Đổi thay trên đất Tả Phìn

Tả Phìn là xã vùng cao thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, hơn 10 năm trở lại đây nhờ biết kết hợp đầu tư phát triển kinh tế với phát triển du lịch cộng đồng, đã tạo việc làm và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Xóa đói, giảm nghèo

Vào trung tâm xã Tả Phìn, những gian hàng kinh doanh đồ lưu niệm dân tộc truyền thống, quán ăn và các cửa hàng phục vụ tắm nước thuốc... mọc lên hai bên đường, nhộn nhịp và tấp nập. Tiếng mời chào, chèo kéo của người dân làm du lịch khi đón khách đến, nghe rộn rã, huyên náo.

Nhờ cuộc sống người dân được nâng lên nên phụ huynh quan tâm tới việc học của con cái.



Trụ sở xã ngày làm việc vắng tanh, thi thoảng mới có người đến liên hệ công việc. Ông Bí thư Đảng ủy xã Tả Phìn Lý Phù Siệu, người dân tộc Dao nói chuyện rất chân chất, thật thà và nắm rất chắc tình hình của xã. Ông Siệu cho biết: “Hiện xã Tả Phìn có 6 thôn bản, trên 3 nghìn người sinh sống, chủ yếu là người Mông và người Dao.

Hơn 10 năm về trước, xã Tả Phìn là xã thuần nông, người dân chủ yếu sống dựa vào những mảnh ruộng nước nhỏ gieo cấy một vụ, do không đầu tư phân bón, kỹ thuật và giống địa phương nên năng suất chỉ đạt 18 tạ/ha. Cả xã có tới hơn nửa số hộ thuộc diện nghèo đói, kinh tế tự cung tự cấp, các cháu học lên cấp ba chỉ đếm trên đầu ngón tay, đời sống của bà con rất khó khăn. Tôi tự hỏi bao giờ người dân mới hết khổ, nhưng bây giờ thấy bà con sung túc hơn, no ấm hơn thì mình vui sướng lắm”.

Bí thư Đảng ủy xã cho chúng tôi biết giờ Tả Phìn chỉ còn 19% số hộ thuộc diện nghèo đói, 20 ngôi nhà tạm, đời sống của đa số người dân được nâng lên rất nhiều. Tả Phìn có được những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm về an ninh trật tự, ngoài việc được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư thì nhân dân đã ý thức vươn lên làm kinh tế. Cả xã hiện có 183 ha ruộng, năng suất đạt khoảng 45 tạ/ha, ngoài ra bà con đã biết phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để giới thiệu và kinh doanh theo mô hình du lịch cộng đồng, phục vụ ăn nghỉ tại chỗ. Đặc biệt, hơn mười năm trở lại đây, người dân đã biết nhân rộng mô hình trồng hoa địa lan, bán với giá cao thu lời rất lớn, nhiều gia đình khá giả nhờ trồng địa lan.

Ông Lý Phù Nhàn, 61 tuổi, dân tộc Dao ở thôn Tả Chải là một gương điển hình trồng và chăm sóc hoa địa lan có hiệu quả kinh tế. Mới đầu, ông Nhàn đi rừng và thấy cây lan nở bông đẹp nên mang về chơi cảnh, nhưng thấy khách vào mua với giá cao nên ông đã nhân rộng chậu ra ngày một nhiều để bán. Có thời điểm, khách vào mua một cành hoa là 500 nghìn đồng, ông Nhàn cứ việc ngồi đếm cành trong chậu để tính tiền, bây giờ nhiều người trồng và giá không ổn định nên lợi nhuận có phần giảm so với trước. Ông Nhàn cho biết: “Trước gia đình rất khó khăn, nhờ trồng và bán cây địa lan nên kinh tế gia đình giờ đây rất tốt. Mỗi năm trừ chi phí thì gia đình cũng thu về khoảng 100 triệu đồng. Mấy năm gần đây cây lan gặp bệnh lạ, thối gốc nên mất mùa lan. Các anh xem có cách nào giúp người dân chúng tôi với, chứ không có cây lan thì bà con sẽ nghèo đói mất”.

“Cây lúa cho người dân no cái bụng, cây địa lan giúp bà con thoát nghèo, còn phát triển du lịch cộng đồng là cơ hội để người dân làm giàu”, việc ông Bí thư Đảng ủy xã đánh giá như vậy là có cái lý của nó. Nằm cách khu du lịch Sa Pa khoảng 12 km, có đường nhựa vào đến tận xã, bà con vẫn giữ được những bản sắc văn hóa truyền thống nên được khách du lịch yêu thích. Từ năm 2004, người dân bắt đầu biết làm du lịch, 8 gia đình trong xã đã đầu tư làm nhà phục vụ nghỉ và ăn các món ăn dân tộc theo yêu cầu, chất lượng và giá cả hợp lý. Xã Tả Phìn có 10 cô gái trẻ được đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch để đón tiếp, hướng dẫn khách có bài bản, hiệu quả nhất. Đồng thời, bà con tận dụng nguồn thảo dược tự nhiên lấy từ rừng để phục vụ khách đến tắm thuốc người Dao. Xã Tả Phìn là điểm có cơ sở tắm lá thuốc đầu tiên ở Sa Pa, được khách rất yêu thích và người đến tắm ngày một đông.

Từ việc kinh tế được nâng lên, người dân cũng quan tâm đến việc học hành của con cái, số lượng học sinh đến trường tăng, học sinh bỏ học rất ít. Thầy Hà Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tả Phìn cho biết: “Mấy năm gần đây, chính quyền và nhân dân rất quan tâm để cho con em đi học, nhiều phụ huynh thường xuyên đến gặp thầy cô giáo hỏi han, trao đổi nhằm nâng cao chất lượng học của con em mình. Vì vậy, năm học 2013 - 2014 học sinh khá, giỏi đạt 50%, còn lại là trung bình, không có học sinh ở lại lớp, cơ sở vật chất nhà trường đáp ứng tốt cho công tác dạy và học”.

Đầu tư đồng bộ

Năm 2011, xã Tả Phìn bắt đầu thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), nhưng đến thời điểm này mới đạt 7/19 tiêu chí. Để chương trình xây dựng NTM ở xã Tả Phìn về đích thì các cấp chính quyền cần quan tâm, đầu tư đồng bộ, khai thác các các thế mạnh nhằm tạo lực để phát triển hiệu quả hơn.

Ông Lý Phù Siệu mong rằng chính quyền huyện Sa Pa nhanh chóng đầu tư khai thác hang động Tả Phìn để thu hút lượng khách lớn hơn đến tham quan. Tuyến đường dài khoảng 6 km vào đến xã làm từ năm 1994, giờ đã xuống cấp và hẹp 2,5 m nên phương tiện giao thông ra, vào xã gặp không ít khó khăn, cần được đầu tư xây dựng mới. Ông Siệu cho biết, nhiều lần chính quyền cấp trên bảo sẽ đầu tư và làm con đường này nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy thực hiện.

Điều băn khoăn không nhỏ đối với xã Tả Phìn đó là sợ đến năm 2015 sẽ không nằm trong diện 135, đồng nghĩa với việc người dân không được hỗ trợ về đời sống, các cháu tới trường khó khăn hơn, cơ sở vật chất của xã không được đầu tư... Bí thư Siệu nói “không được hưởng nguồn 135 thì xã Tả Phìn sẽ gay go lắm”. Việc nâng cao nhận thức của người dân làm du lịch cũng cần được quan tâm, vì bà con kinh doanh không có bài bản, còn tự phát. Khách đến tham quan du lịch, mọi người ùa ra chèo kéo khiến khách khó chịu và mất đi mỹ quan văn hóa. Vì vậy, cần tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nghiệp vụ cho người dân làm du lịch sao cho hiệu quả kinh tế, vui lòng người khi đến Tả Phìn.

Bài và ảnh: Việt Hoàng

Du lịch Sa Pa chưa đồng bộ với giao thông
Du lịch Sa Pa chưa đồng bộ với giao thông

Theo UBND tỉnh Lào Cai, tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đem đến lợi thế lớn để ngành du lịch Lào Cai, đặc biệt là Sa Pa phát triển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN