay, 2 tổ công tác này đang thường xuyên tuần tra, rà soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về đất đai; xây dựng, lâm nghiệp; giao thông…. trên địa bàn 2 xã Đắk Som và xã Quảng Khê.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng của huyện phối hợp với Ban quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng quyết liệt thực hiện việc giữ nguyên hiện trạng, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xây dựng, lấn, chiếm đất trái phép tại khu vực Tà Đùng, xã Đắk Som.

Chú thích ảnh
Bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng là một ưu tiên của huyện Đắk G’long trong quá trình phát triển kinh tế xã hội.

Theo ông Nguyễn Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk G’Long, nhằm phát huy các kết quả đã đạt được trong năm 2022, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trong công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý đất đai; trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp trọng tâm, đồng bộ.

Trong đó, huyện ưu tiên tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý đất đai, quản lý dân cư đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân được biết để triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Chỉ đạo các cơ quan chức năng, chuyên môn ban hành, tham mưu ban hành các văn bản, chỉ thị nhằm cụ thể hoá những chủ trương của Đảng, Chính sách pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, quản lý đất đai phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Bên cạnh đó, giao các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, các đơn vị chủ rừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ký cam kết, phát tờ rơi trong lĩnh vực cuản lý bảo vệ rừng, cuản lý lâm sản, phòng cháy chữa cháy rừng và phát triển rừng trên địa bàn huyện.

Đắk G’long cũng xác định sẽ đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị Quyết số 11-NQ/TU ngày 06/5/2013 của Tỉnh ủy tỉnh Đắk Nông về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Cụ thể hóa các nội dung bằng việc chỉ đạo các Hạt kiểm lâm, Công an huyện… tập trung thống kê, điều tra, triệt phá những “đầu nậu” phá rừng, chủ đường dây buôn bán lâm sản trái pháp luật. Giao các cơ quan chức năng rà soát, xử lý dứt điểm các vụ vi phạm còn tồn đọng, kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm Luật bảo vệ, phát triển rừng, Luật đất đai… Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với các hành vi vi phạm trên các lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, quản lý đất đai, qua đó chấn chỉnh các hành vi vi phạm để răn đe và có biện pháp ngăn chặn kịp thời, ...

Hưng Thịnh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN