Những chiếc áo dài vun đắp tình hữu nghị Việt - Nhật

Những ngày đầu tháng 5, dù khá bận rộn cho việc hoàn tất các mẫu thiết kế áo dài để tham gia chương trình “Ngày TP Hồ Chí Minh tại Osaka, Nhật Bản” (diễn ra từ ngày 17 - 19/5 tại Nhật Bản), nhưng nhà thiết kế - họa sĩ - nghệ nhân Trung Đinh vẫn dành thời gian để giới thiệu cho chúng tôi biết về 14 tác phẩm áo dài trong bộ sưu tập “Lụa hát”. Đây là những chiếc áo dài mang văn hóa Việt Nam và Nhật Bản để vun đắp thêm tình hữu nghị Việt - Nhật.

Chú thích ảnh
Nhà thiết kế - họa sĩ - nghệ nhân Trung Đinh chụp ảnh cùng các người mẫu trong bộ sưu tập áo dài “Lụa hát, Sen trong” được trình diễn tại Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh lần thứ 20 năm 2024.

Tiên phong ứng dụng vẽ trên lụa

Với mong muốn bảo tồn, phát huy các làng nghề dệt lụa truyền thống của Việt Nam, trong suốt 10 năm qua, nhà thiết kế - họa sĩ - nghệ nhân áo dài Trung Đinh đã dành toàn bộ tuổi trẻ để nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo ra kỹ thuật nhuộm ombré (nhuộm loang và chuyển màu thủ công để tạo nên chất liệu mới) và vẽ thủ công trên lụa. Anh cũng là người tiên phong đưa các kỹ thuật vẽ lụa mới, mang đến hiệu quả mỹ thuật và tính ứng dụng cao cho ngành thời trang Việt Nam.

Nghệ nhân áo dài Trung Đinh cho biết: “Vẽ lụa vốn là nghề thủ công vô cùng đặc sắc và phức tạp của người Việt nhưng ngày càng mai một, còn áo dài là loại trang phục truyền thống, điển hình của dân tộc nhưng lại chưa nhận được sự đầu tư về thiết kế, xử lý chất liệu nên tôi bắt đầu chấn hưng lại nghề vẽ trên lụa Việt Nam và chọn áo dài làm “điểm tựa” từ đó. Cũng từ đây, những bộ sưu tập áo dài kết hợp vẽ lụa ngày càng được người dân, du khách biết đến nhiều hơn”.

Theo đó, anh bắt tay nghiên cứu từ đầu và muốn làm sao để kỹ thuật vẽ tranh lụa vừa hiện đại nhưng vẫn thể hiện được sự tinh tế, mang lại giá trị mỹ thuật cao hơn trên nền áo dài. Đặc biệt, anh còn tính toán làm sao để ứng dụng kỹ thuật đó vào thời trang, giúp nâng tầm giá trị cho lụa Việt Nam.

Trong suốt hành trình của mình, anh luôn muốn lan tỏa thông điệp “Người Việt Nam dùng lụa Việt Nam”. Để vẽ trên lụa không trở thành “ký ức”, anh luôn phải khoác áo mới cho chúng mỗi ngày. "Tôi luôn ưu tiên mục đích giáo dục. Ngoài dạy tại trung tâm của mình, tôi còn nhận tham gia các buổi giảng dạy, workshop tại các trường đại học, trường nghề; quảng bá cho du khách nước ngoài, Đại sứ quán các nước… biết nhiều hơn về áo dài Việt Nam", nghệ nhân Trung Đinh nói.

Chú thích ảnh
Nghệ nhân Trung Đinh là nhà thiết kế tiên phong vẽ trên lụa, vừa giúp bảo tồn nghề dệt lụa vừa có thể tôn vinh áo dài Việt Nam. 

Thông qua những tác phẩm của anh, có thể thấy đề tài xuyên suốt mà Trung Đinh sử dụng chính là thiên nhiên, đất nước, con người, những biểu trưng cho mảnh đất và vùng miền mà anh đã đi qua trên khắp 63 tỉnh, thành Việt Nam. Những chất liệu này được anh truyền tải lên chiếc áo dài nên những chiếc áo dài do anh thiết kế luôn mang lại một cảm giác thân thuộc, gần gũi đối với người dân Việt Nam và trở lên hấp dẫn đối với du khách quốc tế.

Để quảng bá hình ảnh áo dài Việt Nam được Trung Đinh mang đến Nhật Bản trong tháng 5, trước đó, Trung Đinh cũng đã có buổi biểu diễn, giới thiệu về áo dài Việt Nam tại Sydney trong khuôn khổ xúc tiến du lịch TP Hồ Chí Minh tại Úc. Ngoài ra, tại Việt Nam, để công chúng biết nhiều hơn về áo dài truyền thống Việt Nam, các bộ sưu tập áo dài vẽ trên lụa của nghệ nhân Trung Đinh còn được trình diễn rộng rãi tại Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh lần thứ 20 năm 2024, Lễ hội Sen Đồng Tháp năm 2024…

Được biết, nhà thiết kế, họa sĩ, nghệ nhân Trung Đinh sinh ra tại Phú Yên, trong gia đình tri thức có 7 anh chị em, nhưng không có bất kỳ ai tham gia nghệ thuật. Tuy nhiên, với tình yêu văn hóa truyền thống, cộng với việc tốt nghiệp chuyên ngành thời trang một trường đại học chính quy, Trung Đinh đã nghiên cứu và quyết tâm xây dựng, phát triển mảng nghề truyền thống của Việt Nam: Vẽ trên lụa và ứng dụng vào áo dài truyền thống Việt Nam. Các thiết kế áo dài vẽ trên lụa đã giúp nghệ nhân Trung Đinh “khoe” đủ sự tinh tế, công phu và tài hoa của anh và ngày càng được rất nhiều công chúng trong và ngoài nước đón nhận.

Giúp giao thoa văn hóa

Theo nghệ nhân Trung Đinh, lần đầu tiên quảng bá, giới thiệu hình ảnh áo dài Việt Nam tại Nhật Bản nên anh muốn mang theo những bộ áo dài thể hiện được cả văn hóa Nhật Bản và văn hóa Việt Nam. Vì vậy, anh Trung Đinh sẽ mang theo bộ sưu tập (BST) “Lụa hát”, trong đó có 7 tác phẩm là chủ đề hoa anh đào của Nhật Bản và 7 tác phẩm là biểu tượng hoa sen của Việt Nam. Đây là những thiết kế hoàn toàn mới và được các nghệ nhân, các họa sĩ là thế hệ học trò của Trung Đinh “làm ngày làm đêm” cho kịp tiến độ của chương trình.

Chú thích ảnh
Xuân Hạnh - Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2023, trong bộ sưu tập “Lụa hát Sen trong” của nhà thiết kế, nghệ Nhân Trung Đinh. Đây là một trong những bộ sưu tập ghi dấu ấn trong lòng công chúng yêu áo dài.

“Bộ sưu tập này có ý tưởng từ hình ảnh của những bông hoa đào trong trẻo, được thiết kế trên nền chất liệu lụa Việt Nam, qua đó tôi muốn gởi gắm ba thông điệp gồm: thứ nhất là tình yêu, văn hóa với chiếc áo dài Việt; thứ hai là tôn vinh nghề thủ công truyền thống của Việt Nam và cuối cùng là mong muốn gìn giữ, phát triển lụa Việt Nam vươn xa hơn. Trước kia, xuất phát điểm của nghề vẽ lụa chủ yếu để dành cho sáng tác tranh lụa, nhưng trong đời sống hiện đại hôm nay, tranh lụa vẽ không còn được yêu thích, phổ biến rộng rãi nên các hoạ sĩ không sống được với nghề, dần lãng quên nghề này. Nếu cứ như vậy, một ngày nào đó, kỹ thuật vẽ lụa sẽ chỉ còn là ký ức. Vì vậy, tôi đã mày mò nghiên cứu vẽ trên lụa và trên nền áo dài để bảo tồn nghề truyền thống và lan tỏa tình yêu áo dài đối với công chúng, nhất là những bạn trẻ”, nghệ nhân Trung Đinh cho biết.

Chia sẻ về việc chọn hoa anh đào vẽ trên nền lụa Việt Nam, nghệ nhân Trung Đinh cho biết, khi đến đất nước nào đó, để công chúng đón nhận mình, trước tiên tác phẩm đó phải có sự giao thoa, giao lưu văn hóa với nước sở tại. Vì vậy, 7 bộ thiết kế lần này, hình ảnh hoa đào sẽ xuất hiện kèm theo các hình ảnh điểm đến du lịch nổi tiếng của Nhật Bản. Để khi nhìn thấy chiếc áo dài trên sân khấu, người dân và du khách Nhật sẽ cảm thấy gần gũi hơn, từ đó họ yêu thích áo dài Việt hơn. Ngoài ra, hình ảnh hoa sen Việt Nam cũng sẽ xuất hiện trong những tà áo dài để có thể quảng bá hình ảnh, đất nước Việt Nam thân thiện, mến khách và hiền hòa với công chúng Nhật.

Chú thích ảnh
Ngọc Châu - Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022, thướt tha trong thiết kế áo dài mới của NTK Trung Đinh sử dụng lối vẽ và nhuộm hoàn toàn thủ công kết hợp với tơ trong suốt.

Theo nghệ nhân Trung Đinh, bộ sưu tập “Lụa hát” lần này được xem là điển hình cho hội hoạ trên lụa Việt Nam, với kĩ thuật và qui trình mới trong thời đại mới. Cụ thể, bộ áo dài được thiết kế trên nền chất liệu lụa Việt Nam, với lối xử lí chất liệu chủ đạo là nhuộm thủ công để tạo màu cho lụa, sau đó sẽ vẽ thủ công trên phom dáng áo dài truyền thống. Với cách làm này, đã khiến cho những chiếc áo dài thướt tha hơn và tôn vinh vóc dáng của người mẫu hơn.

Nghệ nhân Trung Đinh cũng cho biết, những chiếc áo dài của được anh chắt lọc từ những tinh hoa thiết kế, được nghiên cứu qua nhiều năm tháng để phù hợp nhất đối với vóc dáng người phụ nữ Việt. Bởi theo anh, áo dài gắn liền với truyền thống Việt nhưng chưa thật sự lan tỏa hết đến đông đảo người Việt, nhất là những người Việt xa xứ. Vì vậy, “trách nhiệm” của những nghệ nhân áo dài như anh cần lan tỏa tình yêu áo dài đến với đông đảo mọi người, từ đó giúp công chúng Việt nói riêng và công chúng thế giới nói chung cùng công nhận trang phục áo dài là của Việt Nam mà không nhầm lẫn với bất kỳ quốc gia nào khác.

Tham gia trình diễn các bộ sưu tập "Lụa hát" của Trung Đinh tại Nhật Bản có Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’Hen Niê, Hoa hậu châu Á Việt Nam 2018 Kim Nguyên, Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2023 Thu Uyên, Á hậu Hoàn vũ Việt Nam 2023 Hương Ly, Á hậu Du lịch Việt Nam 2022 Phương Thanh, Á hậu Đại dương Việt Nam 2023 Tuyết Nhi, Á hậu Đại dương Việt Nam 2023 Trúc Giang, Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019 Đào Thị Hà. 
Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh: Nhiều hoạt động hưởng ứng Lễ hội Áo dài
TP Hồ Chí Minh: Nhiều hoạt động hưởng ứng Lễ hội Áo dài

Đồng diễn áo dài tập thể, tặng áo dài miễn phí, may áo giảm giá... là những hoạt động chính diễn ra từ nay đến cuối tháng 3 của các quận, huyện và thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) nhằm hưởng ứng Lễ hội Áo dài tại TP Hồ Chí Minh lần thứ 10 năm 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN