Du lịch Bình Thuận về đích sớm, doanh thu đạt hơn 17.600 tỷ đồng

Năm 2023, ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ của ngành Du lịch Bình Thuận. Đến nay, tỉnh đã vượt mốc mục tiêu đón khách và hoàn thành mục tiêu về tổng thu đề ra.

Chú thích ảnh
Xây dựng sản phẩm “Du lịch xanh” tại đảo Phú Quý là điểm nhấn trong phát triển du lịch của tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Khang /TTXVN

Cụ thể, dự ước trong 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã đón hơn 6.984.000 lượt khách (tăng 75% so cùng kỳ năm 2022), đạt xấp xỉ 104% kế hoạch năm 2023. Trong đó, khách quốc tế có hơn 200.000 lượt, tăng gần 4 lần so cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 17.675 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so cùng kỳ năm trước và đạt 107,13% kế hoạch đề ra.

Đầu năm, tỉnh đặt ra kế hoạch đón 6.720.000 lượt khách với tổng doanh thu 16.500 tỷ đồng trong năm 2023. Như vậy, với kết quả trên, ngành Du lịch Bình Thuận đã cán đích kế hoạch cả năm sớm trước 3 tháng.

Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, kết quả trên đạt được từ việc ngành Du lịch Bình Thuận tích cực triển khai nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, tham mưu tổ chức sự kiện quy mô lớn thu hút khách du lịch. Đặc biệt, chuỗi các sự kiện hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh” như: Lễ khai mạc của Năm Du lịch Quốc gia 2023; Tuần lễ Văn hóa đường phố; lễ hội Cầu ngư; Giải Stop And Run Marathon BTV Bình Thuận 2023; trưng bày, triển lãm “Di sản văn hóa Bình Thuận kết nối các vùng miền”…

Các doanh nghiệp du lịch đã từng bước phục hồi và phát triển, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ du khách, tăng cường đào tạo nhân lực du lịch. Đồng thời, các doanh nghiệp triển khai nhiều gói sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, cùng với các chương trình giảm giá kích cầu du lịch phù hợp, thu hút lượng lớn khách du lịch từ các tỉnh khu vực phía Nam và Tây Nguyên đến tỉnh tham quan, nghỉ dưỡng, nhất là vào các ngày lễ, Tết.

Du lịch Bình Thuận khởi sắc còn nhờ vào sự thuận lợi giao thông, kết nối hạ tầng. Hai tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi vào vận hành khai thác, rút ngắn thời gian di chuyển từ các địa phương đến Bình Thuận đã tạo cú hích rất lớn giúp ngành Du lịch địa phương bứt phá. Cùng với đó, tỉnh cũng nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 28B; thi công hoàn thành các trục đường ven biển và tuyến kết nối đường ven biển với Quốc lộ 1A, cao tốc…

Hiện nay, Bình Thuận bước vào mùa cao điểm đón khách quốc tế. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, lưu trú, lữ hành chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực với kỳ vọng lượng khách quốc tế sẽ tăng trưởng mạnh, nhất là từ chính sách thị thực mới.

Trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận tiếp tục chỉ đạo các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, lưu trú, lữ hành trên địa bàn đầu tư phát triển các loại hình du lịch mới, hấp dẫn, xây dựng các tour trải nghiệm, du lịch văn hóa, du lịch thể thao, du lịch MICE… Ngành Du lịch Bình Thuận tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến; đồng thời liên kết với các địa phương xây dựng các tour tuyến du lịch như: khai thác thử nghiệm tuyến du lịch Tà Năng - Phan Dũng kết nối Lâm Đồng - Bình Thuận.

Cùng với đó, Sở tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thành công các hoạt động còn lại của Năm Du lịch Quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”.

Hồng Hiếu (TTXVN)
Phát triển xanh 'chìa khóa' nâng tầm du lịch Bình Thuận - Bài cuối: Trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển
Phát triển xanh 'chìa khóa' nâng tầm du lịch Bình Thuận - Bài cuối: Trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển

Xác định mục tiêu phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bình Thuận triển khai các giải pháp đa dạng sản phẩm, tăng cường quảng bá, đưa địa phương trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, quốc tế, một trong những điểm đến hàng đầu khu vực và quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN