Những hành vi nào trong lễ hội văn hóa, tôn giáo hiện nay bị cấm?

Bạn đọc hỏi: Nhiều năm trở lại đây, một số lễ hội văn hoá, tôn giáo đã và đang bị lợi dụng, biến tướng thành những hoạt động mê tín, dị đoan, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội. Vây, pháp luật có quy định, chế tài xử lý các hành vi này như thế nào?

Về vấn đề này, báo Tin tức thông tin như sau:

Bộ Công an xác định, trong các lễ hội văn hóa đang xảy ra một số hành vi cụ thể xâm hại tới an ninh trật tự, an toàn xã hội như: Đánh bạc; xem bói; phát tán tài liệu, vật phẩm liên quan tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật, chống Đảng, Nhà nước; tụ tập, gây rối trật tự công cộng…

Chú thích ảnh
Hoạt động đánh bài ăn tiền diễn ra trên dòng suối Yến tại Chùa Hương (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội).

Tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ về quản lý và tổ chức lễ hội, trong đó quy định:

+ Khoản 2, Điều 6: Người tham gia lễ hội có trách nhiệm chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự, an ninh; không tổ chức hoặc tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan, cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác...

+ Khoản 2, Điều 7: Ban tổ chức lễ hội có trách nhiệm thông báo số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người tham gia lễ hội; xây dựng và triển khai phương án bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội... theo quy định pháp luật.

+ Khoản 1, Điều 8: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký hoặc thông báo được quyền tạm ngừng tổ chức lễ hội trong trường hợp tổ chức lễ hội gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

+ Điều 21: Đối với hành vi vi phạm quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính (đối với tổ chức); xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (đối với cá nhân); nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định pháp luật.

Việc xử lý những hành vi xâm hại tới an ninh trật tự, an toàn xã hội trong các lễ hội còn căn cứ vào các quy định pháp luật khác tại Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình; Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo; Nghị định số 159/2013/NĐ-CP; Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản; Bộ luật Hình sự (Điều 318: Tội gây rối trật tự công cộng; Điều 320: Tội hành nghề mê tín, dị đoan; Điều 321: Tội đánh bạc)...

Trung Nguyên/Báo Tin tức
Chấn chỉnh đò suối Yến, du khách sẽ không phải trả phí vệ sinh
Chấn chỉnh đò suối Yến, du khách sẽ không phải trả phí vệ sinh

Sáng ngày mùng 2/2, tức mùng 6 tháng Giêng, lễ hội chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) chính thức khai mạc. Đông đảo du khách thập phương về dự khai hội từ 4 giờ sáng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN