Xe quá tải quần nát đường giao thông biên giới

Thời gian gần đây, bất kể ngày hay đêm, trời mưa hay trời nắng, những chiếc ô tô tải trọng lớn vẫn thay nhau “cày nát” tuyến đường Pa Tần – Huổi Luông – Pa Nậm Cúm của huyện biên giới Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, khiến cuộc sống của nhiều hộ dân trong khu vực bị đảo lộn. Và mặc dù nắm được thực trạng trên song chính quyền các cấp đều đành “bó tay làm ngơ”.

Những hàng xe phá đường.


Xe phá đường, phá cả giấc ngủ


Có chiều dài trên 24 km, tuyến đường Pa Tần – Huổi Luông – Pa Nậm Cúm được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp V miền núi, tải trọng 13 tấn với tổng số vốn đầu tư trên 52 tỷ đồng. Công trình được thi công từ năm 2012, đến hết năm 2013 thì hoàn thành. Được biết, vì là đường giao thông đặc biệt quan trọng chạy song song với đường biên giới nên các đơn vị đảm nhiệm thi công đã sớm bàn giao kỹ thuật trên tuyến. Tuy nhiên từ tháng 5/2014 đến nay, việc các xe chở hàng nông sản từ Sơn La, Lào Cai sang Lai Châu để xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua lối mở Pô Tô thuộc địa phận xã biên giới Huổi Luông, huyện Phong Thổ đã cày nát hơn 5 km đường từ Pa Nậm Cúm lên xã Huổi Luông.

Con đường méo mó vì xe quá tải.


Vì xe chạy nhộn nhịp ngày đêm nên người dân sống dọc hai bên tuyến đường thường xuyên bị đánh thức khỏi giấc ngủ bởi tiếng động cơ gầm rú lúc dồn số. Ông Lý Dâu Phù, người dân bản Na Sa Phìn, xã Huổi Luông cho biết: Mỗi lần xe chở hàng đi qua là có cảm giác nhà bị rung lắc, đêm không thể ngủ được. Xe qua nhiều còn khiến nền đường phía trước cửa nhà tôi bị lún sâu. Xe máy của gia đình phải có người đẩy đằng sau mới có thể cho vào nhà được. Trẻ con nơi này cũng không dám ra đường vì sợ xe quệt phải…

Có mặt tại thực địa mới thấy hết được mức độ giằng xé mặt đường nghiêm trọng đến mức nào. Những đoàn xe chở nông sản ì ạch, dồn số thả khói để vượt dốc khiến nền đường bị bắn gạt sang hai bên thành những ụ đá và nhựa đen kịt. Qua quan sát, vị trí nào có đoạn đường càng dốc thì độ lún càng cao, càng tạo thành các vệt sâu hoắm, lồi lõm… Theo người dân sinh sống quanh khu vực phản ánh, thời gian gần đây, thay vì các xe ô tô loại 4 chân (mỗi bên xe có 4 bánh) chở 50 – 60 tấn ngô đi qua thì giờ đã chuyển hàng sang các xe nhỏ hơn, nhưng các xe trên đều quá tải.

Đến khu vực lối mở Pô Tô – ngay cạnh vị trí cột mốc 61 (2), thật dễ có thể đếm được hàng chục chiếc ô tô đang nối nhau chờ “thời điểm” xuất hàng…

“Bó tay” với xe quá tải

Được biết, hàng xuất khẩu chủ yếu là ngô, thóc, sắn và đây không phải là năm đầu tiên hiện tượng xe quá tải chạy trên tuyến. Ông Trần Mạnh Dũng, đại diện một doanh nghiệp thi công gói thầu số 8, cũng là gói bị hỏng nặng nhất cho biết, năm 2013 đã phải bỏ ra trên 2 tỷ đồng để sửa chữa 5 km đường.

Một dãy xe đang xếp hàng chờ thời điểm chín muồi.


Năm 2014, do thời điểm chuẩn bị bàn giao trùng đúng mùa xuất khẩu ngô, nên xe quá tải lại chạy và phá đường. Thực tế, xe nào cũng vượt quá tải trọng từ 10 đến 30 tấn. Trung bình mỗi ngày có hàng trăm xe chạy suốt ngày đêm trên tuyến. Ông Dũng cho biết đã nhiều lần đề nghị lực lượng Công an huyện, Đồn biên phòng Huổi Luông cùng phối hợp giúp đỡ để hạn chế tình trạng xe quá tải phá đường nhưng không mấy ăn thua. Theo tính toán của doanh nghiệp thì năm 2014, đơn vị sẽ phải bỏ ra khoảng hơn 3 tỷ đồng để tiếp tục sửa chữa.

Xe quá tải phá đường và gây nguy hiểm cho các phương tiện khác.


Để hạn chế xe chở quá tải trọng, nhiều đơn vị thi công đã dựng cả barrier chắn, cho máy xúc kê đá cỡ lớn ra đường… nhưng những biện pháp này vẫn không thể cản nổi đoàn xe đi qua. Thậm chí, lái xe, phụ xe còn rất manh động khi đơn vị thi công yêu cầu hạ tải hay chở đúng tải để đảm bảo chất lượng công trình. Nhiều lái, phụ xe sẵn sàng động “tay chân” với công nhân làm đường.

Do chưa được bàn giao nên việc tu sửa, khắc phục vẫn thuộc về đơn vị thi công. Tuy nhiên, trách nhiệm hạn chế và xử phạt xe quá khổ, quá tải đi trên tuyến giao thông đặc biệt quan trọng trên phải thuộc về chính quyền và các lực lượng chức năng có liên quan.



Trong khi chờ xử lý tình trạng trên thì ước tính, trung bình mỗi ngày có khoảng hơn 1.000 tấn ngô vẫn được xuất khẩu qua lối mở Pô Tô. Thời điểm này, tại cửa khẩu Ma Lù Thàng, huyện Phong Thổ, vẫn có hơn 50 xe tải loại 4 chân chở nông sản đang chờ bốc xếp sang những xe nhỏ hơn để tiếp tục chuyển hàng lên lối mở…


Bài, ảnh: Quang Duy
Xử lý tận gốc xe quá tải
Xử lý tận gốc xe quá tải

Sau 6 tháng lực lượng liên ngành Giao thông Vận tải - Công an triển khai Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kiểm soát tải trọng xe trên quốc lộ, tình trạng xe ô tô chở quá tải đã có những chuyển biến tích cực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN