Nhạc sĩ Hoàng Hiệp - cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam đã về “cõi xưa”

Sau một thời gian lâm bệnh nặng, vào lúc 12 giờ 45 phút ngày 9/1/2013, nhạc sỹ Hoàng Hiệp, tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như "Nhớ về Hà Nội", "Câu hò bên bến Hiền Lương", "Trở về dòng sông tuổi thơ"... đã qua đời tại nhà riêng (Cao ốc An Khang, phường An Phú, quận 2, TP Hồ Chí Minh) ở tuổi 81, để lại niềm đau xót, nỗi thương tiếc khôn nguôi trong lòng khán giả.


 

Nhạc sỹ Hoàng Hiệp tên thật là Lưu Trần Nghiệp, bút danh là Lưu Nguyễn, sinh ngày 1/10/1931 tại xã Mỹ Hiệp (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Ông tham gia cách mạng từ năm 1945, vào đoàn Tuyên truyền lưu động Long Xuyên, sau chuyển về đoàn văn công và phân hội Văn nghệ Long Châu Hà. Năm 1948, ông đã bắt đầu sáng tác, tuy nhiên, phải đến năm 1957, khi bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” do ông viết chung với nhạc sĩ Đằng Giao ra đời, thì sự nghiệp sáng tác chuyên nghiệp của ông với những tác phẩm để đời mới thực sự được nhiều người biết đến. Và trong vòng 20 năm sống ở Hà Nội (khoảng 1955 - 1975), ông đã viết hơn 100 ca khúc, nhiều bài trong số đó là những tác phẩm tiêu biểu cho dòng nhạc cách mạng thời kỳ chống Mỹ như “Lá đỏ”, “Trường Sơn đông Trường Sơn tây”, “Cô gái vót chông”, “Ngọn đèn đứng gác”... những tác phẩm âm nhạc cách mạng của ông đã trở thành những ca khúc bất hủ, vượt qua thử thách của thời gian để trở thành những ca khúc kinh điển trong kho tàng âm nhạc dân tộc Việt Nam.


Sau năm 1975, nhạc sỹ Hoàng Hiệp trở về miền Nam, công tác tại Nhà xuất bản Âm nhạc TP Hồ Chí Minh, sau chuyển sang Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh. Thời kỳ này, ông đã có nhiều sáng tác để lại dấu ấn trong lòng khán giả yêu nhạc như “Trở về dòng sông tuổi thơ”, “Con đường có lá me bay”, “Mùa chim én bay”, “Em vẫn đợi anh về”, “Nơi anh gặp em” - bài hát trong phim Tội lỗi cuối cùng)... Cũng trong thời gian này, ông đã sáng tác bài hát “Nhớ về Hà Nội” - bài hát bày tỏ nỗi nhớ nhung của ông đối với Hà Nội, nơi ông đã gắn bó suốt 20 năm trời, và tác phẩm này của ông đã trở thành một trong những tác phẩm âm nhạc kinh điển viết về thủ đô Hà Nội. Âm nhạc trong các ca khúc của nhạc sỹ Hoàng Hiệp thường mang âm hưởng dân ca, trữ tình, vừa dịu dàng, vừa sâu lắng, da diết nên rất dễ nhớ và dễ truyền cảm xúc cho người nghe. Đó là những giai điệu đẹp, ấn tượng cho dù chúng thể hiện một khí chất cao cả của cuộc chiến tranh hùng vĩ trên đất nước ta. Như nhà văn Đoàn Thạch Biền đã nhận xét, những ca khúc viết về năm tháng chiến tranh của nhạc sỹ Hoàng Hiệp không hề có tiếng kêu sầu thảm thiết hay lên án gay gắt, những ca khúc ấy đem đến một góc nhìn tươi mới, lãng mạn nhưng đanh thép, tranh đấu nhưng không đao to búa lớn đã từng bước đi vào lòng công chúng, trở thành công cụ kêu gọi toàn dân đoàn kết, quyết tâm bảo vệ non sông của người dân Việt Nam.


Nhiều người ví, nhạc sỹ Hoàng Hiệp là người nhạc sỹ tài hoa đã dùng sáng tác của mình nối liền lại những tâm tình Nam - Bắc. Quả đúng như vậy, bởi ông đã có những ca khúc trải đều cho 3 miền đất nước với các dấu ấn đậm nét: Với miền Bắc, nơi ông có một tình yêu rất đẹp đã có bài “Nhớ về Hà Nội”. Với miền Trung - Tây Nguyên là bài “Câu hò bên bờ Hiền Lương”, “Lá đỏ”, và với miền Nam thân yêu của ông là bài “Trở về dòng sông tuổi thơ”, “Con đường có lá me bay”... Đó đều là những sáng tác đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ những người yêu dòng nhạc trữ tình, cách mạng. Không những thế, người nhạc sỹ tài hoa này còn được biết đến như người chắp cánh cho những vần thơ, đưa những bài thơ đến gần hơn với công chúng bằng việc thổi vào đó những giai điệu tuyệt vời. Có thể kế đến bài “Đợi anh về” (thơ Ximônốp, Lê Giang dịch), “Câu hò bên bờ Hiền Lương” thơ Đằng Giao, hay “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây” thơ Phạm Tiến Duật…


Có một điều mà có lẽ không nhiều người biết, là ngoài sáng tác ca khúc, nhạc sỹ Hoàng Hiệp còn viết nhạc cho nhiều vở kịch nói như “Người ven đô”, “Màu giấy mới”, “Xa thành phố yêu dấu”...; viết nhạc cho các vở cải lương như “Thái hậu Dương Vân Nga”, “Tiền và Nghĩa”; viết nhạc cho phim truyện và phim tài liệu như “Cánh đồng mơ ước”, “Bản nhạc người tù”, “Mùa gió chướng”, “Nơi gặp gỡ của tình yêu”, “Biệt động Sài Gòn”... Ông cũng là dịch giả cuốn “Nhạc lý cơ bản” của Spasspbine và là tác giả của nhiều sách giáo khoa âm nhạc.


Có thể nói, tình yêu với quê hương, đất nước, sự cảm thông với những gian nan và khổ đau của dân tộc đã làm nên sự nghiệp âm nhạc Hoàng Hiệp. Ông đã sống, đã yêu và cống hiến suốt một đời cho âm nhạc và đã để lại những tác phẩm bất hủ cho nền âm nhạc nước nhà. Ông ra đi để lại khoảng trống lớn với âm nhạc Việt Nam, để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho hàng vạn công chúng và bạn bè, những người yêu mến ông - một tài hoa của nền âm nhạc Việt Nam. Nhưng cho dù ông đã ra đi về “cõi vĩnh hằng”, những đứa con tinh thần của ông chắc chắn sẽ sống mãi trong lòng công chúng.


PV

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN