Du lịch đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhưng đến nay vẫn là vùng thu hút khách ít nhất trong 7 vùng du lịch trong cả nước. Đó là lý do Tổng cục Du lịch đã tổ chức đoàn khảo sát đánh giá lại thực trạng, từ đó tìm sản phẩm đặc trưng du lịch của vùng để định hướng đầu tư thu hút khách.

 

Qua khảo sát các điểm tại 8 tỉnh, thành cho thấy, điểm du lịch tại Mỹ Tho (Tiền Giang) và Cần Thơ có hạ tầng phát triển du lịch tốt, chuyên nghiệp nhất trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Do thuận tiện về tuyến đường, nên lượng khách đến nhiều, mức độ đầu tư cho du lịch tốt hơn. Ngoài các điểm trên, trong vùng có tuyến điểm du lịch tâm linh (Miếu Bà Chúa Xứ - An Giang) và địa danh nổi tiếng cả nước như Đất Mũi (Cà Mau); Hòn Phụ Tử; Rừng U Minh Thượng (Kiên Giang)... đang được khai thác, nhưng các tỉnh vẫn chưa quan tâm đầu tư, nhiều dịch vụ còn thiếu chuyên nghiệp.

 

Du khách tham quan cù lao Thới Sơn bằng thuyền.


Điểm dễ gây nhàm chán với du khách là sản phẩm du lịch của vùng ĐBSCL dễ bị trùng lắp, các tỉnh mà đoàn khảo sát đều giới thiệu đờn ca tài tử. Phần lớn các điểm tham quan phải di chuyển bằng ghe, tàu du lịch, tắc ráng, ca nô và cảnh quan trên sông đều giống nhau. Điều này dẫn đến tour du lịch sông nước tại các điểm như Mỹ Tho, Cái Bè (Tiền Giang), Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang... giống nhau đến từng chi tiết, như chèo đò dọc kênh rạch, tham quan lò kẹo, bánh, mật ong vườn, đi bộ, ăn trái cây và nghe đờn ca tài tử.


“Ăn uống cũng là một vấn đề cần lưu ý khi tổ chức tour đi vùng ĐBSCL, ngay trong tuyến khảo sát, từ ngày thứ 4 trở đi, các thành viên miền Bắc nhận xét bữa ăn giống nhau gồm bánh tráng, rau sống, cá - canh chua - cá kho - lẩu, nên ngấy”, anh Nguyễn Tấn Quyền, Phó Giám đốc Công ty du lịch Liên Bang, cho biết.

 

Mũi Cà Mau, điểm cực Nam của Tổ quốc.

 

“Trên cơ sở khảo sát tuyến điểm ĐBSCL, Tổng cục Du lịch mong muốn tạo sự liên kết giữa các tỉnh, vùng miền trong việc đưa khách đến vùng đồng bằng sông Cửu Long. Qua khảo sát, các tỉnh cũng nhìn nhận những mặt được và chưa được để từ đó hoàn thiện các dịch vụ tại các điểm du lịch. Đồng thời các doanh nghiệp du lịch cũng có dịp đánh giá lại các tuyến điểm đang khai thác, bổ sung các tuyến điểm mới phù hợp theo từng đối tượng khách”. Bà Hoàng Thị Điệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch


Từ thực tế, các điểm đến vùng ĐBSCL có thể quy hoạch, đầu tư hình thành tuyến sản phẩm đặc trưng có hấp dẫn du khách:


* Mũi Cà Mau: Là cực Nam trên bản đồ chữ S của Việt Nam mà nhiều người mong ước một lần được đặt chân đến vùng đất thiêng liêng này của Tổ quốc. Để tạo thành một điểm đến, tỉnh Cà Mau đã thành lập Công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau, bình quân mỗi năm đón khoảng 100.000 lượt khách đến tham quan. Với sự đầu tư về hạ tầng giao thông, phương tiện đi lại, vùng đất mũi Cà Mau trước đây với câu ca "Muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lềnh như bánh canh", giờ đã khác xưa nhiều... Du lịch tại điểm đến cực Nam Tổ quốc vẫn ở dạng sơ khai, chính vì vậy, tỉnh Cà Mau có kế hoạch đầu tư về hạ tầng, tổ chức tham quan trải nghiệm về cuộc sống của người dân vùng đất Mũi Cà Mau. Công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau rộng 150 ha và được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đánh giá là điểm du lịch tiêu biểu, hấp dẫn khách nội địa.


* Các điểm sinh thái ngập nước: Trong tuyến khảo sát vùng ĐBSCL, các điểm sinh thái ngập nước mang đặc trưng của vùng khá hấp dẫn du khách, gồm Vườn quốc gia Tràm Chim Đồng Tháp, rừng tràm Trà Sư (An Giang), U Minh Thượng (Kiên Giang), U Minh Hạ (Cà Mau). Tuy nhiên, trong các điểm du lịch sinh thái này, các đơn vị lữ hành đánh giá cao rừng tràm Trà Sư (An Giang) do khả năng liên kết với điểm du lịch tâm linh Miếu Bà Chúa Xứ và cụm tham quan Châu Đốc.

 

Nhà cổ Bình Thủy là nơi đóng một số cảnh trong phim nổi tiếng “Người tình”.


*Chợ nổi: Hai chợ nổi được các đơn vị lựa chọn là chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang) và Cái Răng (Cần Thơ). Nằm trên sông Cái Răng, cách thành phố Cần Thơ khoảng 6 km, chợ nổi Cái Răng trở thành một địa điểm tham quan không thể bỏ lỡ mỗi khi tới Cần Thơ. Du khách có thể đi thuyền từ bến Ninh Kiều chỉ mất 30 phút.

 
Chợ Cái Răng tấp nập hàng trăm thuyền, ghe lớn bé đậu san sát ngay từ sáng sớm. Chợ thường đông vào tầm 3 giờ sáng đến 9 giờ với nhiều mặt hàng trái cây, nông sản. Du khách sẽ ấn tượng với cách tiếp thị độc đáo “treo gì bán nấy” của người dân nơi đây: Treo những thứ cần bán lên một cái sào, gọi là “cây bẹo”, để du khách có thể nhìn thấy từ xa. Tuy nhiên, với áp lực của giao thông đường bộ, các chợ nổi giờ cũng đã thu hẹp nhiều nên cần có sự quan tâm đầu tư của chính quyền địa phương.


*Các điểm di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc mang đặc trưng vùng ĐBSCL như chùa Khleang, chùa Dơi, chùa Đất sét (Sóc Trăng); nhà cổ Bình Thủy (Cần Thơ), nhà cổ Công tử Bạc Liêu... Đây là những điểm tham quan nhằm tăng tính đa dạng sản phẩm, và qua đó cũng hiểu được cuộc sống của người dân vùng ĐBSCL.


*Các điểm du lịch tại các cù lao “Long - Lân - Quy - Phụng” trên sông Tiền: Do thuận tiện về giao thông từ TP Hồ Chí Minh nên đây là điểm du lịch khá hấp dẫn du khách. Bốn cù lao đoạn qua Mỹ Tho được đặt theo quan niệm tứ linh mang điềm an lành hạnh phúc là: long, lân, quy, phụng. Cồn Rồng là "long", cồn Thới Sơn là "lân", cồn Quy là "quy" và cồn Phụng là "phụng". Tại cù lao Thới Sơn (cồn Lân), du khách sẽ được tản bộ trên con đường làng, tham quan nhà dân, vào vườn cây ăn trái thưởng thức các loại trái cây theo mùa và nghe đờn ca tài tử Nam Bộ. Kết thúc hành trình là dùng xuồng chèo len lỏi vào rạch nhỏ ngắm nhìn 2 hàng dừa nước thiên nhiên và phong cảnh đơn sơ của miệt vườn.


Bài và ảnh: Xuân Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN