Để Làng văn hóa thêm sống động

Tạo nên nhiều sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, xây dựng thương hiệu của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đưa “Làng” trở thành điểm đến thân thiện và hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước... là nội dung chính của cuộc hội thảo “Xây dựng Đề án tổ chức các sự kiện thường niên và các hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020”, tổ chức tại Hà Nội.

 

Trong 5 năm qua, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Làng văn hóa) đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, đón hàng ngàn lượt đồng bào dân tộc thuộc các tỉnh, thành phố trên cả nước về tham gia các hoạt động. Tựu chung từ năm 2012 đến nay, mỗi năm Làng văn hóa tổ chức 3 sự kiện thường niên gồm: Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”, tổ chức vào đầu năm mới; “Bản sắc Văn hóa Việt Nam” được tổ chức vào ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (ngày 19/4 hàng năm); tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) hàng năm.

 

Giới thiệu ẩm thực các dân tộc là một trong những hoạt động của Làng văn hóa được nhiều du khách quan tâm.

 

Nhờ vậy, du khách gần xa được tham gia rất nhiều lễ hội như: Lễ đâm trâu mừng nhà mới của đồng bào Brâu, lễ cúng trưởng thành của thiếu nữ Chăm, đêm hội Hạn khuống của đồng bào Thái, tái hiện lễ hội đua bò Bảy Núi (An Giang) hay hội thi đua ngựa của đồng bào Mông vùng Tây Bắc, tổ chức Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer tại Hà Nội... Có thể nói, những hoạt động văn hóa trên đã mang lại những trải nghiệm thú vị cho du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để những sự kiện đó ngày càng có ý nghĩa, đi vào chiều sâu, mang lại những hiệu quả thiết thực và phát huy được giá trị văn hóa của Làng văn hóa thì vẫn còn nhiều việc phải làm.


PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam khẳng định: “Cộng đồng các dân tộc có vai trò quan trọng trong việc tổ chức các sự kiện văn hóa của dân tộc mình. Chính vì vậy, để những sự kiện văn hóa đó ngày càng có chiều sâu, có hiệu quả thì cộng đồng phải được bàn bạc, lên kế hoạch, tổ chức và tham gia các sự kiện do Làng văn hóa tổ chức. Khi tổ chức sự kiện phải đặt cộng đồng trong bối cảnh văn hóa của chính họ, chú ý đến các nghệ nhân, những người có uy tín như già làng, trưởng bản... trong việc huy động sự tham gia của cộng đồng. Đặc biệt, cộng đồng các dân tộc cũng cần tham gia vào quá trình đánh giá hiệu quả việc tổ chức các sự kiện văn hóa liên quan”.


Đồng tình với quan điểm này, TS Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VHTTDL Lào Cai cho rằng: “Nếu tổ chức lễ hội thì cần thực hiện đúng trong không gian văn hóa, tôn trọng tính tổng thể của văn hóa dân tộc, để mọi người khi tham gia đều hiểu và cảm nhận được bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Muốn vậy, Làng văn hóa cần đào tạo những cán bộ có năng lực, chuyên nghiệp, đồng thời có cơ chế phù hợp để đồng bào được hưởng lợi từ chính các hoạt động văn hóa của dân tộc mình”.


Để khắc phục vướng mắc trong việc khó huy động đồng bào các dân tộc tham gia tổ chức lễ hội tại Làng văn hóa, PGS.TS Đinh Thị Vân Chi, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhấn mạnh: “Đề án tổ chức các sự kiện thường niên và các hoạt động tại Làng Văn hóa giai đoạn 2015 - 2020 chưa chú ý đến nguồn nhân lực khá quan trọng là các em sinh viên dân tộc thiểu số. Hơn ai hết, các em sinh viên là người có khả năng tái hiện văn hóa của dân tộc mình một cách tốt nhất, các em không chỉ là những khán giả đơn thuần mà chính là những chủ thể của hoạt động văn hóa, có nhiều điều kiện để tham gia các hoạt động tại Làng văn hóa”.


Theo ông Đỗ Đình Cương, Giám đốc Công ty TNHH Đào tạo, cung ứng nhân lực tư vấn và hỗ trợ du lịch, biến Làng văn hóa trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, để làm được việc đó, cần phải sớm cung cấp thông tin về các sự kiện cho các công ty lữ hành, có thể trước 3 - 6 tháng, thậm chí cả năm để họ giới thiệu với du khách. Ông Đỗ Đình Cương cũng lưu ý, việc tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dành cho đối tượng thanh niên, đặc biệt là sinh viên, học sinh cũng sẽ giúp các hoạt động của Làng văn hóa ngày càng phong phú, sống động hơn.


Bài và ảnh:Thùy Linh

Mở cổng tháp Chăm tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam
Mở cổng tháp Chăm tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam

Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã diễn ra lễ khánh thành quần thể tháp Chăm. Tại đây, đồng bào Chăm đến từ các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận... cùng các đại biểu và quan khách quốc tế, các nhân sĩ trí thức, nghệ nhân đã được chứng kiến các nghi thức truyền thống: Lễ mở cửa tháp

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN