Kết nối, quảng bá tiêu thụ, xuất khẩu nông sản giữa Cần Thơ và Lạng Sơn

Ngày 18/7, Sở Công Thương thành phố Cần Thơ có buổi làm việc với Đoàn công tác của Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn về việc kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của hai địa phương cũng như xuất khẩu nông sản của thành phố Cần Thơ qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi làm việc. 

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Đình Đại cho biết, Lạng Sơn có 230 km đường biên giới với Trung Quốc, giáp với tỉnh Quảng Tây ở phía bên kia. Với 12 cửa khẩu; trong đó, có 2 cửa khẩu quốc tế là Hữu Nghị và Tân Thanh, cửa khẩu quốc gia Chi Ma và 9 cửa khẩu phụ, tỉnh có thế mạnh trong phát triển kinh tế cửa khẩu, phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa với Trung Quốc. Trong cơ cấu kinh tế của Lạng Sơn, thương mại chiếm đến hơn 50%.

Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, trong thời gian dịch COVID-19, phía Trung Quốc thắt chặt kiểm soát các cửa khẩu để phòng chống dịch nên gần như các cửa khẩu ở khu vực biên giới phía Bắc; trong đó, có các cửa khẩu ở Lạng Sơn bị đóng thường xuyên, việc giao thương gặp nhiều khó khăn. Hàng hóa ùn ứ ở các cửa khẩu phần lớn là các loại nông sản của các tỉnh miền Tây. Việc mắc kẹt ở biên giới khiến hàng hóa hư hỏng, xuống cấp, nhiều xe container phải quay đầu. Điều này cũng gây áp lực cho Lạng Sơn khi lượng hàng đổ về quá nhiều.

Sở Công Thương Lạng Sơn đã thường xuyên liên hệ với các Sở Công Thương các địa phương, đề nghị thông tin đến các doanh nghiệp để điều tiết hàng xuất khẩu lên biên giới một cách hợp lý, tránh hàng hóa đổ về quá nhiều cùng lúc gây ùn tắc, tránh thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.

Cũng theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, việc xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc qua các cửa khẩu dần dần phải hoàn thiện lại. Xu hướng tất yếu là phải sản xuất ra sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật để phục vụ cho xuất khẩu sang các thị trường quốc tế; trong đó, có Trung Quốc; khắc phục tình trạng ùn ứ nông sản vào chính vụ thu hoạch với các mặt hàng được xuất khẩu nhiều như mít, thanh long, dưa hấu…

Chuyến đi lần này của đoàn nhằm kết nối với các tỉnh, thành phố ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, có Cần Thơ trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thủy sản. Lạng Sơn mong muốn kết nối các địa phương có thế mạnh về các mặt hàng này ở miền Tây có thể xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được thuận lợi, có hiệu quả nhất.

Chú thích ảnh
Đoàn công tác Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn tham quan Công ty TNHH Trái cây Mekong (KCN Trà Nóc, TP. Cần Thơ). 

Sở Công Thương Cần Thơ và Lạng Sơn sẽ kết nối, hỗ trợ để tiêu thụ sản phẩm OCOP của hai địa phương thông qua các hội chợ thương mại. Theo ông Vũ Đình Đại, cuối tháng 10/2022, tại Lạng Sơn sẽ diễn ra hội chợ thương mại Việt Nam – Trung Quốc. Sở Công Thương Lạng Sơn mong muốn các doanh nghiệp, thương nhân của thành phố Cần Thơ tham dự để có thể kết nối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoặc các doanh nghiệp của Trung Quốc.

Để có thể đưa hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc thuận lợi trong thời gian tới, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn lưu ý doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất cần quan tâm đến Lệnh 248 “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” được phía Trung Quốc áp dụng từ ngày 1/1/2022, yêu cầu hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc phải đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định. Do đó, nông dân khi canh tác cần chú ý đến quy trình làm ra hàng hóa, đảm bảo các tiêu chuẩn thì mới có thể xuất khẩu được.

Theo Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ Hà Vũ Sơn , 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng GRDP của Cần Thơ đạt hơn 8%, đứng thứ hai ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thế mạnh của thành phố là chế biến gạo và thủy sản. Nửa đầu năm 2022, Cần Thơ xuất khẩu sang Trung Quốc đạt hơn 94 triệu USD với 39 doanh nghiệp tham gia. Các mặt hàng chủ yếu gồm cá tra, trái cây sấy, trái cây đóng lon, dầu cám gạo… Đến nay, Cần Thơ chưa nhận được phản ánh của doanh nghiệp gặp khó khăn khi xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Lãnh đạo Sở Công Thương thành phố Cần Thơ mong muốn sau chuyến công tác của Sở Công Thương Lạng Sơn, các sản phẩm OCOP của thành phố Cần Thơ sẽ có mặt ở Lạng Sơn trong thời gian sớm nhất.

Về phía thành phố Cần Thơ, ông Hà Vũ Sơn cho biết sẽ làm việc với các siêu thị trên địa bàn để trưng bày, giới thiệu sản phẩm của tỉnh Lạng Sơn, đặc biệt là các sản phẩm OCOP để giới thiệu cho người tiêu dùng ở Cần Thơ. Ông Hà Vũ Sơn đề nghị Phòng Quản lý thương mại của hai Sở cùng nhau phối hợp triển khai trong quý III/2022.

Đối với hội chợ thương mại Việt Nam – Trung Quốc sắp diễn ra tại Lạng Sơn, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ giao các đơn vị trực thuộc có văn bản gửi đến các doanh nghiệp có tiềm lực cũng như nhu cầu giới thiệu sản phẩm với khách hàng ở thị trường Trung Quốc.

Sáng cùng ngày, Đoàn công tác của Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đã đến tham quan Công ty TNHH Trái cây Mekong ở Khu công nghiệp Trà Nóc và mô hình trồng thanh nhãn ở Nông trường Sông Hậu.

Tin, ảnh: Thanh Liêm (TTXVN)
Tạo thuận lợi cho sản xuất và tiêu thụ nông sản
Tạo thuận lợi cho sản xuất và tiêu thụ nông sản

6 tháng đầu năm 2022, ngành trồng trọt đã đạt được những bước phát triển khả quan. Dự báo, xuất khẩu gạo và nhiều nông sản chủ lực vẫn lạc quan trong 6 tháng cuối năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN