20 năm “cõng chữ” ở vùng biên

Mỗi lớp học chưa đến chục học sinh; cô giáo đến tận nhà hay lên nương để đón nếu học sinh không muốn đến lớp; hằng ngày vượt qua những đoạn đường cua, dốc như hình sin; thường xuyên trong cảnh thiếu nước, không điện... là điều bình thường trong câu chuyện kể của những giáo viên vùng biên giới. Hơn 20 năm gắn bó với những xã nghèo ở Cao Bằng, cô giáo Riêu Thị Yến, trường Tiểu học Lý Quốc đã vượt qua những khó khăn ấy để cống hiến cho giáo dục vùng khó.


Khó khăn thì nhiều

Xã Lý Quốc là một xã vùng biên, đặc biệt khó khăn của huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng. Người dân ở đây chủ yếu là người dân tộc Tày và Nùng, sống chủ yếu bằng trồng hoa màu và chăn nuôi theo phương thức “tự sản, tự tiêu”. Nhưng là vùng “non cao” nên ở đây luôn trong tình trạng hạn hán, mất mùa do sương muối. Địa hình miền núi chia cắt mạnh, đường sá đi lại khó khăn. Do đó, điều kiện học tập của các em nhỏ nơi đây còn nhiều thiếu thốn, nhiều em đến trường phải vượt qua quãng đường hàng chục cây số.

Cô giáo Riêu Thị Yến trong giờ lên lớp.

Cô giáo Riêu Thị Yến, trường Tiểu học Lý Quốc nói: “Nếu là khó khăn thì muôn vàn. Nhưng bất kể ai đã chọn vùng biên là nơi đến thì những khó khăn này đều phải vượt qua để gắn bó”. Năm 1994, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Cao Bằng, cô giáo Riêu Thị Yến được phân công dạy học tại trường Tiểu học Cần Yên, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng. Sau khi lập gia đình, cô Yến xin chuyển về trường Tiểu học Lý Quốc, xóm Bản Khoòng, xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang và công tác cho đến nay.

Cô Yến tâm sự: “Giáo viên tốt nghiệp ở Cao Bằng đều biết rằng sẽ đến với vùng khó khăn. Tuy vậy, những gì được học ở nhà trường khác rất nhiều với thực tế. Bởi thực tế còn vất vả hơn nhiều”. Cô giáo Yến tự nhủ rằng mình biết cái chữ, có nhiệm vụ đưa cái chữ đến với đồng bào thì bất kỳ một người giáo viên nào cũng cần vượt qua khó khăn. Vì vậy cô luôn cố gắng cùng với đồng nghiệp, ban giám hiệu nhà trường đưa ra những giải pháp để duy trì sĩ số học sinh ra lớp; Thường xuyên nắm bắt tình hình hoàn cảnh của học sinh để động viên gia đình, khuyến khích các em tiến bộ.

Cô Yến cho rằng, kiến thức có được từ thực tế là kiến thức bền lâu nhất. Và cũng từ “cái khó ló cái khôn” mà cô Yến đã tự học hỏi tiếng bản địa để có phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh và phù hợp với chuẩn kiến thức kỹ năng từng môn học. Điểm trường cô Yến dạy học có 5 lớp, sĩ số mỗi lớp dao động từ 5 - 10 học sinh/lớp. “Ngày nào chỉ một học sinh không đến lớp cũng đã thấy lớp trống trải. Khi đó, giáo viên không còn cách nào khác là phải đến tận nhà hoặc ra nương nói chuyện với bố mẹ các em để chở các em đến lớp”.

Luôn lấy nhiệt huyết của tuổi trẻ, lòng yêu nghề là sợi chỉ đỏ trong nghề giáo, cô Yến luôn tận tụy với lớp học của mình. Do đó, hàng năm, lớp của cô luôn không có học sinh bỏ học, sĩ số học sinh được lên lớp là hơn 90%. Những năm gần đây, tỷ lệ học sinh đạt loại khá, giỏi đã được nâng lên.

Ngày nhà giáo và những bông hoa rừng

Nhân dịp ngày hiến chương các nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, Riêu Thị Yến là một trong những giáo viên tiêu biểu được ngành giáo dục tặng bằng khen vì thành tích đã có hơn 20 năm gắn bó với giáo dục vùng biên, với các xã nghèo đặc biệt khó khăn ở Cao Bằng. Vừa tới Thủ đô, cô Yến vẫn còn trăn trở: “Trước khi đi, bể nước ở trường đã cạn. Một số giáo viên đang cố gắng tìm nguồn nước ở nhà dân để hôm sau có nước nấu cơm cho học sinh. Thường thì chúng tôi phải huy động đến 4 chị em đi tìm xem nhà nào còn nhiều nước để xin bắc đường dây. Công việc này khá vất vả và tốn nhiều công. Điện đã về tới xóm Khoòng, nhưng luôn trong tình trạng phập phù. Giáo viên luôn để đèn pin, nến, đèn dầu để dự phòng”.

“Cái đói, cái khổ của đồng bào là từ năm nay sang năm khác. Vì vậy, khi nói đến ngày 20/11 nhiều người không biết. Hằng năm vào những ngày này, nhiều học sinh của tôi thường hái hoa rừng trên đường chúng đi học, kết thành những bó hoa để tặng cô giáo. Học sinh của tôi đi học từ 4 giờ sáng và bằng đường bộ. Bó hoa rừng đến được tay tôi vẫn còn đẫm sương mai gợi cho tôi nhiều cảm xúc chân thật về ngày này. Có lẽ điều động viên nhất với tôi là mỗi ngày lên lớp, tôi được nhìn thấy học sinh đến lớp đầy đủ”.

Cô Yến cũng cho biết, những năm gần đây, phụ huynh đã biết đến ngày này. “Trưởng xóm thường kêu gọi mỗi người đóng 2.000 - 3.000 đồng để tổ chức cho các cô giáo một bữa liên hoan. Có người không có tiền, họ thường mang rau, mang thức ăn mà nhà có đến nhà trường để cùng liên hoan. Đó thực sự là sự động viên lớn với chúng tôi”, cô Yến chia sẻ.

Cuộc sống của giáo viên vùng biên giờ đã có nhiều đổi sắc với sự quan tâm từ Chính phủ, từ ngành giáo dục từ việc tạo điều kiện cho gia đình, mức lương, phụ cấp. Tuy nhiên, những khó khăn chung của vùng khó vẫn là điều mà hàng ngày họ phải vượt qua. Trải qua 21 năm trong nghề, cô Yến đã được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp huyện cũng như nhiều năm liền được nhận giấy khen Lao động tiên tiến, Đoàn viên công đoàn xuất sắc. Cùng với Ban giám hiệu nhà trường, các đồng nghiệp, cô đã có cống hiến tích cực cho ngành giáo dục địa phương, góp phần hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ tại địa phương vào năm 1998 và hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1 vào năm 2008. 

Trong câu chuyện, cô Yến vẫn nhắc về những khó khăn như chuyện bình thường. Bởi, “tình yêu nghề, sự kiên trì và hơn cả là mong muốn mang cái chữ đến với đồng bào mà những gì trải qua tôi thấy là điều bình thường. Đồng bào vẫn còn nghèo, còn khổ cực. Họ đã và đang trải qua những khó khăn thì không lý gì, chúng tôi không vượt qua những điều kiện như vậy”, cô Yến tâm sự.
Bài và ảnh: Lê Vân
Gieo chữ trên vùng đất khó Nghệ An
Gieo chữ trên vùng đất khó Nghệ An

Thung Khạng được xem là bản xa nhất, đường đi lại khó khăn nhất của huyện miền núi Quỳ Châu (Nghệ An), bởi vậy hành trang mang theo của những giáo viên nơi đây khi đến lớp là tấm lòng, sự nhiệt huyết vì con trẻ và đôi ủng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN