Bảo đảm sinh kế bằng nghề truyền thống

Đối với đồng bào dân tộc Khmer, Chăm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, việc tiếp tục duy trì, phát triển nghề truyền thống là một nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng. Bởi đó là sinh kế và còn là cách để gìn giữ nét đẹp, chiều sâu văn hóa giàu bản sắc.


Xóa bỏ những “rào cản”

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có hàng trăm làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ và đa phần tập trung ở vùng nông thôn. Bên cạnh các làng nghề của người Việt, còn có làng nghề của đồng bào Chăm, Khmer vốn được hình thành từ rất lâu đời và vẫn đang tiếp tục tồn tại, giải quyết một lượng lớn lao động nông nhàn của địa phương. Mặt khác, sự phát triển của làng nghề còn là sợi dây lưu giữ những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc. Tuy nhiên, việc phát triển các làng nghề truyền thống dân tộc Chăm, Khmer vùng ĐBSCL hiện còn nhiều bất cập.

Làng nghề đóng ghe Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.

Có rất nhiều nghề truyền thống hiện nay là sinh kế của một bộ phận đồng bào Khmer, Chăm như: dệt thổ cẩm Khmer; dệt lụa, xà bai Chăm; nghề mộc, dệt chiếu, gốm, đan lát… nằm ở các tỉnh An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh. Những năm qua, Chính phủ và các cấp ngành địa phương vùng ĐBSCL đã triển khai thực hiện chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề, xây dựng thương hiệu làng nghề, tiến tới hình thành làng nghề văn hóa - du lịch. Chương trình này đã gặt hái những thành quả đáng khích lệ, đã vực dậy một số làng nghề của đồng bào dân tộc thiểu số, tránh nguy cơ ngày càng mai một.

Thành quả bước đầu là vậy nhưng những làng nghề nói chung vẫn đang đứng trước giai đoạn khó khăn, khó có thể đứng vững trong bối cảnh mới của cơ chế thị trường. Bởi đa số tiểu thủ công nghiệp tại làng nghề của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn theo quy mô nhỏ lẻ, thời vụ, kỹ thuật sản xuất mang tính cổ truyền, năng suất thấp, thiếu thị trường ổn định… nên nguồn thu nhập thấp, không thường xuyên. Thiếu vốn cũng là một hạn chế trong việc phát triển nghề truyền thống.

Về nghề dệt thổ cẩm, dù hiện nay đồng bào Chăm (An Giang) đã thay đổi nhiều về mẫu mã cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng nhưng do sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật nên sản phẩm thổ cẩm truyền thống bị yếu thế cạnh tranh. Bà Nguyễn Thị Diễm My, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực IV, cho biết tại ấp Phủm Xoài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang), nơi bảo tồn và phát triển nghề dệt truyền thống, các sản phẩm làm ra từ các đơn vị hộ gia đình với mục đích chỉ phục vụ nhu cầu hàng ngày của các thành viên trong gia đình. Một số hộ năng động hơn đã mang sản phẩm ra chợ bán nhưng với giá rất rẻ. Trong khi làng nghề này tiềm năng phát triển rất lớn và dù đã thành lập hợp tác xã nhưng hiện nay số xã viên còn rất ít. Còn nghề dệt của đồng bào Chăm tại xã Đa Phước, huyện An Phú (tỉnh An Giang) trước năm 2000 rất phát triển, hàng hóa làm rất nhiều nhưng sau năm 2000 hàng làm ra bán không được, thiếu vốn nên nhiều hộ đã bỏ nghề.

Như vậy, để bảo tồn nghề truyền thống và tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng ĐBSCL, đặc biệt là hội nhập với nền kinh tế thị trường, có ý kiến cho rằng, Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương vùng ĐBSCL cần phải triển khai một “gói” giải pháp đồng bộ gồm: chính sách hỗ trợ nguồn vốn, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật trang thiết bị, đào tạo tay nghề, phát triển vùng nguyên liệu cho các làng nghề, tìm đầu ra cho sản phẩm. Trong đó, nhấn mạnh đến cơ sở hạ tầng giao thông đến tận phum sóc phải được ưu tiên đầu tư phát triển để việc giao thương hàng hóa và phục vụ cho chương trình phát triển du lịch gắn với làng nghề được thuận lợi.

Bám sát nguồn cội

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số bằng nhiều chính sách. Trong đó có quan điểm rõ ràng là cần bảo đảm sự thống nhất và có lồng ghép giảm nghèo với dạy nghề, tạo việc làm. Tuy nhiên để quan điểm đó đi vào cuộc sống hiệu quả hơn nữa thì việc nghiên cứu tập quán, tín ngưỡng văn hóa, nghề truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể là đồng bào Chăm, Khmer ở vùng ĐBSCL là một yếu tố then chốt.

Đối với đồng bào Khmer, ngôi chùa không chỉ là trung tâm sinh hoạt Phật giáo mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa. Chùa vừa là nơi đào tạo tri thức, gửi gắm niềm tin và là nơi trang bị những kỹ năng nghề nghiệp để cho những chư tăng trước khi hoàn tục. Có những ngành nghề truyền thống mà nhà chùa thường trang bị và vẫn duy trì cho đến ngày nay như: điêu khắc chạm trổ; vẽ tranh sơn dầu trên vải, chánh điện, tịnh xá... mang đậm màu sắc văn hóa riêng biệt của đồng bào Khmer. Do vậy, việc đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp ngay tại chùa, gắn với việc tu luyện và sinh hoạt văn hóa của người Khmer để vừa bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống mà vẫn giải quyết được việc làm tại chỗ, giảm chi phí xã hội là một ý kiến cần xem xét.

Còn đối với người Chăm ở vùng ĐBSCL, thánh đường là nơi rất thiêng liêng. Theo các chuyên gia ngành văn hóa, kinh Koran quy định trong một ngày những người đàn ông bất kể già trẻ, lớn, bé đến thánh đường 5 lần theo những giờ nhất định. Việc thực hiện nghi lễ tôn giáo này có bất lợi nhất định là sẽ khó khăn cho việc tìm kiếm cơ hội việc làm cho nam giới người Chăm. Do vậy việc đào tạo nghề, tham gia hoạt động kinh tế cũng cần phải xem xét đến việc không ảnh hưởng đến sinh hoạt tôn giáo. Như vậy, việc gắn những nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm như: mộc mỹ nghệ, gốm… nếu được đào tạo hoặc liên kết tổ chức sản xuất ngay tại thánh đường hoặc khu vực lân cận sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn.

Tuy nhiên, vấn đề đầu tiên mà Chính phủ và các cấp ngành địa phương vùng ĐBSCL cần phải làm ngay là khảo sát, sàng lọc, lựa chọn để khôi phục phát triển những làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, Chăm có hiệu quả bằng việc triển khai “gói” giải pháp nói trên. Có như vậy, những chủ trương chính sách chăm lo phát triển kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần, xóa đói, giảm nghề cho người đồng bào dân tộc thiểu số vùng ĐBSCL sẽ được thúc đẩy một cách toàn diện.
Đức Anh
Giữ gìn di sản để phát triển bền vững
Giữ gìn di sản để phát triển bền vững

Cộng đồng dân cư vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm người Kinh, Hoa, Khmer, Chăm… sống chan hòa và giao lưu văn hóa đã hình thành nên những di sản văn hóa riêng biệt, đa dạng. Bảo vệ, khai thác hợp lý nguồn di sản văn hóa quý giá này có thể góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho vùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN