Xây dựng nông thôn mới ở Tây Ninh - Bài cuối: Hành trình không dừng

Phát huy kết quả đạt được, Tây Ninh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp mang tính đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tỉnh xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, văn minh, nâng cao chất lượng sống cho nông dân và người dân ở nông thôn, mang lại giá trị bền vững cho nông thôn trong giai đoạn mới.

Chú thích ảnh
Học sinh trường Tiểu học Trần Quốc Toản (xã Trường Đông) khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Tạo đột phá mới

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với quan điểm xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, môi trường xanh, sạch, đẹp, đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, từ đặc điểm cụ thể của địa phương, Tây Ninh đề ra nhiều giải pháp cụ thể.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh, để xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại và phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tỉnh thống nhất tập trung triển khai hiệu quả 11 nội dung thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cùng các chương trình chuyên đề.

Cùng với đó, tỉnh nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Tây Ninh xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân, có kiến trúc phù hợp với truyền thống văn hóa, cảnh quan, môi trường, điều kiện thực tế địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, hạ tầng công nghệ thông tin, thương mại, y tế giáo dục, văn hóa, thể thao, cung cấp nước sạch cho người dân.

Chú thích ảnh
Trường Đông là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đầu tiên của tỉnh Tây Ninh vào năm 2020. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến, cuối tháng 7/2022, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2030 tất cả các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong đó, 50% số đơn vị cấp huyện được công nhận nông thôn mới nâng cao. Đến năm 2050, phấn đấu đưa Tây Ninh trở thành tỉnh có nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại sản xuất có hiệu quả và thân thiện với môi trường. Đời sống người dân nông thôn không ngừng được nâng cao, không còn hộ nghèo, trở thành nơi đáng sống, văn minh, sạch đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị.

Thực hiện nhiều mô hình phát triển du lịch nông thôn

Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chương trình xây dựng nông thôn mới được tỉnh Tây Ninh thực hiện ngay trong giai đoạn 2021-2025 nhằm đem lại hiệu quả toàn diện, bền vững, đạt nhiều giá trị tích hợp cho các vùng nông thôn mới ở địa phương. Đây cũng là giải pháp giới thiệu, quảng bá hình ảnh làng quê, gắn với tiêu thụ nông sản, sản phẩm làng nghề. Du lịch nông nghiệp, nông thôn còn tạo sự kích hoạt, thay đổi nếp sống nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được nét riêng, bản sắc của từng địa phương.

Chú thích ảnh
Đàn cò nhạn quý hiếm hơn 1.000 con di cư về Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh). Ảnh tư liệu: Phạm Thanh Tân/TTXVN

Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh cho hay, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch, tỉnh đăng ký thực hiện 7 mô hình tham gia chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đó là xây dựng, phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với sự tham gia trực tiếp của người dân và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên của các địa phương tại huyện Dương Minh Châu; xây dựng, phát triển du lịch sinh thái vườn gắn với cảnh quan thiên nhiên và đặc sản miền quê ở huyện Gò Dầu; du lịch sinh thái Khu Di tích lịch sử Đồng Rùm, huyện Tân Châu; Khu Du lịch sinh thái mãng cầu Bà Đen Tây Ninh, thành phố Tây Ninh; du lịch nghỉ dưỡng nông trang dọc sông Vàm Cỏ Đông” ở thị xã Hòa Thành; du lịch trải nghiệm nông trang ở thị xã Trảng Bàng; xây dựng, phát triển mô hình du lịch nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát và du lịch về nguồn Khu căn cứ cách mạng miền Nam - Trung ương Cục miền Nam, tại huyện Tân Biên.

Ông Nguyễn Văn Sáu (ấp Bình Hòa, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng) - nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương với mô hình trồng dứa kết hợp nuôi cá chia sẻ, ông dự định tiếp tục phát triển sản xuất gắn với tổ chức một số hoạt động du lịch, trải nghiệm, nông nghiệp sinh thái. Ông đang trồng cây ăn quả theo tuyến đường, tạo khung cảnh để vừa làm nông nghiệp vừa hợp phát triển du lịch. Ông mong muốn, sau này, khách đi du lịch từ nước bạn Campuchia về có thể ghé vườn tham quan, ngắm cảnh làng quê với những mô hình nông nghiệp hiệu quả và thưởng thức nhiều đặc sản ẩm thực hấp dẫn.

 Thanh Trà - Thanh Tân (TTXVN)
Xây dựng nông thôn mới ở Tây Ninh - Bài 2: Những miền quê khởi sắc 
Xây dựng nông thôn mới ở Tây Ninh - Bài 2: Những miền quê khởi sắc 

Vươn lên từ xuất phát điểm thấp, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các miền quê tại Tây Ninh đang ngày càng đổi mới, khởi sắc, thực sự là những vùng quê đáng sống trên vùng đất Đông Nam Bộ.   

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN