Nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam Bộ

Ngày 28/6, tại thành phố Cần Thơ, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và Ngân hàng Chính sách Xã hội đã tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm (2012 - 2016) thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam Bộ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao tặng Bằng khen của Thủ tướng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Đề án.

Phát biểu và chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, nguồn tín dụng chính sách vừa có ý nghĩa kinh tế, chính trị xã hội, ý nghĩa nhân văn sâu sắc, gắn chặt với chính sách giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, vì đây là công cụ của dân, do dân và vì dân. 

Vì vậy, vùng Tây Nam Bộ cần phải nỗ lực thực hiện tín dụng chính sách cho người nghèo hơn nữa khi cả vùng hiện chỉ đạt 28.000 tỷ đồng. Đây là con số rất khiêm tốn, trong khi tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách Xã hội là 157.000 tỷ đồng và cả nước hiện đã có 30 triệu lượt hộ tiếp nhận chương trình nhưng cả vùng chỉ có được 2,4 triệu lượt hộ tiếp cận. 

Phó Thủ tướng đặt ra mục tiêu cho vùng Tây Nam Bộ và Ngân hàng Chính sách Xã hội là trong vòng 3 - 5 năm tới phải cung cấp tín dụng chính sách phủ sóng đến 100% đối tượng được thụ hưởng nếu đủ điều kiện và có nhu cầu sẽ được tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Từ đó, giúp hạn chế và đẩy lùi tình trạng tín dụng phi chính thức, đặc biệt là tín dụng đen ở nông thôn. Bên cạnh đó, vùng Tây Nam bộ cũng phải tìm cách tăng tổng dư nợ, mức bình quân vay vốn và số hộ tham gia vay vốn. 

Để đạt được mục tiêu trên, ngoài việc Chính phủ dành 23.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để cấp bù chênh lệch lãi suất, cấp vốn điều lệ…, Phó Thủ tướng nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại duy trì và tăng tiền gửi vốn vào Ngân hàng Chính sách Xã hội và 13 tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ; tăng mức cấp vốn ủy thác từ ngân sách địa phương cho Ngân hàng Chính sách Xã hội… 

Báo cáo tại hội nghị, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Dương Quyết Thắng cho biết, trước khi thực hiện đề án, nợ quá hạn chính sách tín dụng của người dân Tây Nam Bộ cao hơn bình quân chung toàn quốc và có chiều hướng gia tăng. Tại một số nơi, cấp Đảng ủy, chính quyền nhất là cấp xã chưa quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện tín dụng chính sách. 

Theo ông Thắng, trong giai đoạn 2012 - 2016, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho trên 2,35 triệu lượt người nghèo và các đối tượng chính sách trong khu vực Tây Nam Bộ có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần giúp gần 386.000 hộ vay vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho trên 147.000 lao động; xây dựng trên 1 triệu công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; trên 36.000 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách… 

Ông Thắng khẳng định, đề án với những giải pháp đồng bộ đã tạo nên “cú hích” giúp cho chất lượng tín dụng chính sách xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long có những chuyển biến tích cực sau 5 năm tổ chức thực hiện. Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng đề ra chỉ tiêu cho giai đoạn 2016 - 2020, với nhiệm vụ trọng tâm đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội vùng Tây Nam Bộ là phát triển theo hướng ổn định, bền vững, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách và tiếp cận các dịch vụ khác do Ngân hàng Chính sách Xã hội cung cấp. 

Tại hội nghị nhiều ý kiến các địa phương trong vùng Tây Nam Bộ cũng đề nghị trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách Xã hội cần bổ sung thêm nguồn vốn vay để mức vay các chương trình phù hợp với thực tế như nâng mức vay hộ nghèo, cận nghèo từ 50 triệu lên 70 - 80 triệu đồng/hộ, đưa khoa học kỹ thuật mới để giúp người dân; đồng thời kiến nghị Chính phủ giao Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay với doanh nghiệp nhỏ khởi nghiệp...

Tại hội nghị, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng đã thông qua chương trình nội dung ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa 2 bên...

Bài và ảnh: Thanh Sang (TTXVN)
Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam - mô hình hiệu quả trong giảm nghèo bền vững
Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam - mô hình hiệu quả trong giảm nghèo bền vững

Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Việt Nam là mô hình hiệu quả, góp phần giảm nghèo một cách bền vững. Đây cũng là ý kiến của đa số các nhà khoa học thảo luận về vai trò của NHCSXH Việt Nam trong cuộc Hội thảo NHCSXH - 15 năm một chặng đường do NHCSXH tổ chức ngày 22/9 tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN