Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn tìm được 'Hiệp sĩ' sau hai năm vắng bóng

Sau 2 năm vắng bóng, Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023 do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tổ chức, đã lại tìm được “Hiệp sĩ Dế Mèn”. Đó là nhà văn Trần Đức Tiến; một cây bút "sung sức" viết cho thiếu nhi trong thời gian qua.

Chú thích ảnh
Nhà văn Trần Đức Tiến tại CLB đọc sách.

Nhà văn Trần Đức Tiến, sinh năm 1953, tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, hiện đang sống ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông viết cho cả thiếu nhi và người lớn. Khá nhiều tác phẩm của ông đã được đưa vào sách giáo khoa như "Giọt sương đêm" (Ngữ Văn 6, tập 1, bộ Chân trời sáng tạo), "Cá chuồn tập bay" (Tiếng Việt 2, tập 2, bộ Chân trời sáng tạo), "Bạn nhỏ trong nhà" (Tiếng Việt 3, tập 1, bộ Kết nối tri thức), "Hoa cúc áo" (Tiếng Việt 4, tập 2, bộ Chân trời sáng tạo), "Chân trời cuối phố" (Tiếng Việt 4, tập 1, bộ Kết nối tri thức)…

"A lô!... Cậu đấy à?" (truyện dài của Trần Đức Tiến, minh họa Kim Duẩn, NXB Kim Đồng) là sáng tác tiếp theo của cuốn đồng thoại nổi tiếng "Xóm Bờ Giậu" (2019), tập hợp 23 câu chuyện nhỏ, như những bông hoa tươi xinh trong mùa hoa đồng thoại thứ hai của đời văn Trần Đức Tiến.

TS Nguyễn Thanh Tâm (ĐHSP Huế) trong bài viết dành cho Thể thao và Văn hóa nhận định: Với tác giả, để có "A lô!... Cậu đấy à?" sau thành công của "Xóm Bờ Giậu" là điều không dễ.

"Xóm Bờ Giậu" là vùng thẩm mĩ đáng nhớ của đời văn Trần Đức Tiến, không chỉ ở việc tác giả xây dựng một hệ hình mỹ học mới cho tác phẩm mà còn ở khâu phát hành và phản hồi tích cực của độc giả. 

Theo đánh giá của TS Nguyễn Thanh Tâm, "A lô!... Cậu đấy à?" tiếp tục lấy cảm hứng từ khoảng sân nhà “quê mùa lạc lõng nhất thành phố” của tác giả. Phôi thai từ sự giản dị, mỗi câu chuyện đều mang vẻ đẹp thường thấy của văn chương Trần Đức Tiến, an lành, thơm tho, sinh động về chữ nghĩa lẫn ý tứ. Sự cộng hưởng của tình yêu trẻ, vốn văn hóa dày dặn và sự tinh tế của nhà văn đã tạo ra miền an trú cho độc giả. Thể loại đồng thoại thiết lập khế ước có lợi cho những sinh vật bé nhỏ như Thằn Lằn, Cóc Tía, Sóc Bông Lau, tạo ra một cộng đồng người thực thụ, sống tử tế và thiện lương trên trang văn Trần Đức Tiến.

Chú thích ảnh
Những tác phẩm của nhà văn Trần Đức Tiến.

“A lô!... Cậu đấy à?" cũng chứng kiến sự “trẻ hóa” bất ngờ của nhà văn. Khoảng cách giữa tác giả và những nhân vật nhỏ tuổi trở nên mờ nhòe khi nhà văn thì ngày càng hồn nhiên, mơ mộng, hóm hỉnh, còn nhân vật thì có xu hướng trở thành những “ông cụ non”. Tác giả hiểu những trò chơi gần như đã thành hơi thở của trẻ. Hiểu cái ngúng nguẩy và những giận hờn như mưa bóng mây của chúng. Hiểu nỗi khao khát khám phá. Hiểu những vẫy gọi xa xôi… Các câu chuyện rất lỏng về chất truyện, tự nhiên duỗi mình về phía mơ mộng, nên thơ. Phần thông điệp hay bài học kín đáo nép mình trước cảnh quan sinh thái đầy sức gợi.

“Đọc truyện Trần Đức Tiến không khó để nhận ra “sự tận tâm với đời sống” của nhà văn để tìm ra vị của đời, ngay trong những cuộc đời “nhạt”. Mãi cái chốn thân quen mà thành bao nhiêu chuyện kể. Mỗi truyện luôn có một sự bất ngờ đáng yêu nào đấy… Tác giả vu vơ thả ra một vài ước vọng và bẵng đi một thời gian, ước vọng ấy đường đột quay về. Những bức thư trên những chiếc lá khế vàng nhỏ nhoi mà sóc Bông Lau gửi bố trong Bố đi đâu lâu thế cứ tưởng đã chìm lấp trong vàng rực lá mùa thu lại nhận được sự hồi đáp ngọt ngào ở Mười dấu hỏi và mười dấu than. Điều đó tiếp thêm niềm tin cho người đọc, để họ an nhiên thả lòng cho gió cuốn.

Chú thích ảnh

Có thể thấy, trong A lô!... Cậu đấy à?, nhà văn đã khôn ngoan sử dụng chiến lược liên văn bản" - TS Nguyễn Thanh Tâm nhấn mạnh - "Tiếng vọng của Xóm Bờ Giậu vang lên đây đó trong tác phẩm thể hiện sự kết nối giữa thế hệ hậu bối với cư dân trong xóm xưa. Việc chủ động gợi nhắc tác phẩm của chính mình cũng thể hiện sự thủy chung với hành trình nghệ thuật đã lựa chọn - hành trình nặng về thôn quê, nặng về quá khứ. Chính vì lẽ đó mà tác giả đã thể hiện ý định xây dựng bảo tàng sinh thái cho văn học, bảo tàng dành riêng cho miền thôn dã. Trong truyện Du khách đến Bụi Trúc, nhà văn biến Xóm Bờ Giậu thành di tích văn hóa. Nhân vật Bông Lau tưởng tượng về một ngày sẽ có cuốn sách viết về xóm Bụi Trúc, nơi này sẽ trở thành chứng tích đầy tự hào và thương nhớ. Đến Một ngày nắng đẹp, các nhân vật tiếp tục dệt giấc mơ “bảo tồn” con đường mòn của bà Hoa Cúc Áo, cây gậy của cụ giáo Cóc, cây đàn của nhạc sĩ Dế Lửa, ngôi nhà Bình - gốm - vỡ, bài hát của ông Thằn Lằn”, TS Nguyễn Thanh Tâm nhấn mạnh.

Theo BTC giải, sự nghiệp sáng tác văn học thiếu nhi của nhà văn Trần Đức Tiến đã được ghi nhận bằng các giải thưởng như: Giải Nhì cuộc thi sáng tác cho thiếu nhi của Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam & Hội Nhà văn Việt Nam (1992); Giải Nhì cuộc thi sáng tác cho thiếu nhi của Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam & Hội Nhà văn Việt Nam (1997); Giải Nhất cuộc thi sáng tác cho thiếu nhi của Bộ Giáo dục & Đào tạo & Hội Nhà văn Việt Nam (2005); Giải Nhất cuộc vận động sáng tác “Bước qua hai thế giới” do Dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch tổ chức; Giải B, Giải thưởng Sách Quốc gia cho tác phẩm "Xóm Bờ Giậu" (2019).

Gia tài tác phẩm cho thiếu nhi của  nhà văn Trần Đức Tiến, bên cạnh "A lô!... Cậu đấy à?" (NXB Kim Đồng, 2022), còn có 10 cuốn giúp ông đủ điều kiện để được “tấn phong” Hiệp sĩ Dế Mèn - giải thưởng danh giá dành cho cả sự nghiệp vì thiếu nhi của một nghệ sĩ. Đó là "Ốc mượn hồn" (NXB Kim Đồng, 1992), "Vương quốc vắng nụ cười" (NXB Kim Đồng, 1993), "Dế mùa Thu" (NXB Kim Đồng, 1997;), "Thằng Cúp" (NXB Kim Đồng, 2001),  "Làm mèo" (NXB Kim Đồng, 2003, tái bản 2015, 2023 – NXB Thời Đại, Dân Trí in lại), "Trăng vùi trong cỏ" (NXB Kim Đồng, 2006),  "Chiếc lông ngỗng trời" (NXB Kim Đồng, 2011),  "Những truyện hay viết cho thiếu nhi của Trần Đức Tiến" (NXB Kim Đồng, 2013),  "Trên đôi cánh chuồn chuồn" (NXB Kim Đồng, 2015, tái bản 2020),  "Xóm Bờ Giậu" (NXB Kim Đồng, 2019. tái bản 2020, 2021, 2022).

Theo tiêu chí của giải Dế Mèn được công bố trong Báo cáo Tổng kết của Hội đồng Giám khảo mùa giải thứ nhất năm 2020, thì hạng mục Giải thưởng Lớn - Hiệp sĩ Dế Mèn vẫn giữ tiêu chí quan trọng nhất là trao cho tác giả có “sáng tác, trình diễn nghệ thuật - giải trí xuất sắc trong năm”, đồng thời có bề dày sáng tác, cống hiến cho thiếu nhi trong cả sự nghiệp của mình.
PV
Dàn hợp xướng giành giải Vàng sẽ biểu diễn tại Lễ trao giải Dế Mèn lần 4 - 2023
Dàn hợp xướng giành giải Vàng sẽ biểu diễn tại Lễ trao giải Dế Mèn lần 4 - 2023

Lễ trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023 do báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức, sẽ diễn ra tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội từ 14 giờ  ngày 31/5/2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN