'Đòn bẩy' hướng đến giảm nghèo bền vững - Bài 1: Giảm nghèo nhờ xuất khẩu lao động

Xác định công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (xuất khẩu lao động) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy khởi nghiệp, đồng thời là “đòn bẩy” tạo động lực để các gia đình vươn lên thoát nghèo, tỉnh Vĩnh Long nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ thiết thực.

Đặc biệt, tỉnh đã ban hành và triển khai hiệu quả chỉ thị về đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động và nghị quyết về chính sách cho vay vốn hỗ trợ xuất khẩu lao động - Đây được xem là tiền đề, cơ sở quan trọng tạo bước đột phá cho công tác này. Qua hơn 5 năm thực hiện, tỉnh đã huy động được sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của người dân, đưa công tác xuất khẩu lao động đạt nhiều kết quả tích cực.

Chú thích ảnh
Căn nhà khang trang của anh Phạm Chí Thông (xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình) được xây dựng nguồn từ tích lũy sau thời gian đi xuất khẩu lao động.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện hai bài viết nêu lên những hiệu quả trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động, nỗ lực của tỉnh Vĩnh Long để thúc đẩy công tác này, nhất là sẵn sàng nguồn nhân lực nhằm phục hồi sau thời gian dài gián đoạn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Bài 1: Giảm nghèo nhờ xuất khẩu lao động

Chỉ thị số 08-CT/TU về đẩy mạnh xuất khẩu lao động của tỉnh Vĩnh Long ra đời vào năm 2016 cùng nhiều chính sách ưu đãi được ban hành ngay sau đó tạo thuận lợi cho lao động địa phương tham gia làm việc ở nước ngoài từng bước nâng cao tay nghề, có thêm thu nhập. Sau hơn 5 năm triển khai, toàn tỉnh có trên 6.370 người đi lao động ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Qua đó đã mang lại cơ hội việc làm với nguồn thu nhập cao cho người lao động, là “đòn bẩy” giúp nhiều gia đình vượt qua khó khăn, tạo đà cho việc giảm nghèo bền vững.

Xóm làng “thay áo mới”

Xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn là một trong những địa phương có số người tham gia xuất khẩu lao động khá cao của tỉnh. Những năm qua, nhiều thanh niên địa phương đã tích cực tham gia lao động ở nước ngoài, tích góp và gửi tiền về giúp gia đình trang trải cuộc sống, nhờ đó từ những gia đình khó khăn, nhiều hộ vươn lên khá giả. Những căn nhà mới kiên cố được xây dựng từ nguồn thu nhập có được do xuất khẩu lao động, đua nhau mọc lên, góp phần thay đổi diện mạo làng quê từng một thời gian khó.

Đến tham quan căn nhà mới khang trang của ông Nguyễn Minh Quang ở xã Vĩnh Xuân, chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui của gia đình khi đã bước qua giai đoạn khó khăn. Hơn ba năm nước, trong lúc đang chật vật do chăn nuôi thua lỗ, hai con gái của ông lần lượt quyết định tham gia xuất khẩu lao động để chia sẻ gánh nặng với gia đình.

Ông Nguyễn Minh Quang cho biết, đi làm một thời gian, các cháu đã gom góp được một số vốn gửi về phụ cha mẹ trả số tiền vay ban đầu. Sau đó, các cháu tiếp tục phụ giúp thêm một khoản tiền để xây căn nhà mới. Có được căn nhà kiên cố, gia đình rất phấn khởi, các con làm việc ở xa cũng yên tâm hơn.

Tại xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, qua công tác vận động tuyên truyền, các hộ dân tích cực cho con tham gia xuất khẩu lao động. Nhiều gia đình đã “đổi đời” khi con có việc làm ổn định, gửi tiền về giúp phát triển kinh tế.

Từng tham gia xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc 10 năm, giờ đây, anh Phạm Chí Thông, ngụ xã Mỹ Lộc, đã giúp mẹ có điều kiện sống tốt hơn, yên tâm trong căn nhà kiên cố, khang trang.

Anh Thông cho biết, làm việc ở nước ngoài ban đầu cũng gặp nhiều trở ngại do chưa quen tiếng, tác phong làm việc nhưng sau một thời gian anh quen dần. Nhận thấy mức lương làm việc khá cao, công việc vừa sức nên anh nỗ lực làm việc, tiết kiệm để tích góp cho bản thân. Sau hơn 10 năm tham gia lao động ở Hàn Quốc, giờ đây, anh đã có một khoản vốn kha khá, giúp gia đình cải thiện cuộc sống. Hiện nay, với kinh nghiệm và số vốn tích lũy được, anh Phạm Chí Thông vừa chăm lo cho gia đình vừa tiếp tục tham gia tư vấn, hỗ trợ các bạn trẻ có nhu cầu xuất khẩu lao động tại một công ty ở thành phố Cần Thơ.

Còn với ông Nguyễn Văn Phong, ngụ xã Mỹ Lộc, việc con ông tham gia xuất khẩu lao động chính là “bước ngoặt” giúp gia đình vươn lên thoát nghèo. Ông Phong cho biết, trước đây, gia đình còn khó khăn phải ở trong căn nhà lá chật hẹp, thu nhập từ công việc làm thuê của ông và vợ chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Biết đến chương trình xuất khẩu lao động, con ông quyết định đăng ký tham gia để tìm cơ hội việc làm với mức thu nhập cao nhằm giúp đỡ gia đình và lo cho tương lai.

Sau hơn 5 năm làm việc, không chỉ tích lũy kinh nghiệm và có số vốn cho bản thân, con trai ông đã giúp cha mẹ sớm trả được số tiền vay, xây dựng căn nhà mới. Với sự hỗ trợ của con và nỗ lực của bản thân, hiện nay, ông Phong không chỉ thoát nghèo mà còn có điều kiện vươn lên trở thành hộ khá ở địa phương.

Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lộc Nguyễn Văn Năm cho hay, nhờ chính sách hỗ trợ vay vốn, nhiều gia đình có điều kiện cho con tham gia xuất khẩu lao động, từ đó góp phần thoát nghèo nên người dân rất phấn khởi, đồng thuận.

Những gia đình có con xuất khẩu lao động, gửi tiền về để trả nợ, xây nhà, khi về nước có việc làm ổn định đã trở thành điểm sáng và tạo niềm tin cho nhiều hộ khác cùng tích cực tham gia, đóng góp cho công tác giảm nghèo ở địa phương. 

Hiệu quả những chính sách thiết thực

Hơn 5 năm qua, thực hiện Chỉ thị số 08 về đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động và chính sách ưu đãi về xuất khẩu lao động, Vĩnh Long đã huy động sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của người dân, đưa công tác này đạt nhiều kết quả tích cực. Toàn tỉnh có hơn 6.370 người tham gia xuất khẩu lao động (tính từ 2016 đến 30/6/2021) ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…

Đặc biệt, chính sách vay vốn hỗ trợ xuất khẩu lao động với lãi suất thấp đã tạo điều kiện cho nhiều lao động ở địa phương tham gia tìm kiếm cơ hội việc làm với mức thu nhập cao ở các nước. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ hơn 1.360 trường hợp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách và hộ có nhu cầu được vay vốn với lãi suất ưu đãi để tham gia xuất khẩu lao động.

Theo ông Nguyễn Minh Quang, ngụ xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, với mức thu nhập của gia đình, ông không thể trang trải khoản chi phí thực hiện thủ tục tham gia xuất khẩu lao động cho các con. Nhờ địa phương hỗ trợ, ông được vay vốn từ chương trình cho vay xuất khẩu lao động với lãi suất thấp nên các con ông mới có thể sớm hoàn thành thủ tục để đi làm như mong muốn.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trà Ôn Trương Kế Truyền cho biết, nhằm tạo điều kiện để thanh niên địa phương tiếp cận công tác xuất khẩu lao động, thời gian qua, huyện thành lập Ban chỉ đạo triển khai các chính sách về xuất khẩu lao động, giao chỉ tiêu cho từng địa phương để thực hiện quyết liệt và đồng bộ hơn.

Huyện kết hợp với các doanh nghiệp thường xuyên tổ chức hội thảo, gặp gỡ đối thoại và cung cấp thông tin về thị trường lao động tốt, phù hợp năng lực, sở trường của người lao động, đồng thời triển khai chính sách hỗ trợ vay vốn của địa phương để người lao động tiếp cận. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, 5 năm qua, địa bàn huyện có 1.137 người đi nước ngoài làm việc; hơn 330 trường hợp được vay vốn tham gia xuất khẩu lao động, đến nay chưa có trường hợp nợ quá hạn.

Ông Trương Kế Truyền cho rằng, chỉ thị về đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động và chính sách vay vốn là tiền đề để địa phương huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia công tác này. Đặc biệt, trong tình hình địa phương còn nhiều hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đang có nhu cầu cho con em tham gia xuất khẩu lao động, chính sách cho vay vốn không chỉ tạo điều kiện để người lao động có vốn thực hiện thủ tục cần thiết mà còn thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của địa phương, giúp người dân tin tưởng vào chính sách của Nhà nước, tích cực hưởng ứng, động viên người thân thực hiện tốt quy định trong quá trình làm việc ở nước ngoài.

Theo ông Trương Thanh Hà, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội -Chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, chính sách cho vay hỗ trợ xuất khẩu lao động đã phát huy hiệu quả. Các hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách của tỉnh được vay vốn không phải thế chấp tài sản, lãi suất ưu đãi, được miễn một số lệ phí làm thủ tục đi xuất khẩu lao động. Điều đáng mừng, nhiều lao động sau khi có việc làm đã gửi tiền về trả nợ đúng hạn, giúp gia đình phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Thời gian tới, Ngân hàng tiếp tục phối hợp thực hiện tốt công tác hỗ trợ vay vốn để đi xuất khẩu lao động, tạo điều kiện cho người lao động sớm hoàn thành thủ tục cần thiết tham gia thị trường lao động, có việc làm và thu nhập ổn định.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long, hơn 5 năm qua, với sự vào cuộc của các ngành, địa phương và đoàn thể, công tác xuất khẩu lao động đã mang lại hiệu quả ngoài mong đợi. Số lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài tăng qua từng năm, trong đó, năm 2019 đạt trên 1.715 lao động (tăng hơn gấp đôi so với năm 2016). Riêng năm 2020 và 2021, do tác động của dịch COVID-19, công tác này đang tạm thời bị gián đoạn. Hiện nay, địa phương đang tích cực triển khai các giải pháp tuyên truyền, dự nguồn tại chỗ, sẵn sàng lực lượng để có thể tham gia ngay khi thị trường lao động các nước mở cửa trở lại, phấn đấu đạt 1.700 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long Huỳnh Thị Mỹ Hà khẳng định, khi các chính sách phát huy tác dụng đã tạo cơ hội cho xuất khẩu lao động đạt được bước tiến quan trọng. Xuất khẩu lao động giờ đây không chỉ là kênh giải quyết việc làm, nâng cao tay nghề và tác phong làm việc cho lực lượng lao động trẻ mà còn góp phần giảm nghèo bền vững. Thực tế cho thấy, thông qua xuất khẩu lao động, nhiều thanh niên của tỉnh có cơ hội làm việc, nâng cao tay nghề cũng như thu nhập, góp phần giúp gia đình nhanh chóng vượt qua khó khăn, vươn lên trở thành hộ khá, giàu. Những thanh niên xuất khẩu lao động sau khi trở về nước có việc làm ổn định hoặc có vốn khởi nghiệp đang là kênh tuyên truyền hiệu quả để thanh niên địa phương có động lực tham gia, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả và chất lượng công tác này.

Bài 2: Nắm chắc thời cơ, phục hồi xuất khẩu lao động

Lê Thúy Hằng (TTXVN)
Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu lao động trong đại dịch COVID-19
Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu lao động trong đại dịch COVID-19

Từ nhiều năm nay, xuất khẩu lao động trở thành một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, dịch COVID-19 kéo dài khiến hoạt động xuất khẩu lao động trong hai năm qua gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN